Đảo Sumba ở miền Đông Indonesia, được ví như một viên ngọc bí ẩn và có những nét quyến rũ mang nét đẹp tự nhiên phong phú và truyền thống trong văn hóa cổ xưa. Tuy nhiên, đằng sau những điểm đến hấp dẫn của Sumba là góc khuất đáng sợ của một hủ tục độc ác cho phép đàn ông bắt cóc phụ nữ, hủy hoại ước mơ và tham vọng của họ và ép buộc họ phải kết hôn.
Mặc dù, tập tục này đã trở thành truyền thống và xảy ra trong nhiều năm trên hòn đảo hơn 750.000 người nhưng gần đây một đoạn video dài 29 giây về một phụ nữ trẻ bật khóc trong tuyệt vọng khi cô bị 5 người đàn ông bế đi khắp nơi đã thu hút sự quan tâm của người Indonesia ở khắp mọi nơi.
Herlina Ratu Kenya, thư ký của Hiệp hội Phụ nữ có Giáo dục Thần học (Peruati) Sumba cho biết: “Khi người đàn ông cột một con ngựa vào hàng rào của gia đình Ratih (21 tuổi), sống ở làng Dameka ở Sumba, tỉnh East Nusa Tenggara là dấu hiệu rằng một cô gái trong gia đình sắp bị bắt cóc theo tập tục Kawin tangkap (bắt cô dâu)”.
Ratih là cô gái đã làm việc và sống ở Bali trong nhiều năm. Cô chỉ ở trên đảo Sumba trong vài ngày để lấy bằng tốt nghiệp trung học vì cô muốn tiếp tục theo học tại một trường đại học ở Bali vào cuối năm nay.
Nhưng uớc mơ của cô gái trẻ đã tan vỡ trong phút chốc khi một nhóm đàn ông bất ngờ ấp đến và túm lấy cô tại nhà vào lúc 10 giờ sáng ngày hôm đó. Ratih đã hét lên và cầu xin tha thiết rằng cô không muốn đi, rằng cô ấy vẫn muốn học. Những người đàn ông không hề để ý đến lời nói của Ratih và đưa cô đến nhà của một chàng trai trẻ có tên là Nala, chỉ cách đó khoảng một km.
Trong đoạn video đang lan truyền ở Indonesia, 5 người đàn ông đưa Ratih đến ngôi nhà sàn truyền thống- nơi ở của Nala. Một người phụ nữ trong gia đình Nala đã té nước lên trán Ratih. Theo truyền thống, nước được dùng để làm Ratih dịu lại và khiến cô tuân thủ hơn.
Chiều hôm đó, hai gia đình thỏa thuận Nala và Ratih sẽ kết hôn. Trong khi cô gái không được quyền quyết định.
Chỉ một tuần sau khi Ratih bị bắt cóc để ép hôn, một cô gái trẻ khác trong làng cũng bị bế đi. Đó là Mawar, 23 tuổi, đang cho đứa con nhỏ 10 tháng tuổi bú, thì Budi và hàng chục người đàn ông khác xuất hiện. Họ lôi em bé khỏi người mẹ và bắt cóc Mawar.
Mark, một tình nguyện viên của Nhóm Đoàn kết Phụ nữ và Trẻ em (Sopan) cho biết: “Cô ấy được truyền từ tay người này sang tay người khác và kéo lên một chiếc xe tải đậu cách nhà cô khoảng 20m”. Cha và anh trai của Mawar cũng có mặt ở trong nhà, đã cố gắng cứu và chống lại nhưng bất lực vì họ đông hơn. Việc bắt cóc phụ nữ đã kết hôn là điều cực kỳ hiếm ở Sumba nhưng chồng Mawar đang làm việc ở một hòn đảo khác nên những kẻ bắt cóc nghĩ rằng cô vẫn còn độc thân.
Trong cuộc hành trình dài 30 phút đến làng Budi, những người đàn ông đã quấy rối tình dục Mawar khiến cho vết sẹo mổ lấy thai của cô bắt đầu rách và chảy máu. Tối hôm đó, gia đình Mawar đã đến nhà Budi để hỏi liệu cô có đồng ý kết hôn với Budi không. Và Mawar kiên quyết từ chối. Trong đau đớn vì vết sẹo rách, cô cầu xin được phép về nhà.
Trong lúc đó con Mawar cứ khóc mãi nên cha cô quyết định trình báo vụ bắt cóc lên cảnh sát. Sáng hôm sau, hai nhân viên cảnh sát cùng thành viên gia đình Mawar và người đứng đầu làng, tình nguyện viên của Sopan đã đến nhà Budi để đưa Mawar về nhà.
Mawar nói rằng cô ấy không còn chút sức lực nào. Cô đã khóc rất nhiều khi thấy chúng tôi đã đến để đưa cô về nhà.
Umbu Jowa, một chuyên gia về phong tục và nghi thức truyền thống của Sumba, nói rằng tục bắt cô dâu là một “biến dạng của văn hóa” của đảo Samba. Từ xa xưa, hủ tục này đã lặp đi lặp lại nhiều lần và cuối cùng người dân coi nó là một phong tục, ông giải thích.
Trong tập tục hôn nhân của Sumba, ít nhất là đối với người bình thường, đơn giản là nam nữ gặp gỡ, yêu và kết hôn. Tuy nhiên, một số gia đình giàu có và quý tộc có những quy tắc riêng. Một người đàn ông có thể sẽ kết hôn với em họ (là con gái của cậu ruột) để duy trì vị thế xã hội và giữ sự giàu có trong gia tộc.
Kawin tangkap, còn được gọi là palai ngiddi mawini hoặc piti maranggang trong ngôn ngữ của Sumba, là tập tục cho phép phụ nữ kết hôn với một người đàn ông khi cha mẹ cô gái đồng ý. Cô gái không được quyền quyết định hay có phản kháng cũng không được coi trọng.
Những năm qua, tập tục này ngày càng trở nên méo mó, biến dạng. Một số đàn ông giàu có, địa vị tự cho mình quyền bắt bất kỳ phụ nữ nào mà họ muốn, thậm chí không cần biết bố mẹ cô gái có chấp nhận hay không.
"Kẻ bắt cóc sau đó được yêu cầu trả một khoản gọi là denda adat (tiền phạt theo tục lệ) cũng như belis (của hồi môn) cho gia đình người phụ nữ", Umbu nói. Tiền phạt thường là 6 con ngựa Sumba, mỗi con trị giá 35 triệu rupiah (khoảng 2.400 USD) và 5 con trâu, mỗi con 17 đến 25 triệu rupiad, tổng cộng khoảng 300 triệu rupiah (khoảng 20.000 USD).
“Tuy nhiên, thay vì can ngăn những người đàn ông làm méo mó tập tục này thì yêu cầu về những mức phạt thực sự đã kích thích một số người. Lòng tự trọng của người đàn ông trỗi dậy mạnh mẽ khi họ bắt cóc được một người phụ nữ bởi vì sau đó mọi người trong làng sẽ nhận ra họ giàu có và quyền lực như thế nào.” Umbu Jowa chia sẻ.
Người phụ nữ bị bắt cóc thường bị hung thủ hãm hiếp và lạm dụng. Sau khi người phụ nữ bị xâm phạm, cô thường cảm thấy mình không còn nơi nào để đi. Các cô gái trẻ thường cam chịu số phận và buộc phải kết hôn với kẻ bắt cóc mình.