Người phương Tây quan niệm rằng thứ 6 là ngày xấu nhất trong tuần, còn ngày 13 là ngày xấu nhất trong tháng, vì vậy khi hai điều đó kết hợp với nhau, thứ 6 ngày 13 đã tạo nên một nỗi sợ hãi lớn. Thậm chí còn có hẳn một cái tên cho hội chứng sợ thứ 6 ngày 13 là “paraskevidekatriaphobia”, theo tiếng Hy Lạp “paraskevi” là thứ 6, “dekatria” là số 13 và “phobia” là nỗi sợ hãi.
Lý giải cho nỗi sợ hãi này có thể dựa trên quan niệm lâu đời về ngày thứ 6 đen tối trong truyền thuyết và sử sách, cũng như nghiên cứu khoa học tâm lý con người.
Truyền thuyết về thứ 6 ngày 13
Từ thời cổ đại, trong nhiều nền văn hóa, người ta đã coi con số 13 là một con số đem đến xui xẻo và chết chóc.
Ngày thứ 6 “chịu tiếng xấu” khi xuất hiện trong rất nhiều truyền thuyết. Adam và Eve bị đuổi khỏi vườn địa đàng vào ngày thứ 6, sau khi nếm thử Trái Cấm. Trận Đại hồng thủy Chúa dùng để trừng phạt loài người xảy ra vào thứ 6, ngôi đền của Solomon bị hủy diệt vào ngày thứ 6, và không thể không kể đến, ngày Chúa Jesus bị đóng đinh vào cây thánh giá cũng chính là ngày thứ 6.
Thủy thủ là những người cực kì mê tín trong vấn đề này, họ thường không ra khơi vào ngày thứ Sáu. Theo một số các truyền thuyết, Hải quân Hoàng gia Anh đã đưa một chiếc thuyền (có tên H.M.S Thứ Sáu) vào hoạt động vào năm những năm 1800 để trấn an nỗi sợ hãi bằng cách chọn ra khơi vào ngày thứ Sáu, và thậm chí chọn cả vị thuyền trưởng tên là Jame's Friday để điều hành con tàu. Tuy nhiên, vào một sáng thứ Sáu, con tàu khởi hành chuyến đi đầu tiên của nó… và mất tích mãi mãi.
Việc “kì thị” con số này thể hiện ở rất nhiều hoạt động đời sống như những tòa cao ốc không có tầng 13, các bệnh viện không có phòng số 13, các sân bay không có cổng đón khách số 13, trên các máy bay không có ghế ngồi số 13…
Một lý do được đưa ra để lý giải cho điều này là việc số 13 đứng ngay sau số 12, một con số được coi là đẹp và hoàn hảo. Vì vậy mà chúng ta có 12 tháng trong năm, 12 cung hoàng đạo, 12 con giáp, 12 vị thần của Olympus, 12 sứ mệnh của Hercules, 12 tông đồ của chúa Jesus…
Ngày 13 tháng 10 năm 1972 một chiếc máy bay đã rơi ở vùng Andes và những hành khách còn sống sót đã kể lại: họ đã phải ăn thịt người. Hay nói cách khác là họ đã phải ăn thịt những hành khách đã chết, để tồn tại trước khi được giải cứu 2 tháng sau đó.
Lý giải khoa học thứ 6 ngày 13
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH Connecticut ở New London cho rằng, chính sự tin tưởng quá mức dẫn tới mê tín trong niềm tin từ thời xưa mà nhiều người đã dần phát triển một nỗi sợ “mặc định” về nỗi sợ hãi mang tên thứ 6 ngày 13.
Giáo sư tâm lý học Stuart Vyse thuộc trường ĐH Connecticut cho rằng: “Nếu không ai nói với chúng ta về những điều mê tín, cấm kỵ tiêu cực trong thứ 6 ngày 13, hẳn nhiều người không cảm thấy lo lắng và vẫn làm tốt mọi việc như ngày thường. Không những thế, nỗi sợ hãi này còn được đưa vào các bộ phim, nhiều cuốn sách, câu chuyện… nên càng khiến cho nỗi ám ảnh đó thêm mạnh mẽ”.
Như vây, theo lý giải của các nhà khoa học, chính nỗi sợ bên trong mỗi con người đã khiến cho chúng ta cảm thấy lo lắng hơn khi ngày này đến. Mỗi ngày đều có khả năng xảy ra những chuyện không hay cũng như cả chuyện tốt đẹp. Bên cạnh đó, ở nhiều quốc gia lại có những quan niệm con số xui xẻo như Trung Quốc sợ số 4 vì phát âm giống cái chết, còn người Nhật lại tránh số 9 do đồng âm với từ “tra tấn”… Kiêng kị là một nét văn hóa, nhưng có lẽ chúng ta không nên để cho nỗi sợ hãi chiếm lấy tâm trí mà hành động thiếu suy nghĩ để rồi lại nhận lấy chính hậu quả do mình gây ra.