“Quan điểm của chúng tôi là bề mặt Mặt Trăng chính là một 'chiếc lưới' để thu thập các vật thể liên vũ trụ theo thời gian khi chúng bay qua vệ tinh này”, giáo sư Abraham Loeb viết trên Scientific American.
Do Mặt Trăng gần như không hoạt động về mặt địa chất nên bề mặt của vệ tinh này có thể giữ lại bất kỳ manh mối về sự sống nào được đưa tới bởi các tiểu hành tinh hay các nguồn vũ trụ khác.
Các vật thể được thu thập bởi bề mặt của mặt trăng có thể có tuổi đời hàng tỷ năm, biến Mặt Trăng trở thành “hộp thư” của vô số các vật thể trong hệ Mặt Trời.
Mặc dù hầu hết các tác động trên bề mặt Mặt Trăng có thể là kết quả của các vật thể có nguồn gốc từ hệ Mặt Trời, những bằng chứng gần đây cho thấy những “vật thể du hành vũ trụ” có thể đã ghé thăm Mặt Trăng nhiều hơn chúng ta nghĩ.
Mới gần đây, các nhà thiên văn học đã xác định được vật thể vũ trụ thứ hai xâm nhập vào hệ Mặt Trời của chúng ta - một sao chổi có tên là 2l/Borisov - có thể được nhìn thấy bằng kính viễn vọng trong vòng một năm.
Vào năm 2017, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra Oumuamua, một vật thể kỳ lạ có hình dạng điếu xì gà được xếp loại là sao chổi và tiểu hành tinh, mặc dù nó không có nhiều đặc điểm phù hợp với cả hai vật thể vũ trụ vừa nêu.
Những thiên thạch này không chỉ mang bụi vũ trụ tới mặt trăng mà còn giúp các nhà khoa học tính toán số lượng của chúng một cách chính xác.
Các nhà nghiên cứu cho rằng dựa trên các phép đo hiện tại thì bề mặt mặt trăng có thể chứa tới 30 phần triệu vật liệu bụi vũ trụ. Axit amin, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự sống có thể đạt số lượng vài phần trăm tỷ.
Hóa thạch siêu nhỏ của các dạng sống ngoài hành tinh, tương tự như các hóa thạch 3,4 tỷ năm tuổi được tìm thấy trên Trái đất cũng có thể có mặt trên Mặt Trăng.
Tất nhiên, sẽ thật là tuyệt vời nếu con người tìm thấy những dấu hiệu rõ ràng của sự sống trên Mặt Trăng, giả dụ như những thiết bị công nghệ hiện đại bị chôn vùi từ hàng tỉ năm trước.
Nếu như không kiểm tra hộp thư Mặt Trăng, có lẽ con người sẽ không bao giờ tìm thấy những lời nhắn như vậy.