Theo đó, NASA phát hiện ra sự có mặt của nước trên Mặt Trăng khi đang thực hiện dự án Lyman Alpha Mapping Project (LAMP).
Tiến sĩ Kurt Retherford thuộc dự án trên cho biết, “Đây là một tin tức quan trọng trong việc nghiên cứu nước trên Mặt Trăng, một chủ đề luôn luôn nóng bỏng trong chương trình khám phá Mặt Trăng của chúng tôi. Chúng tôi đã điều chỉnh lại chế độ thu thập ánh sáng của LAMP để quan sát chính xác hơn vị trí và thể tích của nước trên Mặt Trăng”.
Bằng cách sử dụng một thiết bị trên Vệ tinh thăm dò Mặt Trăng của NASA, các nhà khoa học đã tính toán được cường độ ánh sáng phản xạ từ bề mặt Mặt Trăng. Qua đó, họ đã phát hiện ra các phân tử nước đang bám trên bề mặt vệ tinh của Trái Đất.
Khi nhiệt độ mặt trăng lên đến cực đại, các phân tử nước sẽ rời khỏi bề mặt và rơi xuống nơi có nhiệt độ thấp hơn.
Trước đây, các nhà khoa học nghĩ rằng bề mặt Mặt Trăng hoàn toàn khô cằn với chỉ chút ít băng tuyết tại 2 cực. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bề mặt Mặt Trăng có sự xuất hiện rải rác của phân tử nước.
Tiến sĩ Michael Poston nhận định: “Quá trình hydrat hóa trên Mặt Trăng khá khó để quan sát từ quỹ đạo vì sự phản xạ phức tạp của ánh sáng trên bề mặt.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy lượng phân tử nước trên bề mặt Mặt Trăng là quá lớn để giải thích bằng các quá trình vật lý thông thường. Tôi rất vui mừng vì những kết quả mới nhất cho thấy lượng nước quan sát được tương đồng với các ước lượng trong phòng thí nghiệm”.
Theo các nhà khoa học, đây là một phát hiện quan trọng đối công cuộc khai phá Mặt Trăng trong tương lai vì con người có thể khai thác nước và chuyển hóa chúng thành hydro, một loại nhiên liệu mà máy móc có thể sử dụng được.
“Nước trên Mặt Trăng có thể được khai thác để làm nhiên liệu hoặc lá chắn bức xạ hay quản lý địa nhiệt. Khi đó, chi phí của các nhiệm vụ trên Mặt Trăng sẽ được giảm xuống đáng kể”, bà Amanda Hendrix, trưởng dự án nghiên cứu LAMP cho biết.