Theo truyền thông Nhật Bản, công ty an ninh và vệ sinh văn phòng Taisei sẽ phối hợp với nhà sản xuất máy bay không người lái Blue Innovation và công ty viễn thông NTT East để phát triển thiết bị này. Thiết bị bay không người lái sẽ di chuyển qua các phòng sau nhiều giờ phát Auld Lang Syne, bài hát thường được sử dụng ở các cửa hàng khi tới giờ đóng cửa.
“Bạn sẽ không thể làm việc được khi nghĩ rằng nó (thiết bị bay) ‘sẽ tới bất cứ lúc nào’ và nghe tiếng nhạc bài Auld Lang Syne cùng thứ âm thanh ồn ào”, Norihiro Kato, giám đốc của Taisei, nói với hãng tin AFP.
Taisei dự định thử nghiệm máy bay không người lái “xua đuổi” nhân viên ngay trong chính công ty này vào tháng 4 năm sau và sau đó sẽ cung cấp dịch vụ này cho những đơn vị khác.
Hoài nghi về tính hiệu quả
Máy bay không người lái sẽ “xua đuổi” được nhân viên? “Câu trả lời là: không,” Seijiro Takeshita, giáo sư về ngành quản lý và thông tin tại Đại học Shizuoka, nói với BBC.
“Đây là một điều ngớ ngẩn và các công ty đang làm việc này chỉ vì họ cần phải hành động để giải quyết vấn đề (làm việc ngoài giờ)”, ông Seijiro nói.
Vấn đề làm thêm giờ quá mức bắt nguồn từ văn hoá công việc và nên được giải quyết dựa trên các yếu tố căn bản. “Tất nhiên, tạo nhận thức là rất quan trọng, nhưng theo tôi, cách giải quyết này gần như là một trò lừa bịp”, giáo sư Seijiro nói.
Đồng tình với nhận định trên, Scott North, giáo sư xã hội học tại Đại học Osaka, nói: “Ngay cả khi hành động quấy rối của robot khiến người lao động rời văn phòng, họ sẽ mang việc về nhà nếu chưa hoàn thành”, ông nói.
Theo ông, để xóa bỏ việc làm thêm giờ, các công ty cần giảm khối lượng công việc hoặc giảm các việc tiêu tốn thời gian, những cuộc thi đua thành tích hay thuê thêm nhiều nhân công.
Từ lâu, Nhật Bản loay hoay tìm cách xóa bỏ nền văn hóa “nghiện” làm việc kéo dài suốt hàng thập kỷ. Các nhân viên sẽ bị đánh giá nếu rời văn phòng trước đồng nghiệp hoặc sếp. Có hẳn một từ mới để chỉ hiện tượng này: Karoshi (chết vì làm việc quá sức).
Thói quen làm thêm giờ, đặc biệt trong nhóm nhân viên mới ở công ty, được xem là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như đột quỵ, đau tim và tự sát.
Hồi tháng 10, công ty quảng cáo Dentsu bị phạt vì vi phạm luật lao động sau vụ một nữ nhân viên trẻ tự sát. Cô gái đã làm thêm 159 tiếng trong một tháng.
Đầu năm nay, chính phủ Nhật Bản khởi động chiến dịch “ngày thứ sáu thảnh thơi”, khuyến khích các công ty cho phép nhân viên của họ nghỉ vào lúc 15h ngày thứ sáu cuối cùng mỗi tháng. Tuy nhiên, cho tới nay, kế hoạch không thành công bởi người lao động cho rằng thứ sáu cuối cùng của tháng là một trong những thời điểm bận rộn nhất của họ.