Lăng mộ Tần Thủy Hoàng tọa lạc ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Đây là lăng mộ được xây dựng bởi vị Hoàng đế sáng lập ra triều đại nhà Tần (221 TCN - 207 TCN), đồng thời là Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc thống nhất.
Lăng mộ gồm 4 tầng, trong đó có một cung điện ngầm, là nơi cất giữ các tượng nung nổi tiếng. Bên trên mộ bao bọc bởi một lớp đất đắp nổi cao 76 m, từ Nam đến Bắc dài 350 m, từ Tây sang Đông rộng 354 m. Trên mặt đất xung quanh lăng còn có hai lớp tường thành, diện tích thành bên ngoài là 2 km2 có cửa. Giữa hai lớp thành có các giác lâu, cung tẩm, chùa chiền, nhà ở…
Bên dưới mặt đất là địa cung hình chữ nhật, dài 460 m từ Nam sang Bắc, rộng 392 m từ Tây sang Đông, 4 phía có tường bao bọc cao 27 m, dày 4 m và đều có cửa. Tổng diện tích địa cung là 18 vạn m2.
Khu vực lăng mộ trung tâm được coi là cung điện của Tần Thủy Hoàng khi ông còn sống, chiếm 2/3 diện tích bên trong. Lăng mộ này còn cấp “chỗ chôn” cho cả thê thiếp của Vua. Tổng cộng, phát hiện có 48 ngôi mộ là của vợ Vua, hoàn toàn bị chôn sống trước đó. Ngoài ra, các nhà khảo cổ tìm thấy 98 căn phòng được thiết kế như chuồng ngựa bên cạnh khu vực tượng đất nung.
Tần Thủy Hoàng là vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa cổ đại xây dựng “thành phố lăng mộ” bao gồm đầy đủ các phòng quan tài và cung điện. Vị Hoàng đế này còn tiến hành nghi lễ xây dựng các phòng cho những người bị chôn sống cùng chủ nhân. Điều lạ thường nhất của lăng mộ là không phát hiện quan tài của Hoàng hậu trong đó.
Kể từ khi bắt đầu khám phá khu Lăng mộ huyền bí, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra các công trình xây dựng trên hàng trăm km2, hơn 600 ngôi mộ của những người bị chôn sống cùng hoàng đế.
Tuy vậy, lý do thực sự về việc xây dựng khu lăng mộ này vẫn còn là một bí ẩn. Yuan Zhongyi, một chuyên gia về lăng mộ cho biết: “Sự mặc khải của cấu trúc nơi đây là thành tựu lớn nhất trong nghiên cứu Lăng mộ Tần Thủy Hoàng suốt 40 năm qua”.