Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Những góc khuất về đời tư của Từ Hy: Thà hầu Thái hậu đi vệ sinh còn hơn phải làm việc này

Theo Thời Đại Theo dõi Saostar trên google news

Những hồi ức u ám từ các cung nữ trốn khỏi Tử Cấm Thành đã hé lộ nhiều góc khuất về đời sống riêng tư của Từ Hy - vị Thái hậu nổi tiếng nhất Thanh triều.

Sau khi Hàm Phong băng hà, Thái tử Tải Thuần lên ngôi làm Hoàng đế, sử cũ gọi là Đồng Trị đế.

Có câu “mẫu bằng tử quý” (mẹ quý nhờ con), việc tân đế kế vị đã giúp người mẹ ruột là Từ Hy từ phi tần vươn lên trở thành Hoàng Thái hậu.

Nếu như Tây Thái hậu đối với người con ruột của mình là Đồng Trị ít nhiều vẫn còn mang tình mẫu tử, thì đối với vị vua “khác máu tanh lòng” với bà như Quang Tự, Từ Hy hoàn toàn chỉ có mục đích chi phối và lợi dụng.

Vào giai đoạn Quang Tự Hoàng đế tại vị, quyền lực của Tây Thái hậu đã lớn mạnh đến nỗi đủ sức làm mưa làm gió và đem lại cho bà cuộc sống xa hoa, lãng phí đến cực điểm.

Sau khi Từ Hy qua đời, cơ nghiệp Đại Thanh cũng đến hồi mạt vận. Khi tiền triều sụp đổ, những tiết lộ của các cung nữ trốn khỏi Tử Cấm Thành đã cho người đời biết được nhiều góc khuất phía sau cuộc sống hoa lệ chốn hoàng cung một thời.

Cuốn “Cung nữ đàm vãn lục” chính là hồi ký của các cung nhân từng làm việc dưới trướng Từ Hy. Ít ai biết rằng, đằng sau cuộc sống xa hoa, lãng phí của vị thái hậu khét tiếng một thời lại ẩn giấu không ít nỗi xót xa, tiếng ai oán của những người từng phải sống dưới thân phận nô tỳ.

Cuộc sống “bóp mồm bóp miệng” của những cung nữ bên cạnh Từ Hy

Vào thời nhà Thanh, những người có thân phận nô tỳ vốn đã khổ, nhưng nếu phải hầu hạ Từ Hi Thái hậu thì cuộc sống của họ còn vất vả và khắc nghiệt hơn rất nhiều. (Ảnh: Nguồn Internet).

Từ cổ chí kim, hoàng cung nổi tiếng là nơi có vô số luật lệ nghiêm khắc. Thế nhưng đối với những cung nữ hầu hạ Từ Hy, số quy củ mà họ phải tuân thủ còn phức tạp và khắc nghiệt hơn rất nhiều.

Trong hồi ức của các cung nhân bên cạnh Tây Thái hậu, họ chưa bao giờ dám ăn một bữa no, thậm chí còn thường xuyên phải chịu cảnh đói bụng.

Vào thời bấy giờ, cung nữ chính là những người làm công việc phục dịch, dựa vào thể lực mà sống. Thanh triều khi đó tuy đã tụt dốc, nhưng cũng chưa tới nỗi thiếu thốn lương thực.

Cho dù là vậy, cung nữ ở bên cạnh Từ Hy được ăn tới 8 phần no đã là chuyện hiếm, còn lại đa số đến bữa đều chỉ vội lót dạ vài miếng cơm, không ít người thậm chí thường xuyên nhịn đói.

Trên thực tế, quy tắc ngầm này đã được tất cả các cung nhân ở cung Từ Hy áp dụng từ rất lâu. Bởi họ luôn lo lắng việc mình ăn no sẽ phạm phải một điều tối kỵ - đó chính là vô tình trung tiện (xì hơi).

Cuộc sống của các cung nhân trong Tử Cấm Thành không hề nhẹ nhàng hay đơn giản như trên phim ảnh. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Mặc dù đây là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể, nhưng Từ Hy lúc bấy giờ đã lấy việc cấm trung tiện làm quy củ trong cung mình.

Theo đó, phàm là cung nhân nào dám thải ra khí bẩn trước mặt thái hậu, người bị xử nhẹ thì mất việc, người bị xử nặng thậm chí sẽ có thể bỏ mạng.

Vì vậy, ở vào thời điểm phục vụ Từ Hy, cung nữ trong cung không chỉ không dám ăn no mà ngay tới những món có mùi tanh như cá, tôm hay các món giúp nhuận tràng như rau củ cũng chẳng mấy khi dám đụng tới.

Vào thời bấy giờ, cung nữ còn phải thay phiên nhau trực đêm. Tới những ngày có ca trực, họ sẽ được phát một vài miếng bánh để ăn lót dạ lúc đêm khuya.

Tuy nhiên những cung nữ một khi đã trực đêm thì không chỉ không dám ăn bánh ngọt, mà ngay tới các bữa trong ngày hôm ấy cũng ăn ít hơn bình thường.

Bởi lẽ họ sợ rằng một khi đã ăn no thì sẽ dễ buồn ngủ, lỡ như nửa đêm Thái hậu có chỉ thị mà không nghe thấy thì đến tám, chín phần là sẽ bị rơi đầu.

Cấm hạ nhân nằm ngửa đi ngủ - điều luật ngược đời và mê tín của Thanh triều

Ngoài điều luật cấm hạ nhân trung tiện trước mặt mình, Từ Hi còn bắt các cung nhân chỉ được ngủ theo tư thế bắt buộc.(Ảnh minh họa).

Không chỉ phải “bóp mồm bóp miệng” trong việc ăn uống, ngay tới tư thế ngủ của hạ nhân trong cung cũng có quy định rõ ràng.

Theo luật định thời bấy giờ, phàm là người mang thân phận nô tỳ chỉ có thể nằm nghiêng chứ tuyệt đối không được nằm ngửa trong lúc ngủ.

Điều luật này bắt nguồn từ một quan niệm có phần mê tín dị đoan nhưng lại rất thịnh hành vào thời này. Theo đó, người trong cung cho rằng ban đêm là lúc các vị thần đi dò xét nhân gian để ban phúc, thọ cho những chủ tử ở các cung.

Vì vậy, để đảm bảo cho các chư thần chỉ nhìn thấy mặt chủ tử chứ không thấy mặt hạ nhân, giai cấp thống trị thời đó đã bắt toàn bộ cung nhân không được phép nằm ngửa khi ngủ.

Chưa dừng lại ở đó, việc hạ nhân vô tình nằm ngửa trong lúc ngủ còn bị quy chụp là “ăn cắp phúc phần của chủ tử”, xếp vào tội đại nghịch bất đạo, nặng thì có thể xử tử.

Một người đã bước vào tuổi già như Từ Hy Thái hậu càng thêm tin vào quan niệm mê tín này. Vì vậy, bà không chỉ yêu cầu cung nữ trong cung mình phải nằm nghiêng khi ngủ mà còn bắt họ dùng chăn đắp nửa gương mặt.

Tây Thái hậu tin rằng, quy định này sẽ khiến dung mạo của cung nữ không được thần phật nhìn thấy, từ đó bà chính là người hưởng tất cả phúc phần.

Châm thuốc cho Thái hậu - công việc ám ảnh các cung nhân trong Tử Cấm Thành

Với một vị Thái hậu nổi tiếng xa hoa như Từ Hi, việc bà sở hữu người hầu kẻ hạ đông đúc cũng là điều dễ hiểu. (Ảnh minh họa).

Năm xưa, cung nữa trong cung Từ Hy có tới hơn mấy trăm người. Trong số đó, ba người được Thái hậu coi trọng nhất chính là cung nữ đảm nhiệm các nhiệm vụ: Trang điểm, phục vụ việc đi cầu, chăm lo việc châm thuốc.

Cung nữ lo việc trang điểm không chỉ cần tinh thông nhiều kiểu tóc mà còn phải biết chế tạo ra những loại son phấn hợp mùa, hợp thời.

Trong quá trình trang điểm, bới tóc, nếu tóc Thái hậu bị rụng quá nhiều hoặc kiểu trang điểm khiến Lão Phật gia không vừa ý, cung nữ đó sẽ bị Từ Hy nghiêm trị.

Mặc dù Tây Thái hậu là người thích chưng diện, tính cách hỉ nộ thất thường, thế nhưng công việc trang điểm cho bà tựu chung lại vẫn là nhiệm vụ nhẹ nhàng, sạch sẽ.

So với công việc trên, cung nữ lo hầu hạ Từ Hy đi vệ sinh lại vất vả hơn không ít.

Vào thời bấy giờ, cổ nhân vẫn chưa có loại giấy vệ sinh chuyên dụng nên vẫn dùng giấy thô để lau chùi.

Giấy vệ sinh của Từ Hy vốn được làm từ giấy bạch miên cao cấp, bề ngoài đã nhẵn nhụi và mềm mại hơn các loại giấy thông thường rất nhiều. Tuy nhiên loại giấy cực phẩm này vẫn chưa được Thái hậu trưng dụng ngay trong lúc đi cầu.

Thay vào đó, bà yêu cầu cung nữ phải cắt giấy thành từng miếng vuông đều nhau, sau đó là giấy để giảm thiểu tối đa độ thô cứng.

Công việc là giấy vệ sinh nghe thì đơn giản, nhưng không phải ai cũng có thể làm. Trong suốt quá trình này, cung nữ phải ngậm một ngụm nước trong miệng, sau đó phun nước đều lên giấy rồi mới tiến hành là.

Độ nóng khi là giấy cũng rất khó kiểm soát. Nếu là quá phẳng thì Thái hậu dùng sẽ không tiện, nếu là không phẳng lại sợ rằng giấy thô sẽ khiến Thái hậu không thoải mái.

Do đó, việc là giấy vệ sinh cho Từ Hy vô cùng tốn kém thời gian, thậm chí có khi mất tới cả một ngày.

Vào thời điểm sử dụng, cũng chính là lúc Từ Hy đi vệ sinh, cung nữ theo hầu vẫn phải ngậm một ngụm nước trong miệng. Khi Thái hậu dùng giấy, họ sẽ phun nước lên tờ giấy đã được là.

Lượng nước phun lên miếng giấy không được quá nhiều, cũng không được quá ít, phải làm sao để cho miếng giấy mềm mại dễ dùng.

Dù có phần vất vả, khổ cực, nhưng hầu hạ Thái hậu đi vệ sinh vẫn là công việc trong mơ của nhiều cung nữ thời bấy giờ. (Anhr minh họa: Nguồn Internet).

Công việc hầu hạ Từ Hy đi cầu đòi hỏi người phải có trình độ thuần thục. Thế nhưng dù khó khăn, rườm rà, cung nhân trong cung Từ Hy vẫn tình nguyện hầu hạ Lão Phật gia đi vệ sinh còn hơn là phục vụ việc châm thuốc.

Có giai thoại truyền lại rằng, Từ Hy mặc dù sở hữu dung nhan dễ nhìn, nhưng lại có một hàm răng rất vàng. Điều này vốn đến từ thói quan nghiện hút thuốc của bà.

Khi còn tại thế, Từ Hy dường như ngày ngày đều cầm theo tẩu thuốc. Loại thuốc được bà sử dụng có tên gọi là thủy yên.

Dù mang nhiều điểm khác với thuốc lá ngày nay, nhưng thuốc thủy yên vẫn cần dùng lửa để châm.Khi muốn hút thuốc, Từ Hy sẽ hạ lệnh cho cung nữ châm lửa.

Người này đầu tiên dùng đá lửa để mồi, sau đó dẫn lửa vào một quả cầu nhung, tiếp đó đem quả cầu này đốt trên mặt giấy để có được sợi thuốc lá, rồi dùng tay nắm sợi thuốc cho vào tẩu, cuối cùng lại dùng tay dập lửa.

Thực tế, việc dập lửa có rất nhiều cách, không nhất thiết phải dùng tay. Tuy nhiên những phương pháp như đem quả cầu nhung ném xuống đất hay dùng miệng thổi tắt thì có phần không cung kính trước mặt Thái hậu.

Do đó để tránh thất lễ, cung nhân lo việc châm thuốc thời bấy giờ đều dùng tay để tắt lửa. Đây cũng là lý do khiến nhiều người làm việc ở vị trí này đều có không ít lần bị bỏng. Thế nhưng dù cho tay có đau tới đâu, họ vẫn phải giữ thái độ bình tĩnh để tránh rơi đầu.

Cũng bởi nguyên nhân trên, nhiệm vụ châm thuốc cho Từ Hy chính là công việc ám ảnh nhất của tất cả các cung nhân trong Tử Cấm Thành thời bấy giờ.

Theo vòng quay của lịch sử, những ký ức về một thời vàng son của chốn hoàng cung Thanh triều đã sớm theo cổ nhân chìm vào dĩ vãng.

Thế nhưng đối với nhiều người, ký ức u ám về những góc khuất phía sau cuộc sống hoa lệ nơi cung đình có lẽ sẽ mãi còn ám ảnh, nhắc nhở hậu thế về một xã hội phong kiến đã từng tồn tại vô số điều bất công, cũng đã từng chôn vùi không ít những kiếp người trong sự giày vò, tủi nhục…

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Thời Đại

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố