Ngôi làng đặc biệt này là Aberporth, nằm trên bờ biển Ceredigion tuyệt đẹp ở phía tây xứ Wales. Nơi đây là khu dân cư sống rải rác và cách ga tàu lửa ít nhất 50 phút lái xe. Trong nhiều thế kỷ qua, Aberporth luôn là một làng chài nhộn nhịp. Người dân chủ yếu kiếm sống nhờ nghề đánh bắt cá với những ngày tháng lênh đênh trên biển. Tuy vậy, đến ngày nay, người ta chỉ còn thấy duy nhất chiếc thuyền đánh cá mang tên Shaun the Prawn neo đậu ở đây.
Vào mùa hè, Aberporth là một địa điểm khá đẹp và bắt mắt. Tuy vậy, nó sẽ chẳng còn thú vị, thậm chí khiến người khác “ớn lạnh” mỗi khi chuyển sang tiết trời đông. Lúc này sẽ chỉ còn lại cảnh tượng âm u hòa lẫn cùng mùi khói nồng, văng vẳng đâu đó là tiếng mèo kêu, bãi biển thì hoang vắng, các cửa tiệm cũng đóng cửa để chào đón Lễ Phục sinh.
Tuy xa xôi và không phải là điểm du lịch nổi tiếng, nhưng gần đây, ngôi làng Aberporth xuất hiện nhiều trên các tờ báo trên khắp thế giới và mạng xã hội với danh hiệu “ngôi làng kiểu mẫu”, nói không với đồ dùng bằng nhựa. Aberporth là nơi đầu tiên ở xứ Wales cũng như Vương quốc Anh không sử dụng chất liệu thông dụng này.
Chiến dịch nói không với nhựa đã được người dân ở đây rất coi trọng. Nó còn được đẩy mạnh hơn khi Trung Quốc tuyên bố sẽ không thu mua nhựa từ Anh. Trước đó, mỗi năm, Anh xuất khẩu khoảng 500.000 tấn nhựa đến Trung Quốc để tái chế. Sau tuyên bố “cấm rác thải” từ nước ngoài của chính phủ Trung Quốc, Anh lo ngại rằng sẽ không thể xử lý toàn bộ việc tái chế.
Mike Allen đã thay thế vỏ nhựa của tất cả các chai rượu và sữa tại cửa hàng cửa hàng của anh. Một chủ quán cà phê khác, Gethin James, 51 tuổi, cam kết sẽ thay thế đồ nhựa bằng bằng các đồ dùng bằng gỗ dù giá của chúng cao gấp đôi. Đồng thời ông cũng khuyến khích khách hàng của mình mang ly của riêng họ khi đến cửa hàng.
Thậm chí, ngay cả ở những ngôi trường tiểu học cũng có riêng “tiểu đội rác”. Tháng 12 vừa qua, khi diễn ra cuộc thi bơi lội thường niên, hơn 200 người tham dự đã có màn khởi động bằng việc thu gom rác thải khu vực xung quanh.
Một số địa điểm khác như bưu điện, hiệu thuốc cũng chuyển sang dùng túi giấy. Người đứng đầu ngôi làng, ông Gail Tudor, cho biết sẽ lắp đặt hệ thống vòi nước công cộng để người dân không phải mua nước đóng chai. Ông nói: “Nước đóng chai là một phương tiện gián tiếp hủy hoại hành tinh của chúng ta“.
Công tác đẩy mạnh chiến dịch chống đồ nhựa ở Aberporth bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng 2 tháng sau khi bà Gail Tudor, một người dân trong làng phát hiện có rất nhiều rác thải từ nhựa nằm la liệt trên bờ biển nước Anh. Sau đó, bà đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của chúng.
Bà cho biết: “Chúng tôi là những cư dân vùng biển. Mỗi buổi sáng mở cửa, hình ảnh đầu tiên nhìn thấy được lại là đống rác thải từ nhựa. Qua tìm hiểu, chúng hút các độc tố từ đại dương, nếu các loài sinh vật biển ăn được thì sẽ trở thành mối đe dọa tới toàn nhân loại. Hàng năm, chúng ta thu về ít nhất tám triệu chất dẻo rác thải từ biển. Nếu tiếp tục, đến năm 2050, lượng rác thải này sẽ tăng lên gấp bội”.
Bà Gail Tudor cũng cho biết thêm: “Một số người cho rằng vì ngôi làng của chúng tôi nhỏ nên mới có thể làm được điều này. Nhưng Vương quốc Anh có vô vàn những ngôi làng nhỏ như chúng tôi. Nếu tất cả họ cũng có thể làm được điều này thì không còn gì tuyệt vời bằng. Chúng tôi đang dùng những hành động của mình để nâng cao nhận thức của cộng đồng, mặc dù chúng tôi biết điều đó rất khó khăn vì ngày nay, mọi người đã quá quen thuộc với nhựa. Hơn nữa chúng cũng có giá thành rẻ hơn nhiều so với chất liệu khác”.
Cuộc sống của người dân Aberforth đang sống trong niềm vui vẻ, hân hoan. Bất cứ khi nào cũng có thể bắt gặp những cười trên đường phố từ người già đến trẻ nhỏ. Không chỉ là niềm vui vì bảo vệ được môi trường mà còn nhờ tình người nồng ấm nơi đây. Ngôi làng cũng là nơi có tỷ lệ phạm tội thấp nhất Anh quốc.
Trong năm 2018, người dân hy vọng ngôi làng của họ sẽ được Chính phủ công nhận là nơi không sử dụng nhựa đầu tiên ở xứ Wales. “Tất cả mọi người đều biết thế giới đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Dù những hành động ấy rất nhỏ, nhưng nếu nhiều người cùng chung tay, chúng ta có thể bảo vệ Trái đất. Có thể việc không sử dụng đồ nhữa tái chế như chúng tôi sẽ tốn nhiều chi phí hơn. Nhưng nếu có mục tiêu và động lực rõ ràng, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó“, một người dân làng chia sẻ.