Hơn 97% số người nhập viện vì Covid-19 vào giữa tháng 7 thuộc nhóm chưa được tiêm vaccine, trích lời bà Rochelle Walensky, Giám đốc CDC Hoa Kỳ. Tỷ lệ nhiễm bệnh cao ở những người chưa tiêm chủng khiến mối nguy Covid-19 càng thêm lớn cho toàn xã hội.
Trong hoàn cảnh đó, những người đã được tiêm vaccine đầy đủ liền nổi giận. Nhóm chưa được tiêm phòng bị gán cho cái danh "ngang bướng", "ích kỷ" hay thậm chí "ngu ngốc", vì họ không đủ khả năng tự bảo vệ mình lẫn cộng đồng.
Các chuyên gia y tế cho biết tâm lý tức giận là điều dễ hiểu trong hoàn cảnh này, nhưng đó không phải là dấu hiệu khả quan. Trái lại, sự phẫn nộ và công kích có thể phản tác dụng và khiến những người không tiêm chủng càng thêm cố chấp với quyết định của họ lúc trước.
Tình trạng dịch bệnh phức tạp ở Mỹ chỉ chấm dứt khi hàng triệu người dân được tiêm phòng. Và kết quả đó không thể đạt được qua việc lăng mạ, giận dữ và xua đuổi những người chưa có điều kiện hoặc ý định tiêm.
Marlene Millen, giáo sư y khoa tại Đại học California San Diego, không thích cách các cơ quan y tế liên bang đặt tên cho "đại dịch của những người chưa tiêm chủng". Kinh nghiệm lâu năm cho bà biết rằng thái độ chỉ trích sẽ không giúp ích được gì.
Stephanie McClure, trợ lý giáo sư nhân chủng học tại Đại học Alabama, từng trò chuyện với nhiều người chưa được tiêm chủng. Nếu nguyên nhân khiến họ do dự là vì nhận thức sai lầm, sợ hãi hay không tin tưởng cơ quan chức năng, vậy thì tình huống hoàn toàn có thể cứu vãn.
Đổ lỗi và lăng mạ mang đến tác dụng trái ngược đối với nhóm người xem vaccine là một vấn đề chính trị, đặc biệt là cộng đồng da màu. Thay vào đó, nên nói rằng những người đồng ý tiêm chủng đang thực hiện nghĩa vụ công dân của mình, họ là những người yêu nước, yêu gia đình và sẵn lòng đoàn kết để bảo vệ cộng đồng.