Theo SCMP, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có chuyên cơ riêng như Air Force One của các tổng thống Mỹ, hay hạm đội máy bay lên đến 68 chiếc của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Khi công du nước ngoài, ông Tập sử dụng máy bay thương mại Boeing 747-400 của Hãng hàng không quốc gia Air China làm phương tiện đi lại.
“Lãnh đạo Trung Quốc không có chuyên cơ riêng, phương tiện công du nước ngoài của lãnh đạo do Air China cung cấp”, ông Lu Peixin, nguyên Cục trưởng Lễ tân, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với SCMP trong cuộc phỏng vấn.
Trước mỗi chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo Trung Quốc, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng phối hợp với Air China sẽ tiến hành cải tổ lại nội thất của một hoặc hai chiếc Boeing 747-400 để phục vụ công tác.
Ghế hành khách được tháo bỏ và thay thế bằng sofa, giường ngủ. Nội thất của cabin dành cho chủ tịch có phòng khách, phòng làm việc và phòng ngủ. Không gian máy bay được cơ cấu lại thành 4 khu vực, trong đó khu vực phía trước dành riêng cho Chủ tịch Tập và các quan chức cấp cao làm việc và nghỉ ngơi. 3 khu vực phía sau dành cho quan chức cấp Bộ, nhân viên an ninh, y tế và phi hành đoàn.
Sau khi thay đổi nội thất, máy bay sẽ trải qua thời gian kiểm tra an ninh và tuyển chọn phi hành đoàn kéo dài khoảng một tháng. Sau khi chuyến công du nước ngoài của ông Tập kết thúc, máy bay sẽ được trả về như cũ để phục vụ việc vận chuyển hành khách thương mại.
Theo ông Lu, máy bay có hàng trăm thành phần và nó sẽ không an toàn nếu không được sử dụng thường xuyên. Ngoài ra, Chủ tịch Tập quyết định sử dụng máy bay thương mại thay cho chuyên cơ riêng để tiết kiệm chi phí, chống lãng phí và tham nhũng.
Dù không có máy bay thiết kế riêng cho Chủ tịch Tập nhưng theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, 2 chiếc Boeing với số hiệu B-2447 và B-2472 thường xuyên được sử dụng để vận chuyển các lãnh đạo Trung Quốc.
Từng có Không lực Một
Cũng theo SCMP, cuối những năm 1990, Trung Quốc đã đặt hàng Mỹ sửa đổi một chiếc Boeing 747 dành riêng cho việc đưa đón các lãnh đạo cấp cao. Chiếc máy bay này dự kiến sẽ trở thành “Không lực Một” đầu tiên của Trung Quốc phục vụ Chủ tịch Giang Trạch Dân.
Năm 2001, chiếc Boeing được chuyển về Bắc Kinh, Trung Quốc. Theo Wall Street Journal, phía Trung Quốc phát hiện có 27 thiết bị nghe lén bên trong thân máy bay. Phía Trung Quốc không xác nhận hay phủ nhận vụ việc vào thời điểm đó.
Trong cuộc họp báo sau đó vài tháng, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “không cần thiết phải nghe lén Trung Quốc”. Kể từ đó, Trung Quốc không có thêm kế hoạch mua chuyên cơ riêng dành cho lãnh đạo cấp cao.
Một số chuyên gia cho rằng việc lãnh đạo Trung Quốc không sử dụng chuyên cơ riêng có thể có hiệu quả về mặt chi phí nhưng bất lợi về mặt an ninh. Máy bay thương mại sẽ không có radar để giám sát không phận xung quanh, thiếu các hệ thống gây nhiễu radar, hồng ngoại để đối phó với cuộc tấn công nếu có trên không. Máy bay không có khả năng tiếp nhiên liệu trên không để kéo dài đường bay.
Tổng thống Mỹ có một “Nhà Trắng trên không” bên trong chiếc Air Force One. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có một “Điện Kremlin” thu nhỏ bên trong chuyên cơ Il-96-300PUM1. Tổng thống Nga, Mỹ có thể triển khai quân đội, thậm chí khởi động cuộc tấn công hạt nhân ngay cả khi đang ở trên không.