Ủy ban Nobel Na Uy ở Oslo lúc 11h giờ địa phương (16h giờ Hà Nội) công bố giải Nobel Hòa bình 2018 thuộc về bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege và Nadia Murad, người từng là nạn nhân của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Bác sĩ Mukwege (63 tuổi) đã dành hơn hai thập kỷ để giúp đỡ các nữ nạn nhân ở Congo hồi phục sau bạo lực và hãm hiếp. Trong khi đó, Murad (25 tuổi) là thành viên nhóm sắc tộc thiểu số Yazidi ở Iraq, bị bắt cóc và trở thành nô lệ tình dục của phiến quân IS vào năm 2014.
May mắn thay, sau đó cô trốn thoát được và trở thành một nhà hoạt động nhân quyền từ năm 2016, can đảm cất tiếng nói phơi bày sự thật, truyền cảm hứng cho nhiều nạn nhân khác.
Theo tuyên bố của Ủy ban Nobel Na Uy, bác sĩ Mukwege là “biểu tượng tiên phong và thống nhất ở cả trong nước lẫn quốc tế trong việc đấu tranh nhằm chấm dứt bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột vũ trang”.
Trong khi đó, Murad, người từng bị IS bắt cóc, liên tục cưỡng hiếp và ngược đãi, “đã cho thấy lòng can đảm vô tận khi kể lại nỗi đau của chính mình”.
Tính tới thời điểm hiện tại, Murad là người đạt giải Nobel Hòa Bình trẻ thứ hai sau Malala Yousafzai, người giành giải thưởng khi mới 17 tuổi vào năm 2014.
Giải thưởng năm nay trị giá 9 triệu kronor (khoảng 1 triệu USD).
Mỗi năm, giải Nobel Hòa bình sẽ được trao theo yêu cầu ghi trong di chúc của nhà phát minh Alfred Nobel. Trong khi phần lớn các giải Nobel ở các lĩnh vực khác như Y học, Hóa học, Vật lý được trao tại Thụy Điển và do một ủy ban của Thụy Điển quyết định, người hoặc tổ chức được xét trao giải Nobel Hòa bình sẽ được quyết định bởi Ủy ban Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra.