Bất chấp chính sách hai con của chính phủ Trung Quốc, phạt những người vi phạm quy tắc, Zhang Rongrong, 34 tuổi và chồng cô, 39 tuổi, vẫn vui vẻ nộp phạt để có được 7 đứa con mà cô cho là "hoàn hảo".
Gia đình Zhang đã trả hơn 1 triệu nhân dân tệ (gần 3,6 tỷ đồng), khoản tiền được gọi là “phí hỗ trợ xã hội” - tiền phạt để một gia đình được đặc quyền sinh nhiều hơn số con cho phép. 6 năm trước, hầu hết phụ nữ ở Trung Quốc chỉ có thể sinh một con.
Nếu Zhang không nộp phạt, 5 con trai và 2 con gái, trong đó có một cặp song sinh, từ một đến 14 tuổi - sẽ không có giấy tờ tùy thân.
Zhang điều hành một nhà máy may, một công ty trang sức và một doanh nghiệp chăm sóc da ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Cô sinh ra và lớn lên ở Triều Sán, vùng phía đông Quảng Đông, nơi có truyền thống các gia đình sinh nhiều con, ưu tiên con trai. Mặc dù vậy, sinh tới 7 đứa con như Zhang là một điều hiếm thấy.
“Có những gia đình có 3 hoặc 4 đứa con, bởi vì người Triều Sán thường thích con trai hơn con gái… nếu hai đứa trẻ đầu tiên là con gái, họ sẽ cố gắng cho đứa thứ ba hoặc thứ tư, nhưng hiếm khi nhiều như tôi”, Zhang nói.
Zhang cho biết, quyết định sinh đông con như vậy không phải vì cô có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Hai đứa con đầu của cô là một trai một gái. Zhang chỉ đơn giản muốn mình không bao giờ bị cô đơn.
“Khi chồng tôi đi công tác xa và những đứa con lớn cũng đi học, tôi vẫn còn những đứa trẻ khác xung quanh mình… Khi tôi già, chúng có thể thay nhau đến thăm tôi”, Zhang nói.
Giá bất động sản tăng chóng mặt, giáo dục đắt đỏ và chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng ở Trung Quốc khiến việc nuôi dạy con cái ngày càng tốn kém. Nhưng đối với Zhang, có một gia đình lớn là điều đáng giá hơn nhiều.
Lo ngại về dân số già nhanh và tỷ lệ sinh giảm của đất nước đã khiến Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con vào năm 2015, cho phép các cặp vợ chồng có hai con. Mặc dù tác động được ghi nhận trong thời gian ngắn vào năm 2016 với sự gia tăng số ca sinh, nhưng kể từ đó, số trẻ sơ sinh tiếp tục giảm.
Năm 2019, số trẻ sinh giảm 580.000 so với một năm trước đó, xuống còn 14,65 triệu, mức thấp nhất kể từ năm 1961.
Khi Zhang bắt đầu chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình trên mạng xã hội, cô đã thu hút được 2 triệu người theo dõi.
Mỗi buổi sáng, Zhang đưa từng đứa con đến trường, để những đứa nhỏ ở nhà với bảo mẫu. Cô ấy thường đến xưởng may của mình vào buổi trưa.
Zhang cho hay, mặc dù cô luôn mơ ước trở thành một nữ doanh nhân thành đạt, nhưng cô biết rằng thành công trong tương lai có thể bị hạn chế với rất nhiều vì sinh nhiều con.
“Nếu tôi cống hiến hết mình cho công việc, tôi sẽ không thể lo cho gia đình. Tôi buộc phải đưa ra lựa chọn ”, Zhang nói.
Năm 2019, chồng Zhang quyết định thắt ống dẫn tinh vì công việc khiến anh ít có thời gian dành cho gia đình. "Anh ấy thích hoạt động ngoài trời với đông các con. Nhưng khi đi du lịch cùng nhau, rất nhiều việc phải làm", Zhang kể.
“Một số người nhận xét rằng tôi phải kiệt sức khi nuôi bảy đứa con. Những người khác cho biết chất lượng chứ không phải số lượng mới là vấn đề quan trọng khi nói đến việc nuôi dạy trẻ em”, Zhang nói.
“Thực tế, tôi không cảm thấy mệt mỏi như vậy. Nó giống như khiêu vũ - nếu bạn thích, bạn sẽ cảm thấy thoải mái ngay cả khi đổ mồ hôi. Và tôi đã đảm bảo rằng mình đủ khả năng tài chính trước khi sinh những đứa trẻ ”.