Thủ tướng Anh David Cameron hồi cuối tuần vừa đưa ra cảnh báo ớn lạnh, theo đó Châu Âu có nguy cơ chiến tranh với Nga nếu vụ khủng hoảng Brexit (Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu - EU) dẫn đến những mâu thuẫn trong nội bộ Châu Âu, gây ảnh hưởng đến khả năng của lục địa già trong cuộc đối đầu với nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw, Ba Lan, ông Cameron nhấn mạnh, Châu Âu cần phải tiếp tục giữ vững khối đoàn kết trước Nga trong bối cảnh có những lo ngại cho rằng việc Anh rút khỏi EU sẽ làm suy yếu quyết tâm của liên minh này trong cuộc đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Vị Thủ tướng 49 tuổi sắp rời nhiệm sở của Anh cho rằng, cần phải “đối thoại một cách cứng rắn” với Moscow nhằm ngăn chặn bất kỳ “sự hiểu lầm hay tính toán sai lầm nào” dẫn đến xung đột.
Ông Cameron còn thêm rằng, cả EU và liên minh (ám chỉ liên minh giữa EU và Anh) cần phải chuẩn bị sẵn sàng để có thể đứng vững trước bất kỳ sự gây hấn hay hành động xâm lược mới nào từ Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Thủ tướng Anh Cameron cho biết tại một cuộc họp báo rằng, “tất nhiên, chúng ta phải đối thoại với Nga - có nhiều vấn đề chúng ta cần thảo luận với Nga, ít nhất là về tình hình ở Syria. Nhưng chúng ta cần phải có một sự đồng thuận rất cao trong việc chúng ta phải đối thoại với Nga trên tư thế của sự đoàn kết và sức mạnh trong vấn đề Ukraine. Các đường biên giới ở Châu Âu đang bị vẽ lại bằng vũ lực bởi một cường quốc và Châu Âu cũng như NATO cần phải chống lại điều đó một cách mạnh mẽ. Chúng ta không đối đầu với Nga. Chúng ta phối hợp với nhau để ngăn chặn điều đó. Vì thế, chúng ta sẽ tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận hai con đường, vừa răn đe vừa đối thoại. Chúng ta phải đối thoại cứng rắn với Nga để tránh mọi sự hiểu lầm hay tính toán sai lầm”.
Những phát biểu trên được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng, Paris xem Nga như một đối tác chứ không phải là “một mối đe doạ” và rằng NATO không có vai trò gì trong việc quyết định mối quan hệ giữa Châu Âu với Moscow nên đi theo hướng nào.
Phát biểu trái ngược nhau của Thủ tướng Anh Cameron và Tổng thống Pháp Hollande phản ánh mâu thuẫn nội bộ trong Châu Âu trong chính sách đối với Nga kể từ sau khi xảy cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Lâu nay, Anh vẫn là nước hàng đầu ở Châu Âu có lập trường cứng rắn, đối đầu quyết liệt với Nga.
Trong hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra hồi cuối tuần vừa rồi ở Warsaw, giới lãnh đạo NATO đã nhất trí với kế hoạch triển khai 4 tiểu đoàn có quân số lên khoảng 4.000 quân đến các nước Baltic và Ba Lan để đối phó với Nga.
Cuộc họp ở Warsaw là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của NATO trong 2 năm và nó được nhiều người xem là cuộc họp quan trọng nhất của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương kể từ sau Chiến tranh Lạnh.