“Hãy để làn da nâu của bạn biến mất” là một câu nói phổ biến tại các cửa hiệu làm đẹp Ấn Độ, nơi các cô gái lớn lên với niềm tin mãnh liệt rằng, nước da trắng luôn là đẹp nhất.
Những câu chuyện như vậy xuất hiện nhan nhản khắp nơi, kể cả trên những video quảng cáo gây định hướng dư luận; từ những lời giới thiệu kết bạn “tốt nghiệp MBA, nói tiếng Anh tốt, da trắng” cho tới những câu như: “Cô ấy quá may mắn khi lấy được chồng, dù da đen nhẻm”. Không phải chỉ một vài cá nhân mà cả xã hội đang quy cho “da trắng” là đẹp.
Mặc dù nhiều người Ấn Độ thường nói rằng không có chuyện phân tầng xã hội vì màu da, trên thực tế, nỗi ám ảnh của quốc gia này về màu da trắng cũng gây nên tình trạng bạo lực. Những năm gần đây, nhiều sinh viên châu Phi sống tại Ấn Độ cũng thường bị tấn công vì màu da của mình.
Vậy tại sao người Ấn Độ lại ghét màu da của mình đến vậy?
“Hội chứng tắm trắng”
Nhìn vào lịch sử của Ấn Độ có thể cho bạn câu trả lời về vấn đề này.
Xuyên suốt thời kỳ trung đại và hiện đại, lục địa Ấn Độ đã là nơi được nhiều tay buôn, thương lai châu Âu đến từ Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp đặt chân tới, suốt từ thế kỷ 15 cho tới thế kỷ 17. Sau đó, Ấn Độ cũng trải qua giai đoạn dài bị Anh xâm chiếm từ thế kỷ 17 cho tới khi giành được độc lập vào năm 1947. Tất cả những người nước ngoài từng có mặt tại Ấn Độ đều có làn da trắng, nước da sáng và họ tự coi là những người cao cấp trong xã hội.
Qua hàng thập kỷ, người Ấn Độ đã bị ảnh hưởng bởi quan điểm rằng nước da sáng là biểu hiện của quyền lực, địa vị và là khát khao của nhiều thanh niên Ấn Độ. Không chỉ ở những tầng lớp quý tộc mà kể cả giới bình dân, họ cũng coi thường nước da màu nâu vốn có. Tư tưởng trọng da trắng lại được củng cố thêm mỗi ngày nhờ những cuốn tạp chí, quảng cáo, phim ảnh với các nhân vật nữ có nước da trắng bóc như phụ nữ phương Tây.
Theo một nghiên cứu được tiến hành từ năm 2013 đến năm 2016, 70% trong số 300 phụ nữ và nam giới được phỏng vấn cho biết họ muốn hẹn hò với ai có nước da sáng màu. “Chủ nghĩa màu sắc” này đã đẩy nhiều người Ấn Độ đến các cơ sở thẩm mỹ để làm sáng da - một hiện tượng xã hội được gọi bằng cái tên “Hội chứng tắm trắng”.
Nhuộm da, tắm trắng da không chỉ là một vẻ đẹp thời trang; đó là cách để nâng tầm địa vị mỗi người, giúp họ thể hiện bản thân trước xã hội. Nó không chỉ phổ biến tại Ấn Độ mà đã lan ra nhiều nước châu Á.
Thị trường tắm trắng bùng nổ
Với nhu cầu làm đẹp của phụ nữ, thị trường kem trộn và các sản phẩm làm trắng da cũng nở rộ. Ước tính mỗi năm, chỉ tính riêng mảng làm trắng da tại Ấn Độ đã có giá trị 400 triệu USD.
Hàng loạt các sản phẩm xuất hiện và được bán phổ biến rộng rãi như Fem, Lotus, Fair and Lovely, Fair and Handsome… Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những sản phẩm như vậy rất độc hại cho sức khỏe và lâu ngày có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng với cơ thể như ung thư da, hỏng phổi, ngộ độc chì…
Dù biết trước có những độc hại với cơ thể, theo một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2014, 90% phụ nữ Ấn Độ vẫn cho rằng việc làm trắng da là một điều hết sức cần thiết. Những cô gái trẻ có thể chấp nhận quên đi những tác dụng phụ của các loại kem làm trắng để hy sinh cho sắc đẹp. Không chỉ nữ giới, nam giới cũng rất quan tâm tới các sản phẩm này. Các sản phẩm đánh vào phái mạnh cũng phát triển ồ ạt, không kém gì kem dưỡng da cho nữ giới.
Khi sự coi trọng màu da đi quá giới hạn
Năm 2012, nhãn hiệu dung dịch vệ sinh vùng kín phụ nữ Clean and Dry đã nhận được vô số lời chỉ trích từ người tiêu dùng khi đưa ra quảng cáo với thông điệp, dùng Clean and Dry có thể giúp vùng kín của chị em phụ nữ trắng sáng hơn.
Người ta bắt đầu nhìn nhận lại về tiêu chuẩn của cái đẹp, đặc biệt là màu da phụ nữ. Năm 2013, nhóm hoạt động vì quyền phụ nữ Women of Worth đã tiến hành chiến dịch “Màu tối tuyệt đẹp” (Dark is Beautiful) với sự tham gia của diễn viên nổi tiếng Ấn Độ Nandita Das.
Nhiều nhóm hoạt động khác cũng đã đệ đơn lên hiệp hội tiêu chuẩn quảng cáo Ấn Độ và đưa ra những quy định về việc “quảng cáo không nên cổ xúy những định kiến xã hội về màu da” hay “khắc họa hình ảnh nhân vật với màu da tối là những người không thành công, không quyến rũ hay xấu xí”.
Tuy nhiên, những quy định này vẫn không thể ngăn được sự phân biệt màu da trong xã hội Ấn Độ. Đến nay, mặt hàng dung dịch vệ sinh phụ nữ với lời quảng cáo làm trắng vùng kín kia vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường.
undefined