Giới chức y tế Mỹ đang lên kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em trong độ tuổi 5-11, khuyến nghị giới chức các bang đặt mua vắc-xin trước khi chúng được phê chuẩn sử dụng cho nhóm này. Vắc-xin Pfizer/BioNTech hiện được sử dụng cho nhóm công dân Mỹ từ 12 tuổi trở lên.
Trong 2 tuần tới, giới chức liên bang sẽ thảo luận kế hoạch cung cấp các phiên bản vắc-xin với liều lượng thấp hơn cho 28 triệu trẻ em trong độ tuổi 5-11 trên toàn quốc.
Nhằm giúp các bang và thành phố chuẩn bị, theo báo The Guardian, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tuần rồi đã gửi tài liệu hướng dẫn cách thiết lập chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bộ tài liệu dài 7 trang lưu ý hiệu thuốc ở mỗi bang có thể tiêm phòng cho trẻ em, song chỉ những liều được chuẩn bị và đóng gói dành riêng cho trẻ em mới được sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi.
Dù vậy, tài liệu không đề cập những vấn đề phức tạp hơn, như liệu tiêm chủng có phải là điều kiện bắt buộc để trẻ đến trường hay không. Những câu hỏi này sẽ do từng bang và thành phố giải đáp.
Tài liệu trên được ban hành giữa lúc các cộng đồng tại Mỹ đang chuẩn bị tiến hành giai đoạn mới trong chiến dịch tiêm chủng, với mục tiêu gia tăng độ phủ sóng vắc-xin nhằm đối phó với một đại dịch đã cướp đi sinh mạng hơn 720.000 người tại quốc gia này.
Covid-19 đặc biệt nguy hiểm với người lớn tuổi - những người có tỉ lệ nhập viện và tử vong cao hơn trẻ em. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa trẻ em không có nguy cơ mắc bệnh nặng.
Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), đến nay, đã có hơn 540 trẻ em thiệt mạng vì Covid-19 tại Mỹ. Giới chức y tế tin rằng tiêm phòng cho trẻ em cũng có vai trò quan trọng trong việc hạn chế virus lây lan sang nhóm dân số trưởng thành dễ mắc Covid-19.
Trong lúc Mỹ chuẩn bị mở rộng chiến lược tiêm chủng, nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đang ráo riết bảo đảm nguồn cung "vũ khí" chống Covid-19 mới nhất, kể cả khi sản phẩm này chưa được phê duyệt.
Molnupiravir, được phát triển bởi Công ty Merck (Mỹ), đang được kỳ vọng là yếu tố giúp "thay đổi cục diện" chống Covid-19, đặc biệt là với những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Theo kết quả sơ bộ về nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn 3 đối với hơn 700 bệnh nhân được Merck công bố vào đầu tháng này, Molnupiravir giúp làm giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong vì Covid-19 so với những bệnh nhân không sử dụng.
Merck đang đề nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp cho Molnupiravir và nếu được chấp thuận, đây sẽ là sản phẩm điều trị Covid-19 dạng thuốc uống đầu tiên trên thế giới.
Dữ liệu của Công ty Airfinity (Anh) cho biết 10 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đàm phán hoặc đã ký hợp đồng mua Molnupiravir. Tám trong số này đến từ châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có New Zealand, Úc và Hàn Quốc - vốn là những quốc gia khởi động chiến dịch tiêm phòng Covid-19 tương đối chậm vì thiếu nguồn cung.
Dù vậy, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm người Úc Sanjaya Senanayake cảnh báo cuộc đua này có thể dẫn đến tình trạng bất bình đẳng tương tự năm ngoái, khi các nước thu nhập cao bị cáo buộc tích trữ
vắc-xin giữa lúc các nước thu nhập thấp không có nguồn cung. Bên cạnh đó, chuyên gia này còn thể hiện nỗi lo về việc một vài người có thể sử dụng Molnupiravir làm giải pháp thay thế vắc-xin - vốn được xem là công cụ phòng dịch tốt nhất.
Vì tương lai không đói nghèo hậu Covid-19
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp lực chấm dứt nghèo đói, tạo ra một thế giới công bằng và cơ hội cho mọi người hậu Covid-19.
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Quốc tế xóa nghèo (17-10), ông Guterres cho biết: "Lần đầu tiên sau 20 năm, tình trạng nghèo cùng cực đang gia tăng. Năm ngoái, gần 120 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói khi đại dịch Covid-19 tàn phá các nền kinh tế và xã hội". Sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc-xin cho phép các biến thể phát triển và lây lan mà không bị cản trở, khiến hàng triệu người trên thế giới tử vong và kéo dài thời kỳ suy thoái kinh tế có thể tiêu tốn hàng ngàn tỉ USD.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Guterres cho biết quá trình phục hồi toàn cầu yêu cầu một cách tiếp cận 3 cấp. Đầu tiên, sự phục hồi phải mang lại sự chuyển đổi, vì chúng ta không thể quay trở lại những trở ngại và mất cân đối về cấu trúc đặc hữu đã kéo dài tình trạng nghèo đói trước dịch. Quá trình phục hồi phải bao phủ toàn dân, bởi phục hồi không đồng đều làm tăng tính dễ bị tổn thương của các nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội. Cuối cùng, phục hồi phải bền vững.
Cùng ngày, các phương tiện truyền thông Úc đưa tin Melbourne dỡ bỏ lệnh cấm ra khỏi nhà trong tuần tới. Tính đến ngày 22-10, khi một số lệnh giãn cách được dỡ bỏ, thành phố 5 triệu dân này trải qua tổng cộng 262 ngày, tương đương với 9 tháng, trong 6 đợt giãn cách. Đây là thành phố áp dụng lệnh giãn cách vì Covid-19 lâu nhất trên thế giới, vượt quá 234 ngày của Buenos Aires - Argentina.