Nghị lực phi thường của tay đua cụt chân vì tai nạn trong giây phút đăng quang

Mọi thứ như sụp đổ trước mắt khi bác sĩ thông báo phải cắt đi một bên chân. Nhưng Imammudin bây giờ lại biết ơn với những gì đã xảy ra, bởi nó mở ra cho tay đua người Indonesia những hoài bão lớn hơn…

Bài viết Trang Anh
Chia sẻ

Đó được xem là một ngày vinh quang với Muhammad Fadli Imammuddin.

Imammuddin, khi ấy 30 tuổi, là người đầu tiên cán đích chặng Indonesia của Giải đua xe môtô châu Á (ARRC) ngày 7/6/2015.

Anh đã mơ về chiến thắng ngay trước sự cổ vũ của khán giả nhà từ nhiều tuần trước đó. Chiến thắng đưa Imammuddin lên đầu bảng xếp hạng và anh sẽ là tay đua người Indonesia đầu tiên vô địch ARRC Supersports 600cc.

Imammuddin ngây ngất. Nhưng ngay khi Imammuddin còn đang ăn mừng chiến thắng và vẫy tay chào lại đám đông người hâm mộ, một tay đua khác đã húc thẳng vào anh từ phía sau với tốc độ khủng khiếp.

Vụ va chạm dữ dội tới mức Imammuddin đã phải nằm viện trong suốt 4 tháng sau đó. Nhưng điều tồi tệ nhất là khi các bác sĩ thông báo, chân trái của Imammuddin không thể cứu chữa được nữa và phải cắt bỏ đi.

“Tôi vô cùng sợ hãi.Tôi lo cho tương lai của mình. Vợ tôi đang mang thai đứa con trai đầu lòng. Tôi nghĩ: Tôi sẽ nuôi sống gia đình mình như thế nào đây”, Imammuddin nói với CNA.

Nghị lực phi thường của tay đua cụt chân vì tai nạn trong giây phút đăng quang Ảnh 1

Imammuddin, bây giờ 36 tuổi, trải lòng ngay cả khi đã mất đi một chân, anh vẫn muốn quay trở lại với niềm đam mê mô tô. Anh đã đua xe mô tô chuyên nghiệp từ năm 17 tuổi. “Tôi chỉ biết đua mô tô mà thôi”, Imammuddin nói.

Nhưng cũng có những lúc anh nghi ngờ bản thân và nghĩ rằng, sự nghiệp đua xe của mình đã khép lại. “Tôi nằm liệt giường suốt một thời gian dài. Tôi đã ở trong tình trạng tồi tệ đến mức không thể ngồi thẳng trong vài phút”, Imammuddin cho hay.

Chính sự ra đời của cậu con trai chỉ vài tuần sau vụ tai nạn đã mang đến cho Imammuddin động lực vô cùng to lớn.

“Tôi tự nói với bản thân, bây giờ tôi có một cậu con trai và tôi phải đứng dậy trở lại. Tôi có thêm trách nhiệm. Tôi không thể xuề xòa, không thể từ bỏ”, Imammuddin nói. “Tôi hứa với bản thân rằng tôi phải đi được trước khi con trai tôi có thể chập chững những bước đầu tiên. Nó đã trở thành một cuộc thi đối với tôi ”.

Nhưng con đường hồi phục rất dài và gian nan.

“Tôi đặt mục tiêu cho bản thân.Tôi phải thực hiện nhiều bước hơn trong mỗi khóa đào tạo phục hồi chức năng mà tôi đã tham gia. Mới đầu, chỉ cần đứng lên với chiếc chân giả cũng đã vô cùng vất vả và tôi có cảm giác như sắp ngất đi. Nhưng ngay sau đó tôi đã tiến một bước, hai bước, rồi ba bước…”, anh tâm sự.

Nghị lực phi thường của tay đua cụt chân vì tai nạn trong giây phút đăng quang Ảnh 2

Imammuddin đã thành công trong mục tiêu trước đó của mình là có thể đi bộ trước khi cậu con trai mới sinh của mình có thể đi được. Nhưng phải mất vài tháng nữa anh mới cảm thấy thoải mái để quay lại với chiếc mô tô.

“Tôi đã sửa chiếc xe mô tô để có thể sang số bằng chân phải. Nhưng tôi vẫn thấy không ổn. Trước khi va chạm, tôi có thể thực hiện 20 vòng không ngừng và lần này tôi chỉ có thể thực hiện được 5 vòng”, anh nói.

Anh ấy cần một cách để lấy lại vóc dáng. “Đó là cách tôi bắt đầu đạp xe,” Imammuddin chia sẻ.

Nghị lực phi thường của tay đua cụt chân vì tai nạn trong giây phút đăng quang Ảnh 3

Cuối năm 2016, khi Imammuddin đang ngồi trong một quán cà phê ở vùng đồi núi ngoại ô Jakarta, nơi những người đạp xe chuyên nghiệp và nghiệp dư thường xuyên lui tới, một người đàn ông đã tiếp cận anh.

Người đàn ông nói với Imammuddin: “Bạn biết đấy, ngay cả những người có thể hình cũng khó đạp xe trên những ngọn đồi này. Nhưng bạn có thể làm điều đó một cách dễ dàng dù bạn bị khuyết tật ”.

Người đàn ông giới thiệu mình là Raja Sapta Oktohari, một doanh nhân giàu có, người sau này là Chủ tịch Ủy ban tổ chức Indonesia Asian Para Games (Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật). “Ông ấy hỏi liệu tôi có muốn tham gia Para Games không”, Imammuddin nhớ lại.

Para Games diễn ra tại Jakarta vào năm 2018, ngay sau Asian Games và trước đó hai năm, năm 2016, Indonesia không có vận động viên đua xe đạp tham dự Para Games.

Oktohari nói rằng ông ấy rất cần một vận động viên để tham gia tranh tài ở môn đua xe đạp của Para Games và tôi sẽ là người phù hợp”, Imammuddin nói. “Tôi chưa bao giờ mơ ước trở thành một tay đua xe đạp chuyên nghiệp. Lúc đó, tôi chỉ đạp xe để lấy lại vóc dáng, với hy vọng có thể trở lại đường đua mô tô lần nữa”.

Mặc dù vậy, Imammuddin nói với Oktohari rằng anh ấy quan tâm tới lời đề nghị của ông. Nhưng Imammuddin sẽ có một cuộc gặp gỡ tình cờ khác với huyền thoại đua xe đạp của Indonesia - Puspita Mustika Adya để ký kết thỏa thuận.

Nghị lực phi thường của tay đua cụt chân vì tai nạn trong giây phút đăng quang Ảnh 4

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 trên Indonesia Viva News, Mustika tiết lộ rằng ông đã có mặt tại Sentul Circuit, thời điểm vụ tai nạn xảy ra với Imammuddin. “Tôi thậm chí đã bắt tay Imammuddin trước cuộc đua. Tất cả chúng tôi đều reo hò khi Imammuddin chiến thắng chặng đua nhưng sau đó tôi thấy cậu ấy bị húc và văng khỏi xe", Mustika nói.

Mustika cho hay, ông nghe tin Imammuddin bị cắt cụt chân từ một người bạn. Khi tình cờ nhìn thấy một video trên Facebook về Imammuddin đạp xe, chỉ hơn một năm sau vụ tai nạn, Mustika nói rằng ông đã bị sốc và bắt đầu muốn gặp trực tiếp Imammuddin.

Imammuddin nhớ lại lần Mustika đến nhà anh. “Không lâu sau khi tôi gặp Oktohari. Mustika nói rằng ông ấy đã xem video tôi đạp xe và khen ngợi tôi. Ông ấy cũng hỏi tôi có quan tâm đến việc trở thành một vận động viên đua xe đạp bán chuyên hay không", Imamuddin hồi tưởng lại.

Những lời động viên từ một huyền thoại đua xe đạp và sự tự tin mà ông ấy đã thể hiện là điều đã thuyết phục Imammuddin theo đuổi một sự nghiệp khác và trở thành vận động viên đua xe đạp Indonesia đầu tiên tham dự Para Games.

Nghị lực phi thường của tay đua cụt chân vì tai nạn trong giây phút đăng quang Ảnh 5

Imammuddin và HLV Mustika sớm bắt tay vào công việc. Imammuddin được tập luyện với các chuyên gia xe đạp đủ tiêu chuẩn. 

Tháng 3/2017, chỉ 3 tháng sau khi bắt đầu tập luyện, Imammuddin tham dự Giải vô địch đua xe đường trường châu Á tại Manama, Bahrain.

Imammuddin cán đích ở vị trí thứ 4 hạng C-4 đua tính giờ cá nhân. C-4 là hạng đua dành cho các vận động viên bị cụt một chân dưới đầu gối hoặc cụt cả hai tay dưới khuỷu taycó thể thi đấu với xe đạp tiêu chuẩn.

Tháng 9 cùng năm, Imammuddin lần đầu tiên được bước lên bục vinh quang với tư cách là một tay đua xe đạp bán chuyên với tấm huy chương đồng tại Asean Para Games 2017 tại Malaysia.

Một năm sau đó tại Asian Para Games tổ chức ở Jakarta, Imammuddin xuất sắc giành được tới 3 tấm huy chương vàng, bạc và đồng ở 3 nội dung đua xe đạp đường trường khác nhau. 

Imammuddin hiện đang tập luyện chuẩn bị cho Paralympics ở Tokyo, Thế vận hội dành cho người khuyết tật lẽ ra được tổ chức vào tháng 8 năm nay, nhưng sẽ được dời sang năm sau vì đại dịch Covid-19.

Hôm 3/8, các nhà tổ chức của Paralympics Tokyo thông báo, lễ khai mạc sẽ diễn ra vào ngày 24/8.2021, với 539 cuộc tranh tài đã được lên lịch cho đến lễ bế mạc vào ngày 5/9.

Paralympics Tokyo hoãn lại giúp Imammuddin có thêm thời gian chuẩn bị, nhưng đại dịch cũng đồng nghĩa anh sẽ phải tự tập luyện.

“Tôi vẫn cần cải thiện tốc độ và hiệu suất của mình, bởi vì mục tiêu của tôi là giành huy chương tại Paralympics,” Imammuddin hạ quyết tâm và nói thêm rằng mục tiêu của anh là giảm 10 giây so với kỷ lục cá nhân của mình là 4 phút 52 giây trên đường đua 4.000 m.

“Tôi phải luôn tập luyện.Khi đại dịch kết thúc, chúng ta sẽ thấy các sự kiện thể thao bùng nổ. Vì vậy, tôi phải sẵn sàng. Trước khi Paralympic diễn ra, sẽ có nhiều sự kiện đơn lẻ rất quan trọng đối với quá trình đánh giá chất lượng.Nếu tôi không tham gia, tôi có thể không đủ điều kiện cho Paralympics".

Nghị lực phi thường của tay đua cụt chân vì tai nạn trong giây phút đăng quang Ảnh 6

Imammuddin cho biết, kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy đến, anh đã tự tập luyện 6 ngày trong tuần. Chế độ tập luyện của Imammuddin bao gồm hai buổi tập luyện sức bền, một buổi đạp 22 km leo lên đồi và một chuyến tham quan Jakarta 120 km. Bốn ngày còn lại được dành để cải thiện tốc độ.

“Mặc dù các huấn luyện viên vẫn theo dõi sự tiến bộ của tôi, nhưng việc tự tập luyện rất khác so với khi bạn tham gia vào một chương trình huấn luyện đặc biệt theo phương pháp quân đội. Ở chương trình huấn luyện đặc biệt, bạn có huấn luyện viên thúc đẩy bạn. Mọi người theo dõi chế độ ăn uống của bạn, đồng nghiệp hỗ trợ và cổ vũ bạn. Bạn thực sự tập trung vào việc tập luyện. Nhưng nếu bạn tự tập luyện, đôi khi có những thứ khiến bạn phân tâm. Tôi luôn phải tự nhắc nhở bản thân về mục tiêu của mình. Đó là điều khiến tôi luôn tập trung và phấn khích".

Imammuddin nói, anh rất biết ơn những gì đã xảy ra. Năm 2018, Imammuddin thậm chí còn sang Thái Lan gặp tay đua đã gây ra tai nạn cho mình. Hai người trở thành bạn bè và vẫn thân thiết cho đến hôm nay.

“Khi bị cắt mất một chân, tôi nghĩ nghiệp vận động viên của tôi đã đóng lại.Tôi đã cảm thấy thất vọng và giận dữ. Tôi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp đua xe. Tôi bủn rủn cả tay chân. Nhưng những cảm giác đó đã không còn ở trong tôi nữa”, Imammuddin chia sẻ.

“Tôi hài lòng với hiện tại và bây giờ, thậm chí có thể tận hưởng những cơ hội lớn hơn. Khi đua xe mô tô, tôi chỉ thi đấu ở cấp độ châu Á. Nhưng với niềm đam mê mới là xe đạp, tôi có thể tham gia các sự kiện tầm thế giới và chặng cuối cùng, Paralympics, nằm trong trong tầm tay".

Bất chấp những thành tích đã gặt hái được, Imammuddin thừa nhận, thi thoảng anh vẫn nhớ tới đường đua mô tô. Để bù đắp, Imammuddin mở trường đua riêng năm 2016, để anh có thể phát hiện và đào tạo những tay đua trẻ triển vọng. “Vì vậy, niềm đam mê của tôi vẫn được nuôi dưỡng”, Imammuddin nói, với gương mặt sáng bừng lên.

Nhưng Imammuddin không muốn quay trở lại sự nghiệp cũ của mình, là một tay đua mô tô chuyên nghiệp.

“Xe đạp bây giờ là cuộc sống của tôi. Bên cạnh đó, rủi ro trong đua xe là rất lớn. Nếu va chạm xảy ra, tôi không chỉ có nguy cơ bị chấn thương mà có thể làm hỏng cái chân giả của tôi”, Imammuddin cười nói và chỉ vào chiếc chân bằng sợi carbon trị giá 10.000 đô la Mỹ của mình: "Chúng không hề rẻ chút nào đâu".

Bài viết

Trang Anh

Thiết kế

Tú Nguyễn

Chia sẻ