Thật ra, bé trai và người phụ nữ đến đón Li chính là cháu họ và chị họ của cô. Do gia đình sinh sống ở tỉnh An Huy rất nghèo khó, mong muốn con mình có thể nhận được sự giáo dục tốt hơn nơi thành phố, anh chị họ của Li đã gửi con cho cô nuôi dưỡng từ năm 2013.
Bi kịch gia đình Li bắt đầu từ tháng 4 năm ngoái, khi cô giáo của cậu bé phát hiện nhiều vết thương chằng chịt trên lưng, tay và chân của em. Không lâu sau khi cảnh sát vào cuộc, Li bị khởi tố hình sự với tội danh bạo hành trẻ em, còn con trai nuôi của cô được đưa trả về cho bố mẹ ruột.
“Suốt 3 năm qua, tôi đã cố gắng dạy dỗ con bỏ tật nói dối vì lo ngại khi lớn lên, cháu sẽ ngày càng hư hỏng. Tôi muốn giáo dục thằng bé chứ không muốn làm cháu bị tổn thương. Đêm hôm đó, tôi có đánh cháu nhưng không quá mạnh”, Li giải trình trước tòa án Nam Kinh.
Tuy lời khai của Li là vậy nhưng theo báo cáo y tế, người ta đã phát hiện hơn 150 vết thương rải rác trên khắp 10% diện tích cơ thể cậu bé. Phán quyết cuối cùng của tòa án vẫn cho rằng hành vi của Li đã “đi quá xa” và cô phải chịu hình phạt 6 tháng tù giam.
Trong thời gian Li bị xử lý hình sự về tội bạo hành trẻ em, chị họ của cô đã không ngần ngại gõ cửa các cơ quan chức năng để xin miễn truy cứu trách nhiệm đối với em gái mình nhưng đều thất bại.
Trả lời phỏng vấn Jinghua Online, con nuôi của Li đã chia sẻ: “Cháu đã nói dối và mẹ không muốn cháu như vậy. Cháu không ghét mẹ. Tất cả những gì mẹ làm đều là vì muốn tốt cho cháu”.
Câu chuyện về “mẹ hổ” Li Zhengqin đã làm dấy lên một làn sóng tranh cãi dữ dội trong dư luận.
Một cư dân mạng Weibo với nickname @Yico孟 đặt ra câu hỏi: “Xin hãy nói tôi không phải là người duy nhất 'lạc lối' trong chuyện này! Tại sao bà mẹ lại có thể xin lỗi người đã ngược đãi con mình chứ? Tại sao đứa trẻ sau những giây phút kinh hoàng đó vẫn có thể trở về bên 'mẹ hổ'?” Còn tài khoản @栽梧桐 bình luận: “Hình phạt đưa ra cho cô ta là quá nhẹ! Cô ta ít nhất phải “bóc lịch” ít nhất 3 năm mới phải”.
Trên Facebook của trang Shanghaiist, tài khoản Anita Hu chia sẻ theo quan điểm ngược lại: “Tôi là một đứa chuyên gây rắc rối. Mẹ cũng từng đánh tôi như thế này. Nó khiến tôi nổi loạn hơn nhưng tôi vẫn yêu mẹ vì bà luôn bên cạnh, chăm sóc tôi. Tôi biết dùng bạo lực là sai nhưng mẹ không còn cách nào khác để ngăn tôi làm những việc ngu ngốc. Rất khó để định nghĩa thế nào là 'bạo hành trẻ em' bởi hầu như cha mẹ nào ở Trung Quốc cũng sử dụng đòn roi để dạy dỗ con cái”.
Còn Facebooker Amera Abduraimova cho biết: “Mẹ tôi thường dạy con qua 3 cấp độ: một là nói nhỏ nhẹ, hai là la mắng, ba mới là đánh. Vâng lời thì sẽ không bị đánh. Đơn giản vậy thôi! Anh em chúng tôi rất biết ơn sự nghiêm khắc của bà vì nhờ đó mà chẳng đứa nào hút thuốc, rượu chè, nghiện ngập, trái lại còn rất thông minh và thành công. Cám ơn mẹ vì đã đánh những cái mông hư!”
Trong ngôn ngữ Trung Quốc, “mẹ hổ” là từ dùng để chỉ những bà mẹ (thường tập trung nhiều ở Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á) giáo dục con cái rất nghiêm khắc, ép con đạt được những thành công mà họ đã vạch ra bất chấp việc làm tổn thương tâm lý, cảm xúc và thể xác của chúng. Nhiều trường hợp tương tự vụ “mẹ hổ” Li Zhengqin cũng đã xảy ra ở một số nước châu Á. Điển hình như một bà mẹ ở Trùng Khánh (Trung Quốc) đã bắt ép đứa con trai 9 tuổi của mình phải học 18 tiếng/ngày. Hay một bé gái 6 tuổi ở Hồng Kông phải quỳ lạy trên đường phố hơn 20 lần để cầu xin sự tha thứ của mẹ chỉ vì không lo học tập mà đi đánh cầu lông cùng bạn bè. |