Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh: 'Tôi nghĩ người nổi tiếng đi dạy là một điều tích cực'

Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh: 'Tôi nghĩ người nổi tiếng đi dạy là một điều tích cực'

Logo Saostar - Special special

Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh: 'Tôi nghĩ người nổi tiếng đi dạy là một điều tích cực'

Copy Link
Chia sẻ

Lê Âu Ngân Anh đăng quang tại chung kết cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017. Một năm sau, người đẹp ghi danh tại Hoa hậu Liên lục địa 2018 và nhận về danh hiệu Á hậu 4. 

7 năm kể từ thời điểm đăng quang Hoa hậu Đại dương Việt Nam, Ngân Anh hiện có cuộc sống viên mãn, nhiều người ngưỡng mộ. Cô kết hôn với MC Tô Ny năm 2022 và hiện đã có quý tử đầu lòng. Bên cạnh đó, Ngân Anh còn được biết đến khi đảm nhận vai trò giảng viên tại một trường Đại học lớn tại TP HCM. 

Dù tất bật với việc chăm sóc gia đình, Ngân Anh vẫn cố gắng cân bằng vai trò giảng viên đứng lớp, truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều thế hệ trẻ. Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, SAOstar đã có cơ hội được lắng nghe những tâm sự của cô về hành trình làm "người đưa đò", cùng với đó là những câu chuyện xoay quanh cuộc sống hôn nhân bên cạnh ông xã và quý tử đầu lòng.

Hoa hậu Ngân Anh: 'Tôi nghĩ người nổi tiếng đi dạy là một điều tích cực' Ảnh 1

Được biết đến là Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017 và Á hậu 4 Hoa hậu Liên lục địa 2018 nhưng những năm gần đây, chị chỉ tập trung vai trò giảng viên. Điều này xuất phát từ đâu? 

Về câu hỏi này thì phải trở lại câu chuyện 4 năm về trước, khi tôi có cơ duyên trở thành giảng viên. Thực tế, mọi người đã biết đến tôi qua các cuộc thi Hoa hậu. Tôi xem đó là trải nghiệm trong tuổi trẻ của mình. Bản thân tôi ngay từ đầu không có định hướng phát triển nghệ thuật. Khi tôi quyết định rẽ hướng, thời điểm đó không có quá nhiều người đẹp làm việc trong môi trường giáo dục, nhất là cộng tác lâu dài. 

Năm 2020, tôi vừa lấy bằng Thạc sĩ thì nhận được lời mời hợp tác từ một trường Đại học. Lúc đó, trường đang mở ngành học chính quy hệ cử nhân là ngành Quản trị sự kiện, tình cờ là bằng Thạc sĩ của tôi lại là chuyên ngành Sự kiện quốc tế nên trường đã ngỏ lời mời tôi về giảng dạy. 

Bản thân tôi nghĩ sau khi trở về Việt Nam sẽ làm một công việc khác liên quan đến tài chính - đầu tư. Nhưng khi nhận được làm mời, thứ nhất là tôi chưa có nhiều trải nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, thứ hai là về kỹ năng nói chuyện đám đông hay nghiệp vụ sư phạm thì tôi không có. Lúc đó tôi cũng đắn đo nhiều, nhưng tôi nghĩ đây là cơ hội và thách thức cho bản thân mình ở một môi trường mới. Vì vậy, tôi đã nhận lời về giảng dạy tại trường đại học này.

Những ngày đầu tiên giảng dạy, chắc hẳn chị cũng gặp vô số áp lực. Việc đứng trên bục giảng có khác nhiều so với việc đứng trên sân khấu? 

Mỗi một ngôi trường sẽ có tính chất khác nhau. Đối tượng gọi là “khán giả” ở đây tức là các bạn sinh viên. Thay vì trình diễn sân khấu, thì ở đây mình có một vị trí để các bạn sinh viên tập trung vào bài giảng của mình. Đương nhiên, đối với sinh viên thì mục tiêu “trình diễn” của mình sẽ khác. 

Thời gian đầu, tôi còn bị tâm lý vì lo sợ mọi người sẽ phán xét mình nếu mình làm không tốt. Đặc biệt là các bạn sinh viên thời nay, các bạn tiếp xúc với công nghệ rất nhiều, chỉ cần quay một đoạn clip mình giảng dạy rồi đăng lên mạng xã hội, mình làm tốt thì không nói, nhưng mình có những ứng xử, hành vi gây tranh luận thì sao? Lúc đó, tôi cũng có những áp lực cho bản thân khi trở thành giảng viên. 

Chính vì lo xa như vậy, nên tôi rất kỹ lưỡng trong những khâu đầu tiên. Tôi dành 6 tháng đầu để học nghiệp vụ sư phạm cũng như thỉnh giảng trong lớp của những thầy cô khác đã có nhiều năm kinh nghiệm trước đó. Tôi không vội nhận lớp để giảng dạy mà dành thời gian để quan sát, học những kỹ năng để mình có thể tự tin khi lên lớp và làm đúng vai trò là giảng viên. 

Ngày đầu tiên, khi tôi đến lớp, tôi đã nói với các bạn sinh viên rằng: “Có thể các bạn đã biết đến cô ở một vị trí nào trước đó, nghe tên cô trên các phương tiện truyền thông hoặc quý mến cô nên mới đăng kí môn học này. Hoặc có thể các bạn tò mò một Hoa hậu sẽ đi dạy như thế nào? Nhưng khi vào lớp rồi, chúng ta sẽ tôn trọng lẫn nhau”. Tôi sẽ học từ các bạn, còn các bạn cũng sẽ học từ tôi, mình có thể chia sẻ với nhau mọi thứ. 

Ngoài cánh cửa lớp học, các bạn có thể xem tôi là một người chị đi trước mà thoải mái chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống. Đó là quy tắc của tôi từ những ngày đầu tiên khi đi dạy, nên việc đi dạy khiến tôi khá thoải mái. “Trộm vía” là trong 4 năm qua, các bạn sinh viên dành cho tôi sự yêu mến rất nhiều. Đó cũng là nguồn động lực cho tôi, dù công việc khá nhiều nhưng tôi vẫn muốn tiếp tục sự nghiệp giáo dục. 

Hoa hậu Ngân Anh: 'Tôi nghĩ người nổi tiếng đi dạy là một điều tích cực' Ảnh 2

Bí quyết giúp chị đến gần hơn với các bạn sinh viên là gì?

Bốn năm trước, tôi đã từng nói với các bạn sinh viên rằng: “Cô nghĩ một trong những lợi thế của cô so với các giảng viên khác là cô có khoảng cách không quá nhiều tuổi so với các bạn”. Tức là về vấn đề tâm lý sinh lý để thấu hiểu suy nghĩ của các bạn, đâu đó, mình có thể thân thiết, gần gũi hơn.

Bản thân tôi cũng có những quy tắc nhất định khi dạy học. Như chuyện các bạn phải tập trung để lắng nghe bài giảng, không được sử dụng điện thoại chẳng hạn,... Bên cạnh đó, các bạn vẫn có thể đem các món đồ ăn vặt vào lớp. Tôi hay nói vui với các bạn là tôi rất thích ăn vặt, thích uống trà sữa nên chúng ta có thể ăn uống với nhau. 

Việc cởi mở về chuyện này giúp các bạn sinh viên có thể sẽ thấy gần gũi với mình hơn. Thậm chí, có những bạn sinh viên mà tôi hướng dẫn đồ án, thời gian gắn kết lâu hơn, các bạn có thể chia sẻ với tôi cả những vấn đề về tình cảm cá nhân. 

Được thăng chức trở thành Giám đốc chương trình Quản trị Sự kiện ở tuổi 26. Sau 3 năm ở "cương vị mới", mọi thứ đã thay đổi ra sao?

Với vai trò là giảng viên, tôi sẽ tập trung cho việc đi dạy nhiều hơn. Thời gian đầu, khá khó khăn trong việc tôi vừa phải học nghiệp vụ sư phạm vừa phải đi soạn giáo án. Lúc đó, tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu chương trình đào tạo, đề cương học phần của những môn học mà mình giảng dạy và đọc nhiều tài liệu để cô đọng kiến thức 1 cách tốt nhất. 

Đặc thù của ngành sự kiện là xu hướng cập nhật liên tục và đặc thù tính ứng dụng rất cao. Vì vậy, tôi không thể nào chỉ dạy cho các bạn lý thuyết suông được mà phải đưa những trải nghiệm thực tế để cập nhật bài giảng của mình một cách liên tục. Đó là công việc của tôi trong những tháng đầu tiên khi đi dạy. 

Còn khi tôi bắt đầu kiêm nhiệm vị trí Giám đốc chương trình Quản trị sự kiện thì phải làm những công việc nghiêng về quản lý nhiều hơn. Như là việc phân công giờ giảng cho các giảng viên, phụ trách việc mời các giảng viên thỉnh giảng cho các môn trong chương trình đào tạo, để đảm bảo chất lượng cũng như đúng tiến độ đào tạo cho các sinh viên. 

Công việc của tôi khá linh động, vì môi trường giảng dạy hướng theo quốc tế. Tôi không cần lên trường 8 tiếng mỗi ngày hay bấm thẻ check-in, miễn là tôi hoàn thành tất cả các đầu việc theo đúng thời gian là được. Tôi có thể làm việc ở bất kì cứ đâu, trừ khi có tiết giảng dạy hoặc các buổi họp thì mình cần phải lên trường. 

Hoa hậu Ngân Anh: 'Tôi nghĩ người nổi tiếng đi dạy là một điều tích cực' Ảnh 3
Hoa hậu Ngân Anh: 'Tôi nghĩ người nổi tiếng đi dạy là một điều tích cực' Ảnh 4

Những năm gần đây, có nhiều người nổi tiếng cũng chuyển sang làm giảng viên,... Là người đi trước, chị nghĩ sao về việc này? 

Tôi nghĩ đó là một điều tích cực. Dù bạn có bất kì vị trí nào trước đó, miễn là bạn có đủ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn. Thật ra, giảng dạy trong trường đại học thì cần những điều kiện cần và đủ. Cần là kinh nghiệm và có kiến thức trong lĩnh vực đó, đủ là mình cần phải có bằng cấp, học vị đúng với quy định. 

Ví dụ bạn là bác sĩ, kỹ sư,... nhưng đến độ tuổi nào đó, bạn thích được chia sẻ với những người hậu bối thì bạn cũng có thể giảng dạy. Bạn tự tin và bạn có những kiến thức chuyên môn để truyền lại thì tôi nghĩ đó là một điều tốt và tích cực mà.

Ngay cả khi bạn là người nổi tiếng, thì càng có sức ảnh hưởng nhất định thì đó cũng là một hiệu ứng tốt. Tôi nghĩ đây là cơ hội để các bạn sinh viên có thể gặp những người mà trước giờ chỉ thấy trên các phương tiện truyền thông. Từ đó, các bạn cũng có thể thấy được những khía cạnh khác của họ. 

Chị có bao giờ thấy tiếc nuối khi rời showbiz để theo đuổi con đường giáo dục?

Bản thân tôi chưa từng nghĩ mình là người "làm showbiz full-time" cả. Khi tôi đến với các cuộc thi Hoa hậu, tôi chỉ nghĩ đó là một sân chơi, một thử thách. Đó cũng là ước mơ của tôi khi còn nhỏ. Khi mà tôi hoàn thành được điều đó, tôi nghĩ mình đã đủ rồi. 

Tôi nhìn nhận được bản thân mình có những giới hạn nhất định. Tôi không phải là người hướng ngoại, cũng không giỏi quản giao. Tôi cũng không có những tài lẻ như ca hát, diễn xuất để từ dùng vị trí Hoa hậu làm “bàn đạp” cho các công việc khác.

Tôi nghĩ như vậy là đủ nên tôi không tiếc nuối điều gì. Tôi chưa từng nghĩ mình là người trong showbiz “full-time” để được dùng đến khái niệm “rời showbiz”. 

Dù thời điểm hiện tại, mọi người vẫn gọi tôi là Hoa hậu và biết đến tôi với công việc là giảng viên đại học. Nhưng, khi có những hoạt động nghệ thuật mà mọi người có lời mời, tôi vẫn cân nhắc, nếu phù hợp với lịch trình và hình ảnh, tôi vẫn tham gia. 

Hoa hậu Ngân Anh: 'Tôi nghĩ người nổi tiếng đi dạy là một điều tích cực' Ảnh 5
Hoa hậu Ngân Anh: 'Tôi nghĩ người nổi tiếng đi dạy là một điều tích cực' Ảnh 6

Cuộc sống hôn nhân của chị và ông xã thay đổi ra sao, đặc biệt là kể từ khi có bé TiNo?

Khoảng một năm trước, khi mọi người từng hỏi câu hỏi tương tự, tôi đã nói không có sự thay đổi vì lúc đó chỉ có hai vợ chồng thôi. Đương nhiên lối sinh hoạt sẽ khác nhau nhưng chúng tôi vẫn có sự đồng điệu, có thể dung hoà. 

Đúng là khi có em bé đã có sự thay đổi. Thay đổi ở đây chính là sự ưu tiên, anh Tô Ny đôi khi còn trách yêu là sao giờ dành thời gian cho con nhiều hơn là cho chồng. Thật ra khi đã làm mẹ sẽ thấy đứa con bé bỏng lắm, đến giờ con tôi vẫn ăn sữa mẹ. Sự gắn kết của tôi và con trai TiNo ở thời điểm này đương nhiên sẽ lớn hơn so với chồng, còn sau này khi con cứng cáp hơn, không cần ôm ấp có thể sẽ khác. 

Ví dụ như trước, hai vợ chồng sẽ tận hưởng cuộc sống, muốn đi đâu thì đi hoặc tự nấu ăn ở nhà. Bây giờ thì có con thì không thể sinh hoạt như trước, mỗi ngày các công việc chăm con đều như vậy. 

Đôi khi tôi cũng cảm thấy hơi mất tự do, nhưng tôi hiểu rằng đây là thời điểm chúng tôi phải chăm lo cho em bé. 6 tháng đầu tiên sau sinh, tôi về nhà ngoại để ông bà cùng chăm sóc. 6 tháng sau, tôi đưa con về nhà riêng và mời ông bà nội về ở chung. Vì khi TiNo khoảng 3 tháng rưỡi, tôi đã quay trở lại đi làm, và chồng tôi cũng mở công ty nên khối lượng công việc rất nhiều. Hai vợ chồng sẽ loay hoay và không thể cân bằng mọi thứ, nên mới mời bố mẹ chồng vào ở cùng.

Tất nhiên từ một gia đình hạt nhân chỉ có hai vợ chồng, giờ thành gia đình đa thế hệ có ông bà, bố mẹ, con thì sẽ thay đổi rất nhiều. Hy vọng khi TiNo cứng cáp thì con và gia đình có thời gian đi du lịch nghỉ ngơi vui vẻ hơn. 

Hoa hậu Ngân Anh: 'Tôi nghĩ người nổi tiếng đi dạy là một điều tích cực' Ảnh 7

Phụ nữ sau sinh thường sẽ gặp nhiều vấn đề xoay quanh vóc dáng, tâm lý, sức khoẻ… Chị có rơi vào tình trạng này?

"Trộm vía" tôi từ khi mang bầu luôn tuân thủ lộ trình tăng cân của bác sĩ. Trong những tháng mang bầu, tôi luôn theo dõi việc tăng cân của con và trộm vía khi TiNo chào đời, con nặng 3,1kg. Hiện tôi đã về lại số cân trước đây, nên về việc về dáng tôi không áp lực. 

Ban đầu tôi nghĩ sẽ chỉ cho con ăn sữa mẹ khoảng ba tháng, sau đó sẽ sử dụng sữa công thức xen kẽ. Khi TiNo chào đời và ngắm con ăn sữa mẹ, "trộm vía" con tăng cân đều nên tôi cứ gia hạn thời gian từ từ. 

Việc cho con ăn sữa mẹ sẽ hao hụt sức khỏe của người mẹ rất nhiều. Tôi đau lưng vì hút sữa cho con ăn, nhưng tôi thấy không đáng kể vì quan trọng hơn là sức khoẻ của con. Khi con đi ngủ, tôi mới bắt đầu vừa tập trung cho công việc của bản thân, vừa ngồi hút sữa cho con. Hai việc này sẽ kéo dài đến khoảng 12h đêm.

Tôi cũng cảm thấy mất sức và mất ngủ nhưng tôi nghĩ bản thân có thể vẫn chịu được, có lẽ mẹ bỉm nào cũng sẽ thấu hiểu chuyện này. Kể cả khi đang làm việc mà nghe con kêu, tôi vẫn lo lắng ra ôm con ngay dù đã có bà trông cùng. May mắn tôi không rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh, nhưng tôi cũng trở nên nhạy cảm hơn trước. Ví dụ như tôi mong muốn được ông xã, người thân thấu hiểu những nỗi niềm sau sinh và muốn mọi người hỗ trợ chăm con. Nhìn chung, mọi thứ chỉ đơn giản vậy thôi chứ tôi không gặp quá nhiều vấn đề khác.

Quan sát thì có thể thấy chồng Ngân Anh là một người lãng mạn khi luôn thể hiện sự quan tâm, yêu chiều vợ con. Hành động nào của ông xã khiến chị nhớ nhất?

Thật ra anh Tô Ny không phải là người lãng mạn, anh là người thực tế, tâm lý và chân thành. Có một câu chuyện khiến tôi nhớ nhất chính là dịp sinh nhật năm nay của tôi, chồng không nói gì và chỉ bảo “Hai vợ chồng cùng đi xem nhà nha”. Trong buổi sáng đó, anh đã mua luôn nhà vì sau 6 tháng tôi và con trai sẽ trở về và sẽ cần một căn nhà to hơn.

Hoặc mỗi buổi sáng thức dậy, anh ấy sẽ hôn tôi hoặc bơm kem đánh răng vào bàn chải cho tôi. Anh không phải là người nhớ các dịp kỉ niệm để có kế hoạch từ trước, những dịp đặc biệt thường là tôi nhớ và đặt nhà hàng, chúng tôi đi ăn và anh sẽ là người trả tiền. Anh ấy từng nói rằng: “Thà như vậy, chứ đừng bắt anh nhớ hoặc làm kế hoạch như một người làm sự kiện. Thôi em cũng làm sự kiện thì em nhớ giúp anh, để anh làm những việc khác ví dụ như anh trả tiền, chi tiêu cho việc lớn trong gia đình để vun vén tổ ấm nhỏ”.

Vậy còn kế hoạch sinh thêm con trong thời gian tới, anh chị đã có nghĩ đến chưa?

Trộm vía TiNo là em bé ngoan ngoãn, nhưng khi sinh thêm con chúng tôi phải xem xét điều kiện tài chính, quan trọng nhất là thời gian dành cho con. Ví dụ, tôi có thể sinh một em bé ngay bây giờ thì mọi thứ rất tiện vì đồ đạc, máy móc chăm TiNo vẫn còn, nhưng rõ ràng là chúng tôi cảm thấy rất thương TiNo vì không phải lúc nào cũng có thời gian cho con. 

Vì vậy khi về nhà, chúng tôi bỏ điện thoại, công việc sang một bên để chăm sóc, chơi với con hoàn toàn. Nếu sinh thêm một em bé nữa, chúng tôi lo lắng không có đủ sức khoẻ, thời gian cho con. Tôi nghĩ có thể khoảng 3 đến 5 năm thì có thể có thêm con, vì lúc đó TiNo lớn hơn, đã đi học, hoặc có trách nhiệm chăm em cùng bố mẹ thì sẽ hợp lý hơn.

Hoa hậu Ngân Anh: 'Tôi nghĩ người nổi tiếng đi dạy là một điều tích cực' Ảnh 8

Cảm ơn Lê Âu Ngân Anh về buổi trò chuyện thú vị. Chúc chị sẽ đón một ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 trọn vẹn, đong đầy tình cảm và sẽ gặt hái thêm được nhiều cột mốc trong chặng hành trình "đưa đò" sắp tới!

Bài viết

Phương Thùy

Thiết kế

Nyny Võ

Copy Link
Chia sẻ
Nữ Hiệu trưởng gần 30 năm tận tâm với nghề giáo: Bình tĩnh là 'kim chỉ nam' giải quyết mọi vấn đề
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp