Sau nhiều năm bị lãng quên, mới đây, vi khuẩn “ăn thịt người” gây ra Whitmore, căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao tới 50%-60%, đang có nguy cơ tái bùng phát tại Việt Nam. Từ đầu năm 2019 tới nay, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này. Đặc biệt, riêng tháng 8 ghi nhận 12 ca Whitmore nặng được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ trong đó có 4 ca đã tử vong.
Sở dĩ gọi là vi khuẩn “ăn thịt người” bởi những loại vi khuẩn này sau khi xâm nhập cơ thể qua vết thương hở, ăn mòn mô mềm dưới da gây nhiễm trùng và hoại tử những tổ chức trong cơ thể một cách nhanh chóng.
Trên thế giới, rất nhiều ca nhiễm các loại vi khuẩn “ăn thịt người” dẫn đến hoại tử hoặc tử vong từng được ghi nhận.
Whitmore - bệnh nhiệt đới bị lãng quên
Whitmore hay còn gọi Melioidosis là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Trực khuẩn Whitmore được xác định lần đầu vào năm 1917 tại Kuala Lumpur (Malaysia).
Các triệu chứng các bệnh nhân có thể gặp phải bao gồm sốt, đau cơ, áp xe và ho. Bệnh này khó chẩn đoán, đòi hỏi quá trình kéo dài có thể hơn một tuần.
Melioidosis được biết có tác động đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể ngoại trừ mạch máu (nội mô). Bệnh nhân nhiễm Melioidosis thường có nguy cơ mắc bệnh như tiểu đường, bệnh thiếu máu, ngộ độc rượu, hoặc bệnh thận và thường xuyên có tiền sử phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp khi tiếp xúc với bùn hoặc nước bề mặt được đào xới. Tuy nhiên, bệnh nhân khỏe mạnh khác, kể cả trẻ em, cũng có thể mắc Melioidosis.
Bệnh được chính thức đặt tên là Melioidosis vào năm 1932 và các nhà khoa học đã phát hiện ra vi khuẩnBurkholderia pseudomallei ở nhiều nước Đông Nam Á, chủ yếu ở Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Lào.
Kể từ năm 1947, khi Thái Lan báo cáo trường hợp mắc bệnh Melioidosis đầu tiên, số liệu chính thức hàng năm về người mắc bệnh này là rất nhỏ, ngay cả vào giữa những năm 2000 chỉ có 1/100.000 người được báo cáo là mắc bệnh này. Lào ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc Melioidosis là vào năm 1999. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu có chính xác bao nhiêu người chết vì căn bệnh này. Thậm chí Tổ chức Y tế Thế giới còn từng liệt kê Melioidosis là “bệnh nhiệt đới bị lãng quên”.
Bệnh Whitmore dần được phát hiện ở nhiều nơi khác trên thế giới như Australia. Tỷ lệ tử vong do Melioidosis ở Thái Lan dao động ở mức 50%, còn tại miền bắc Australia, ít nhất 10 đến 20% bệnh nhân tử vong vì căn bệnh truyền nhiễm này.
Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam.
Gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 7-11. Do đó những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để.
Vi khuẩn Vibrio - sát thủ 'ăn thịt người' tại Mỹ
Nước Mỹ năm 2016 chứng kiến sự xuất hiện của vi khuẩn Vibrio vulnificus, có thể xâm nhập vào cơ thể người chỉ qua một vết thương nhỏ. Vibrio cũng có thể gây tiêu chảy nặng, kèm theo đau bụng, buồn nôn, sốt và rét run. Chúng thường sống trong nước biển ở những vùng có khí hậu ấm áp.
Tháng 8/2016, cậu bé Dakarai Moore, 12 tuổi, sống ở bang Michigan bị mất gần hết chân trái do vi khuẩn “ăn thịt người”. Em bị sốt và đau chân nên được đưa đến bệnh viện. Vài ngày sau khi nhập viện, Dakarai được chẩn đoán bị hoại tử, gần hết chân trái của em không thể cứu được.
Tháng 10 năm đó, ông Michael Funk, 67 tuổi ở bang Maryland qua đời chỉ vài ngày sau khi trên chân xuất hiện một vết thương hở khi ông tiếp xúc với nước mặn trong vịnh gần nhà. Vết thương này nhiễm trùng do vi khuẩn Vibrio vulnificus. Vi khuẩn sau khi di chuyển vào máu của người đàn ông này khiến ông bị đau chân dữ dội. Ông Funk buộc phải cắt phần da nhiễm trùng và chân nhưng chỉ trong 4 ngày, nhiễm trùng di chuyển nhanh khiến bệnh nhân tử vong.
Tháng 7/2019, bà Lynn Fleming, 77 tuổi, ở bang Florida tử vong vì vết cắt ở chân khi sa vào vũng nước biển ở Coquina. Vết cắt khá nhỏ khoảng 19,05 mm, sưng tấy nhưng không có dấu hiệu bất thường nên bà không đến bệnh viện. Tuy nhiên, tình trạng trở nên trầm trọng khi vết thương rỉ máu không ngừng và sưng to nên bà nhập viện. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm cân hoại tử, còn gọi là bệnh ăn thịt do một loại vi khuẩn “ăn thịt người” gây nên. Trải qua hai cơn đột quỵ, suy nội tạng và rất nhiều cuộc phẫu thuật để loại bỏ nhiễm trùng, bà Lynn cuối cùng không thể chống chọi và tử vong.
Theo một báo cáo mới, vi khuẩn “ăn thịt” sống trong đại dương có thể lây lan sang vùng biển/bãi biển không bị ảnh hưởng trước đó do biến đổi khí hậu.
Các tác giả của nghiên cứu dẫn 5 trường hợp nhiễm vi khuẩn ăn thịt nghiêm trọng ở những người tiếp xúc với nước hoặc hải sản từ Vịnh Delwar, nằm giữa Delkn và New Jersey. Hiện tượng nhiễm trùng ở người do vi khuẩn là rất hiếm tại khu vực này vì vi khuẩn Vibrio Vulnificus thường ưa thích vùng nước ấm hơn, chẳng hạn như Vịnh Mexico. Nhưng với nhiệt độ đại dương tăng do biến đổi khí hậu, V. Vulnificus có thể di chuyển xa hơn về phía bắc, khiến bệnh nhiễm trùng này gia tăng ở cả những khu vực trước đây chưa từng ghi nhận.
V. Vulnificus sống ở vùng biển đại dương trên 55 độ F (13 độ C). Mọi người có thể bị nhiễm vi khuẩn theo hai cách: tiêu thụ hải sản bị ô nhiễm hoặc có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với nước biển có chứa vi khuẩn.
Mặc dù hầu hết những người bị nhiễm V. Vulnificus sẽ chỉ phát triển các triệu chứng nhẹ, một số người bị nhiễm trùng da hoặc nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng. V. Vulnificus có thể gây viêm cân hoại tử, một bệnh nhiễm trùng “ăn thịt” hiếm gặp, phá hủy nhanh chóng các mô da và cơ. Điều này có thể dẫn đến cắt cụt hoặc thậm chí tử vong.
Các tác giả của nghiên cứu cũng lưu ý, từ năm 2008 đến năm 2016, bệnh viện nơi họ làm việc chỉ tiếp nhận một trường hợp nhiễm virus V. Vulnificus. Nhưng vào mùa hè năm 2017 và 2018, con số đó đã nhảy vọt lên 5 trường hợp.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), viêm nhiễm hoại tử hoại tử với V. Vulnificus thường không xảy ra ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Mọi người có nguy cơ nhiễm V. Vulnificus cao hơn nếu họ bị bệnh gan mãn tính hoặc các tình trạng khác làm suy yếu hệ thống miễn dịch của họ. Trong số 5 trường hợp được mô tả trong báo cáo mới, có 3 người bị viêm gan B hoặc C và một người mắc bệnh tiểu đường.
Để ngăn ngừa nhiễm trùng V. Vulnificus, CDC khuyến nghị những người có vết thương hở tránh tiếp xúc với muối hoặc nước lợ hay che vết thương bằng băng/gạc chống thấm. Để giảm khả năng mắc bệnh, bác sĩ cũng khuyên mọi người nên tránh ăn sò sống hoặc nấu chưa chín.
Australia báo động trước vi khuẩn 'ăn thịt người'
Một trong số những khuẩn “ăn thịt người” nguy hiểm khác là Buruli, gây loét da. Tháng 4/2018, giới chức Australia đã lên tiếng cảnh báo về Buruli khi nó lan rộng chóng mặt tại nhiều khu vực của đất nước này. Theo số liệu thống kê, tại bang Victoria, số người bị loét da Buruli đã tăng 400% chỉ sau 4 năm.
Loét da Buruli gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium ulcerans. Chúng tiết ra các chất độc phá hủy tế bào da, các mạch máu nhỏ và mỡ dưới da từ đó gây lở loét, mất da. Căn bệnh thường xuất hiện ở tay, chân nhưng đôi khi tấn công mặt và cơ thể.
Tới nay y học chưa thể xác định con người nhiễm vi khuẩn “ăn thịt” Mycobacterium ulcerans như thế nào. Vài nghiên cứu đặt giả thiết bệnh xuất phát từ các yếu tố môi trường như nước mưa, mặt đất. Số khác suy luận muỗi là thủ phạm lây truyền vi khuẩn hoặc có thể do động vật bản địa và thú nuôi trong nhà gồm chó, mèo và Koala đều có thể là nguyên nhân.