Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 hiện là biến chủng nguy hiểm nhất trên thế giới, là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng cao chóng mặt. Chìa khóa cho sự thống trị của biến thể này là khả năng lây lan nhanh nhất trong số các chủng SARS-CoV-2 hiện nay. Điều này một phần do cách thức hoạt động của virus đột biến trong cơ thể sau khi lây nhiễm.
Nghiên cứu cho thấy biến thể Delta có khả năng lây truyền cao hơn gấp đôi so với chủng virus ban đầu ở Vũ Hán. Theo các chuyên gia, điều khiến Delta trở nên khác biệt nằm ở lượng virus được sinh ra từ những người bị nhiễm hay còn gọi là tải lượng virus.
Susan Butler-Wu, một nhà vi trùng học lâm sàng tại Đại học Nam California, cho biết: “Qua xét nghiệm, chúng tôi thấy mẫu của những người bị nhiễm biến thể Delta có nhiều virus hơn so với những người nhiễm chủng khác. Điều là lý do chính của việc lây lan nhanh chóng".
Tải lượng virus là thuật ngữ đề cập đến lượng virus có trong cơ thể. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy những người bị nhiễm biến thể Delta có tải lượng virus cao hơn tới 1.260 lần so với tải lượng virus của những người bị nhiễm chủng gốc lưu hành vào năm 2020.
Tiến sĩ Randall Olsen, giám đốc y tế của Phòng thí nghiệm chẩn đoán phân tử tại bệnh viện Houston Methodist cho biết: “Những bệnh nhân có tải lượng virus cao hơn có nhiều khả năng truyền virus cho người khác. Ngoài ra, tải lượng virus càng cao, bệnh nhân nói chung càng ốm nặng".
Các quan chức y tế công cộng ở Vương quốc Anh, nơi mà biến thể Delta đã thúc đẩy đợt dịch mới vào đầu tháng 6, cho biết biến thể này có thể lây nhiễm nhiều hơn từ 40 đến 60% so với biến thể Alpha trước đây là chủng chiếm ưu thế tại nước này.
Một cách để ước tính tải lượng virus thông qua xét nghiệm là xem xét giá trị được gọi là ngưỡng chu kỳ, hoặc Ct,. Các xét nghiệm được thực hiện bằng việc thu thập mẫu từ mũi hoặc phần trên của cổ họng bằng tăm bông. Các xét nghiệm sử dụng phương pháp gọi là phản ứng chuỗi polymerase, hoặc PCR, để phát hiện các vật liệu di truyền - các đoạn RNA của virus - có trong cơ thể khi virus hoạt động.
Trong khi các phát hiện của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ chỉ ra rằng những người đã tiêm vaccine bị nhiễm biến thể Delta có thể lây virus cho người khác dễ dàng như những người không tiêm chủng, vaccine đã được chứng minh là có thể bảo vệ bạn không bị bệnh nghiêm trọng, nhập viện và tử vong.
Các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu tải lượng virus ở những người bị nhiễm biến thể Delta cũng nhận thấy thời gian ủ bệnh ở bệnh nhân mắc chủng Delta ngắn hơn so với chủng ban đầu. Với các biến thể trước đó, virus có thể được phát hiện ở người nhiễm trung bình 6 ngày sau khi tiếp xúc, nhưng với biến thể Delta, khoảng thời gian đó được rút ngắn xuống còn 4 ngày.
Sự thay đổi trong thời gian ủ bệnh cho thấy biến thể Delta có khả năng xâm nhập tế bào tốt hơn và có thể nhân bản nhanh hơn so với các biến thể trước đó, qua đó khiến virus lây lan nhanh. Khoảng thời gian ủ bệnh ngắn hơn cũng khiến việc truy vết càng trở nên thách thức đối với các sở y tế công cộng vốn đã quá tải.
Cũng có những dấu hiệu cho thấy biến thể Delta có thể gây ra bệnh nặng hơn. Một nghiên cứu được công bố ngày 14/6 trên tạp chí The Lancet đã kiểm tra tác động của biến thể Delta ở Scotland, nơi nó thành chủng trội. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra nguy cơ nhập viện do Covid-19 tăng gần gấp đôi đối với những bệnh nhân bị nhiễm chủng Delta.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, còn nhiều điều cần tìm hiểu về biến thể Delta, bao gồm cả cách nó ảnh hưởng đến trẻ em và liệu chủng virus này có gây ra các triệu chứng lâu dài nghiêm trọng hơn hay không.
Xem thêm: Lý do khiến hàng triệu liều vaccine Covid-19 trên khắp thế giới sắp hết hạn