Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Toàn cảnh cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn người Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc

Hàng trăm ngàn người đã xuống đường tuần hành tại Hong Kong ngày 9/6 để phản đối dự luật dẫn độ, theo đó thông qua cơ quan luật pháp cho phép đưa các nghi phạm sang Trung Quốc xét xử.

Hàng trăm nghìn người biểu tình ôn hòa tại Hong Kong, phản đối dự luật dẫn độ. Ảnh: AFP

Các nhà tổ chức cho rằng một triệu người tham gia xuống đường, biến lần này trở thành cuộc biểu tình lớn nhất tại đặc khu trong hơn 20 năm qua. Cảnh sát ước tính có 240.000 đã tham gia xuống đường ở thời điểm cao trào nhất và chính quyền đã phải huy động hơn 2.000 cảnh sát ứng phó với cuộc biểu tình.

Đã có các cuộc đụng độ nổ ra giữa hàng trăm người biểu tình và cảnh sát, nhưng không có bạo lực nghiêm trọng. Người biểu tình, một số đeo mặt nạ, đã cố gắng đột nhập vào khu phức hợp Hội đồng Lập pháp, đạp đổ các hàng rào kiểm soát, và cảnh sát mặc đồ chống bạo loạn đã dùng dùi cui và bình xịt hơi cay để trấn áp đám đông.

Một số bức ảnh cho thấy người biểu tình và cảnh sát có khuôn mặt dính đầy máu.

Những người chỉ trích cho rằng dự luật về dẫn độ sẽ làm giảm sự độc lập của hệ thống tư pháp Hong Kong và lo ngại về việc người dân có thể phải đối mặt với những cáo buộc không rõ ràng cùng khả năng bị xét xử không công bằng ở đại lục.

Biểu tình diễn ra như thế nào?

Hôm qua 9/6, những người biểu tình xuống đường trong cái nóng ngột ngạt ở Hong Kong. Họ mặc áo trắng, gồm nhiều thành phần từ doanh nhân, luật sư tới sinh viên, nhân vật dân chủ và các nhóm tôn giáo.

Nhiều người mang theo băng rôn với dòng chữ: “Loại bỏ dự luật tai hại” hay “Phản đối luật dẫn độ sang Trung Quốc!”.

Một số người biểu tình phá hàng rào chắn. Ảnh: AP

Số liệu về số người tham gia biểu tình được các nhà tổ chức và cảnh sát đưa ra là khác nhau do phương pháp thống kê khác. Trong khi các nhà tổ chức ước tính số lượng tổng thể, cảnh sát xem xét có bao nhiêu người được tập hợp trong thời điểm cao trào nhất.

Nếu ước tính của những nhà tổ chức biểu tình xác nhận là chính xác, đây sẽ là cuộc biểu tình lớn nhất ở Hong Kong kể từ khi vùng lãnh thổ này được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.

Cuộc biểu tình được coi là phản ứng gay gắt của dư luận trước lãnh đạo Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, người đã thúc đẩy việc sửa đổi dự luật dự kiến được thông qua trước tháng 7.

“Đây là sự kết thúc một cuộc chơi đối với Hong Kong, vấn đề giờ là sống hay chết. Đó là lý do tôi tới đây”, Rocky Chang, giáo sư 59 tuổi, nói với hãng tin Reuters.

Tiếng nói của mọi người không được lắng nghe”, Ivan Wong, sinh viên 18 tuổi nói với hãng tin AFP. “Dự luật này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng của Hong Kong trong vai trò như một trung tâm tài chính quốc tế, mà còn cả hệ thống tư pháp của chúng tôi. Điều đó có tác động đến tương lai của tôi”.

Lên tiếng trước những phản đối gay gắt, một phát ngôn viên của chính quyền Hong Kong cho biết trong một tuyên bố rằng các đề xuất là “có cơ sở vững chắc trong luật pháp” và cuộc tranh luận lần thứ hai về dự luật dẫn độ sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 12/6 tại Hội đồng Lập pháp.

Những thay đổi trong dự luật gồm những gì?

Những thay đổi trong dự luật sẽ cho phép Hong Kong xem xét yêu cầu dẫn độ từ chính quyền đại lục, Đài Loan và Ma Cao đối với các đối tượng bị cáo buộc phạm tội ác như giết người và h.iếp dâm. Các yêu cầu sau đó sẽ được quyết định có dẫn độ hay không tùy từng trường hợp. Đặc khu Hong Kong chưa có hiệp ước dẫn độ đối với đại lục, Đài Loan hay Ma Cao.

Hong Kong đã ký các thỏa thuận dẫn độ với 20 quốc gia, bao gồm Anh và Mỹ, nhưng không có thỏa thuận nào như vậy đạt được với Trung Quốc đại lục mặc dù các cuộc đàm phán về vấn đề này diễn ra trong hai thập kỷ qua.

Các quan chức Hong Kong cho biết tòa án Hong Kong sẽ là nơi ra quyết định cuối cùng về việc có dẫn độ các nghi phạm hay không, và những nghi phạm bị cáo buộc về tội chính trị và tôn giáo sẽ không bị dẫn độ.

Chính quyền Hong Kong đã tìm cách trấn an công chúng bằng một số nhượng bộ, bao gồm cả việc hứa sẽ chỉ dẫn độ những tội phạm đang bỏ trốn mang bản án tối đa ít nhất 7 năm.

Nhiều ý kiến phản đối từ người dân và các nhà phê bình lo ngại về việc tội phạm sẽ bị giam giữ tùy tiện, xét xử không công bằng và tra tấn theo hệ thống tòa án của Trung Quốc.

Video người dân Hong Kong xuống đường biểu tình phản đối dự luật dẫn độ. Nguồn: Daily Mail

Tại sao sửa đổi?

Đề xuất mới nhất được đưa ra sau khi một thanh niên 19 tuổi ở Kong Kong bị cáo buộc sát hại bạn gái đang mang thai 20 tuổi khi hai người đi nghỉ ở Đài Loan hồi tháng 2 năm ngoái. Nam thanh niên sau đó đã trốn khỏi Đài Loan và trở về Hong Kong vào năm ngoái.

Các quan chức Đài Loan đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền Hong Kong để dẫn độ nghi phạm, nhưng các quan chức Hong Kong nói họ không thể tuân thủ vì không có thỏa thuận dẫn độ với Đài Loan. Tuy nhiên, chính quyền Đài Loan tuyên bố sẽ không tìm cách dẫn độ nghi phạm giết người theo những thay đổi được đề xuất trong dự luật, và đã thúc giục Hong Kong tự xử lý vụ việc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngọc Bích

Được quan tâm

Tin mới nhất
Siêu mẫu Bình Minh tái xuất
iPhone 18 có thể sử dụng chip A20 do Intel sản xuất