Là một phần của chiến dịch Operation Renard diễn ra vào tháng 3/2018, Cảnh sát Lancashire, nước Anh đã đột kích vào một ngôi nhà trên Đại lộ Webster, Bootle, Mer Jerseyide và bắt giữ 6 thành viên của một băng nhóm tội phạm ma túy quản lý hệ thống trang trại cần sa trên khắp thành phố cảng Liverpool.
Kim Thien Tran là một trong số đó và người này lén nhập cảng phi pháp vào Anh bằng một chiếc xe tải vào năm 2017. Khi bị bắt giữ, bà mẹ 30 tuổi khai với cơ quan nhập cư vào thời điểm đó rằng cô mới 16 tuổi và bị bán tới Anh.
Thông tin phân tích vân tay ban đầu cho thấy Thien Tran đã “mất tích” khỏi trung tâm chăm sóc ở Milton Keynes, nhưng Trung sĩ thám tử Stuart Peall, trưởng nhóm cảnh sát phụ trách tội phạm bóc lột ở Lancashire đã nghi ngờ câu chuyện của Thien Tran. “Tôi cảm thấy cô ta phải hơn 18 tuổi và có lẽ đã mất tích từ trung tâm chăm sóc, nhưng tôi không có thời gian để xác minh tuổi thật của cô ta“, anh Peall nói.
Do đó, các nhà chức trách sau đó đã tuân theo quy định liên quan tới Cơ chế chuyển giao quốc gia (NRM), chăm sóc Thien Tran như một đứa trẻ rồi chuyển cô tới một trung tâm chăm sóc xã hội. Nhưng một lần nữa, cô ta lại biến mất chỉ 8 tiếng sau đó. “Điều này khiến chúng tôi vô cùng tức giận. Bạn không thể giả vờ là một đứa trẻ rồi trốn đi hết lần này đến lần khác“, anh Peall bức xúc.
Sau khi bỏ trốn khỏi trung tâm chăm sóc, Thien Tran gia nhập vào một băng nhóm ở Bootle và khi cuộc đột kích của chiến dịch Operation Renard diễn ra, cảnh sát mới biết được thân phận thực sự của cô ta. Khi bị bắt giữ, một lần nữa Thien Tran lại khẳng định cô ta là nạn nhân của nhóm buôn người và mới 16 tuổi.
Thế nhưng, cảnh sát sau đó đã tìm thấy tài khoản Facebook thật của Thien Tran, cho thấy cô ta đã 30 tuổi và có 2 con. Chính vì vậy, cơ quan chức năng tin rằng đây là một mánh khóe mà người Việt Nam thuộc các băng nhóm ma túy ở Anh thường sử dụng khi bị bắt giữ.
Bị cảnh sát vạch trần bằng hàng loạt chứng cứ, Thien Tran đành phải thừa nhận tội danh sản xuất ma túy và cô ta bị kết án 28 tháng tù. Tuy nhiên, phía sau song sắt, Thien Tran vẫn khai rằng mình là nạn nhân của nạn buôn người để xin được ở lại Anh.
Anh Peall nói: “Bây giờ cô ta đã thừa nhận mình không phải là trẻ em. Nếu lời khai 'là nạn nhân của nạn buôn người' được chấp thuận, Thien Tran sẽ không bị trục xuất khỏi Anh. Sau tất cả, cô ta cô ta vẫn có thể nộp đơn lên NRM. Làm thế nào lại như vậy được chứ?“.
Tại ngôi nhà ở Bootle, nơi cảnh sát bắt giữ được Thien Tran, 6 tên tội phạm khác cũng bị sa lưới. Mặc dù chỉ có 6 người bị bắt tại ngôi nhà ở Bootle nhưng có đến 21 ngôi nhà thuộc hoạt động kinh doanh này quản lý. Trong chiến dịch Operation Renard, tổng cộng có 16 nghi phạm bị bắt giữ và lời khai man họ là nạn nhân của nạn buôn người đã bị bác bỏ bởi Cơ quan công tố Hoàng gia (CPS). Những người này đã bị tống giam sau đó.
Cảnh sát cũng cho hay, băng đảng này thường giả làm cặp cha mẹ trẻ để lừa các chủ cho thuê nhà rằng họ muốn thuê nhà thực sự. Nhưng sau khi nhận được chìa khóa nhà, các thành viên trong băng nhóm sẽ biến nơi này thành một trang trại cần sa và nơi này nằm trong một hoạt động kinh doanh trị giá tới 1 triệu bảng Anh.