Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Giật mình mức độ thảm khốc của cháy rừng Amazon qua ảnh vệ tinh NASA

Trong ảnh vệ tinh mới nhất do NASA công bố, khó ai nén được nỗi bàng hoàng khi chứng kiến ngọn lửa dữ tợn thiêu rụi từng mảng rừng xanh ở Amazon, khói mù đen đặc bốc lên ngút trời. 

Video thảm kịch cháy rừng Amazon qua hình ảnh vệ tinh từ NASA

Chỉ trong vòng vài ngày ngắn ngủi từ 15 - 22/8, miền đất Nam Mỹ rộng lớn sáng rực cả một vùng vì nạn cháy rừng dữ dội. Suốt hơn 3 tuần qua, liên tục có báo cáo về những trận cháy mới được đưa đến tay cơ quan chức năng với số lượng lên đến hàng trăm vụ, mặc cho nỗ lực cứu lấy cánh rừng của đội ngũ quân nhân. Trong ảnh vệ tinh do NASA công bố, những chấm nhỏ màu cam tượng trưng cho đám cháy quy tụ thành từng dải màu chói mắt, lấn át màu trắng của thành thị và sắc xám đen của rừng cây.

Màu cam tượng trưng cho vụ hỏa hoạn xảy ra ở rừng Amazon.

Màu đỏ cam trải dài cả khu vực rộng lớn. Ảnh: NASA

Mảng màu cam tập trung nhiều nhất ở khu vực đông bắc Brazil, chủ yếu là bang Pará và Amazonas. Cháy rừng đã khiến các khu vực đông dân cư như Porto Velho ở Rondonia chịu ảnh hưởng nặng nề với làn khói dày đặc che khuất bầu trời thành phố. Dữ liệu của NASA cũng cho thấy lãnh thổ Brazil đang bị bao phủ bởi khối lượng CO2 khổng lồ.

Những hình ảnh được chụp bằng máy phát hồng ngoại khí quyển ở độ cao gần 5.500 m dùng màu xanh để biểu thị nồng độ CO2 ở mức trung bình: 100 ppbv (100 phần tỷ theo khối lượng). Khi cán mốc 120 ppbv, dải màu này sẽ chuyển sang vàng và ngả hẳn thành màu đỏ khi nồng độ CO2 chạm mức 160 ppbv.

Ngày qua ngày, nồng độ CO2 ngày càng tăng và lan rộng từ phía tây bắc sang đông nam Brazil. Tuy nhiên, số liệu mỗi mốc được thu thập từ giá trị trung bình của 3 ngày khác nhau, do đó có khả năng sẽ xảy ra sai lệch so với thực tế. NASA cho biết: “CO2 là chất gây ô nhiễm có thể lan rộng với phạm vi lớn và tồn tại trong bầu khí quyển suốt 1 tháng ròng. Với độ cao như trong ảnh, tác động của dòng khí này đến sức khỏe con người không mấy đáng kể. Tuy nhiên, chúng có thể bị cuốn theo cơn gió mạnh và sà xuống độ cao có thể gây giảm chất lượng không khí. CO2 là tác nhân chủ yếu gây nên ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu”.

Ngọn lửa nuốt trọn một mảng lớn rừng Amazon.

Vụ cháy để lại vô số hậu quả nặng nề.

Trước sự chỉ trích đến từ truyền thông trong và ngoài nước, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã bày tỏ sự bức xúc của bản thân vì bị đặt dưới áp lực dư luận. Ông phủ nhận trách nhiệm của mình đối với nạn cháy rừng, đồng thời chỉ trích phe đối lập đã vin vào chính sách “đánh đổi” môi trường lấy sự phát triển kinh tế mà mình ban hành để đẩy mọi việc đi quá xa, hòng hạ thấp uy tín của chính phủ trong nước và trên trường quốc tế. Đáp lại động thái này, các nhà lãnh đạo ở châu Âu đã đe dọa chấm dứt thỏa thuận thương mại với Brazil và các quốc gia Nam Mỹ khác.

Thái độ của ông Bolsonaro cũng khơi mào cho làn sóng bức xúc của chính các công dân Brazil. Hàng nghìn người đã tập trung tại các thành phố lớn trong nước và trước cửa đại sứ quán Brazil trên khắp thế giới để biểu tình. Cộng đồng cũng chung tay đưa hashtag #PrayforAmazonia lên top các mạng xã hội toàn cầu. Giáo hoàng Francis cũng lên tiếng vì Amazon: “Khu rừng này là 'lá phổi' của cả hành tinh”. 

Video: Cận cảnh đám cháy ở Amazon

Trước áp lực khổng lồ từ phía dư luận, cuối cùng Tổng thống Brazil cũng có động thái thỏa hiệp khi cử 44.000 quân nhân tiến hành công tác dập lửa. Tuy nhiên, nhiều người cáo buộc vụ hỏa hoạn xuất phát từ hành vi chặt phá và khai thác rừng trái phép, do đó, đám cháy bùng phát đặc biệt dữ dội - cũng tức là bấy nhiêu đó quân nhân vốn chẳng đủ để cứu hỏa.

Mauricio Santoro, Giáo sư khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Rio de Janeiro, cho biết: “Chưa từng có chính phủ dân chủ nào phải chịu sự chỉ trích thậm tệ từ phía người dân như ông Bolsonaro. Chính vì hành động vi phạm các thỏa thuận quốc tế về bảo vệ môi trường mà Brazil đã tự đánh mất vị thế cũng như tiếng nói của mình khi đàm phán cùng các quốc gia khác”.

Tổng thống Brazil vẫn tỏ thái độ cứng rắn với các nhà hoạt động vì môi trường.

Cùng lúc đó, ông bị người dân chỉ trích vì ủng hộ việc phá rừng.

Cuối tuần qua, máy bay quân sự của Brazil đã bắt đầu phun nước vào các đám cháy ở rừng Amazon thuộc bang Rondonia, hàng trăm binh sĩ cũng lao vào vùng hỏa hoạn để dập lửa. Song, những nỗ lực đó vẫn chưa thể xoa dịu cơn phẫn nộ trong lòng người dân Brazil. Vô số người đã đổ xuống đường ở Rio de Janeiro và các thành phố khác để yêu cầu chính phủ thực hiện nhiều động thái quyết liệt hơn. Trong các cuộc biểu tình, họ luôn giữ chặt biểu ngữ “Bol$onaro đang thiêu rụi tương lai của đất nước này”.

Trước đó, Tổng thống Brazil từng phê phán việc bảo vệ rừng là rào cản cho sự phát triển kinh tế của quốc gia. Ông đã tiếp tay cho những tay khai thác gỗ trái phép, nông dân và chủ trang trại chăn nuôi để phá rừng hòng vơ vét tài nguyên. Giờ đây, lời hứa bảo vệ rừng của ông lại bị người dân mỉa mai bởi nó chỉ là câu nói thốt ra để cứu vãn nguy cơ sụp đổ mối quan hệ ngoại giao và thiệt hại kinh tế. “Đối với ông ấy, áp lực đến từ ngoại quốc có giá trị gấp mấy lần tiếng nói của người dân trong nước”, Giáo sư Santoro nhận xét.

Hành động của ông Bolsorano đã khiến người dân bức xúc biểu tình.

Trước sức ép đến từ các nhà lãnh đạo G7, ông cuối cùng cũng thỏa hiệp.

Các nhà lãnh đạo G7 tuyên bố họ sẽ nỗ lực giúp Brazil dập lửa và giảm thiểu thiệt hại gây ra bởi đám cháy. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bổ sung rằng họ sẽ hỗ trợ Brazil về mặt kỹ thuật lẫn tài chính để nước này mau chóng vượt qua khủng hoảng cháy rừng. Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ cùng các nguyên thủ quốc gia khác thương thảo vấn đề trồng lại cây xanh ở rừng Amazon để khắc phục hậu quả sau hỏa hoạn. “Tất nhiên đây là khu rừng thuộc lãnh thổ Brazil, nhưng nạn cháy rừng lại có sức ảnh hưởng toàn cầu”, bà nói. “Lá phổi của Trái Đất đang bị tổn thương, chúng ta có trách nhiệm cứu lấy nó”.

Hỏa hoạn là vấn nạn hàng năm ở Brazil mỗi khi đến mùa khô, song nạn cháy rừng năm nay lại khiến toàn thế giới dậy sóng vì mức độ nghiêm trọng kỷ lục. Đã có hơn 77.000 vụ cháy rừng được ghi nhận ở nước này tính từ đầu năm đến nay, tăng 85% so với năm ngoái. Nghiêm trọng hơn, có một nửa số vụ hỏa hoạn xảy ra trong rừng Amazon.

Khói đen kịt bao phủ bầu trời.

Đội ngũ cứu hỏa phải nỗ lực hết mình để dập lửa.

Rómulo Batista, một thành viên của Chiến dịch bảo vệ rừng Amazon thuộc tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cho biết: “Đã 8 tháng trôi qua, nhưng chẳng có biện pháp nào được thực thi để cứu lấy Amazon”. Giờ đây, ngọn lửa cao ngút hoành hành khắp khu rừng chính là hậu quả của chính sách lợi dụng môi trường triệt để từ ông Bolsonaro. “Chính phủ đã chống lưng cho những con người ngang ngược sẵn sàng đốn hạ cả khu rừng để trục lợi cho mình”, ông nói. “Hàng nghìn loài động thực vật đã phải bỏ mạng vì đám cháy này, cư dân thành phố lân cận thì mắc bệnh hô hấp trầm trọng vì hít phải khói độc. Nạn phá rừng gia tăng có thể khiến tình hình mưa lũ bị biến đổi và tàn phá nền nông nghiệp trên toàn khu vực Nam Mỹ”.

Hàng trăm nghìn quân nhân đã được điều động để dập lửa.

Máy bay cũng được tận dụng triệt để.

Bolsonaro đã phản bác lập luận phải bảo vệ rừng Amazon vì đây là nơi sản xuất một lượng lớn oxy và đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vụ cháy rừng này có thể buộc ông thay đổi quan điểm do áp lực đến từ nhà lãnh đạo các quốc gia khác.

Cảnh sát liên bang Brazil đã tuyên bố sẽ điều tra làm rõ nghi án nông dân vùng Para - một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của vụ hỏa hoạn - đã chính tay châm ngòi cho thảm họa này với quyết định “ngày nổi lửa” diễn ra hôm 10/8. Họ hẹn nhau tổ chức “ngày lễ” này để tỏ lòng ủng hộ chính sách nới lỏng quy định về môi trường của ông Bolsonaro.

Cuối cùng ông Bolsorano cũng có hành động giải cứu rừng Amazon.

Bộ trưởng Tư pháp Sergio Moro lại cho biết Tổng thống đã yêu cầu lực lượng cảnh sát phải điều tra nghiêm ngặt và nghiêm phạt hành vi đốt rừng. Được biết, ông Bolsonaro đang điều động lực lượng hùng hậu để cứu Amazon khỏi cơn hỏa hoạn, song lại tỏ thái độ căng thẳng với các quốc gia và tổ chức phi chính phủ có động thái can thiệp vào việc giải cứu khu rừng. Văn phòng Tổng thống Macron đã lên tiếng cáo buộc ông Bolsonaro lừa dối nước Pháp về thỏa thuận bảo vệ môi trường. Khi được hỏi về vấn đề này, Tổng thống Brazil tuyên bố: “Nếu ông ấy (Tổng thống Pháp) có gọi, tôi vẫn sẽ trả lời. Tôi vẫn giữ thái độ hết sức điềm đạm với ông Macron, mặc cho bị gọi là kẻ dối trá”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Dailymail

Được quan tâm

Tin mới nhất