Phụ nữ lớn tuổi dân tộc Chin, Myanmar đến nay vẫn còn hình xăm trên mặt.
Tại vùng núi cao Myanmar, phụ nữ dân tộc Chin đến nay vẫn đang chịu đựng những hủ tục kỳ quái. Từ 12-14 tuổi, các bé gái đã phải xăm hình lên mặt để che giấu đi vẻ đẹp của mình. Người dân thuộc bộ tộc Chin từ lâu quan niệm phụ nữ có hình xăm trên mặt sẽ trở nên xấu xí và không bị bắt cóc làm thê thiếp hay người hầu.
Trong chuyến công tác tại Myanmar, nhiếp ảnh gia Teh Han Lin đã ghi lại những khoảnh khắc đáng giá này. “Khi lên kế hoạch đến thăm Myanmar, tôi đang nghiên cứu về các bộ lạc ở đó và quyết định chọn bộ lạc Chin. Có rất nhiều ghi chép về nguồn gốc các hình xăm trên mặt và tại sao nó chỉ áp dụng cho phụ nữ.
Một trong những lý do được chấp nhận rộng rãi là để cho phụ nữ kém hấp dẫn, giúp họ thoát được kiếp làm vợ lẽ. Trước năm 1960, các cô gái sinh ra trong bộ lạc Chin gồm các tộc khác nhau là Munn, Dai và Mkang được xăm mặt khi lên 12-14 tuổi. Kể từ đó, đây được coi là nét đẹp văn hóa quan trọng của người Chin”, ông chia sẻ.
Người Mkang và Dai đều có họa tiết xăm tương tự nhau, bao gồm các ô vuông chứa đầy những chấm nhỏ. Trong khi phụ nữ tộc Dai xăm màu xanh đậm thì tộc Mkang xăm màu xanh lá cây. Phong cách hình xăm của Mun có khác lạ hơn một chút, nó thường là các đường thẳng kéo dài từ trán đến cổ điểm xuyết thêm một ít vòng tròn và chấm li ti. Màu sắc thường dùng là đen. Có người xăm kín cả mặt.
“Các hình xăm được vẽ bằng cách sử dụng gai với một hỗn hợp bao gồm thực vật và mỡ động vật. Quá trình này cực kì đau đớn, đặc biệt là vùng mí mắt và thường mất đến một ngày để hoàn thành. Với các hình phức tạp hơn sẽ kéo dài sang tới ngày hôm sau. Quá trình hồi phục khá lâu, ít nhất là 2 tuần”, Teh Han Lin cho biết sau khi tìm hiểu rất kĩ càng về văn hóa bộ lạc Chin.
Ngày nay, trẻ em bộ tộc không còn bị xăm mặt. Nhưng khi đến với vùng đất này, bạn có thể bắt gặp những phụ nữ cao tuổi vẫn còn giữ nguyên hình xăm trên người vì không thể xóa bỏ chúng.