Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Kinh nghiệm tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em ở các nước

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn phức tạp, sau khi đạt các mục tiêu tiêm chủng cho người trưởng thành, nhiều nước đã bắt đầu triển khai các chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em dù còn thận trọng.

Mục tiêu cuối cùng là tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, khống chế đại dịch từ đó tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được đến trường, học tập và sinh hoạt trong bối cảnh “bình thường mới”.

Đông Nam Á khởi động tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em

Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều đã tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Riêng Campuchia mở rộng tiêm chủng cho trẻ em từ 6 tuổi. Mỗi nước cũng phê duyệt các loại vaccine khác nhau để sử dụng cho trẻ em. Một số loại vaccine được sử dụng cho trẻ em ở khu vực Đông Nam Á là Sinovac, Sinopharm, Pfizer, Moderna, và AstraZeneca.

Kinh nghiệm tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em ở các nước Ảnh 1
Tiêm chủng ngừa Covid-19 cho trẻ em Campuchia. Ảnh: Facebook Thủ tướng Hun Sen.

Đối tượng trẻ được tiêm chủng ở mỗi quốc gia cũng được điều chỉnh tùy theo. Chẳng hạn như tại Indonesia, trước khi tiêm chủng, trẻ em sẽ được khám sàng lọc và có thể bị từ chối tiêm chủng nếu có các bệnh lý nền, trong khi Philippines mới đây thí điểm tiêm vaccine Covid-19 cho 1.500 trẻ em mắc các bệnh lý nền, bước đầu chỉ ghi nhận 4 trường hợp có biểu hiện bất lợi và đều được xử lý tốt. Cơ quan chức năng Malaysia đang xem xét khả năng tiêm vaccine Sinovac cho trẻ 12-17 tuổi mắc bệnh nền trong khi phê duyệt Pfizer và Sinovac cho trẻ không mắc bệnh lý nền.

Nếu Indonesia là quốc gia đạt kỷ lục về số mũi tiêm được tiêm ra thì Campuchia là quốc gia có thành tích tiêm chủng thần tốc nhất khu vực Đông Nam Á. Hơn 3 triệu trẻ em Indonesia đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine Covid-19 chiếm 11,6% tổng mục tiêu tiêm chủng cho hơn 26 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi. Trong khi Campuchia đã đạt tỷ lệ tiêm chủng 90,24% với nhóm tuổi 12-17 và 98,31% với nhóm tuổi 6-12.

Hiện khoảng 88% học sinh trung học phổ thông tại Bangkok của Thái Lan được tiêm vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNTech. Còn khoảng 30.000 học sinh khác tại thành phố sẽ được tiêm phòng vào ngày 20/10. Trong khi Philippines sẽ bắt đầu tiêm chủng vaccine Covid-19 chính thức cho 144.131 trẻ em 15-17 tuổi nói chung và ưu tiên trẻ mắc các bệnh lý nền vào ngày 22/10 tới đây.

Indonesia đứng đầu Đông Nam Á về số mũi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ

Trẻ em chiếm 12% tổng số ca mắc Covid-19 ở Indonesia và tỷ lệ tử vong ở trẻ em Indonesia là cao nhất thế giới. Từ đầu tháng 7, chương trình tiêm chủng cho trẻ em được triển khai tại các cơ sở y tế hoặc các trường học trên toàn Indonesia. Hiện, Indonesia đứng đầu khu vực về số mũi tiêm vaccine Covid-19. Hơn 3 triệu trẻ em Indonesia đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 đạt 11.6 mục tiêu tiêm chủng cho  26.705.490 trẻ em từ 12 - 17 tuổi vào cuối năm nay.

Kinh nghiệm tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em ở các nước Ảnh 2
Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em ở Indonesia. Ảnh: Tribunnews.

Tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em ngoài mục đích bảo vệ trẻ em trước đại dịch, ngăn chặn việc lây lan virus từ trẻ em sang những người khác trong gia đình, Indonesia cũng có kỳ vọng như các quốc gia khác về việc mở cửa trường học. Ủy ban Bảo vệ Trẻ em Indonesia cho rằng, lý tưởng nhất để mở cửa trở lại trường học là 70% số trẻ em phải được tiêm chủng vaccine Covid-19 và tỷ lệ dương tính trong các xét nghiệm Covid-19 ở khu vực được mở cửa phải dưới 5%. 

Tuy nhiên để đạt điều này, sẽ phải mất thêm nhiều thời gian nữa do tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi ở Indonesia không được phân bổ đồng đều giữa các vùng cộng với tâm lý của nhiều phụ huynh còn e ngại về hiệu quả của vaccine Covid-19. Nhưng từ đầu tháng 9, chính phủ Indonesia vẫn quyết định mở cửa trường học ở vùng xanh với đại dịch. Điều này cũng phần nào tác động đến tâm lý phụ huynh muốn con em được bảo vệ để có thể đến trường học tập. Các chuyên gia nước này hiện kêu gọi việc tiêm chủng cho trẻ từ 3 tuổi trở lên sớm được thực hiện để các cấp học từ mẫu giáo đến tiểu học được bảo vệ khi học trực tiếp đi cùng với đó là các giao thức y tế nghiêm ngặt.

Với những nỗ lực ngoại giao vaccine và không kén chọn loại vaccine, tính đến giữa tháng 10, Indonesia có trong tay hơn 280 triệu liều vaccine Covid-19 từ nhiều nhãn hàng, trong đó có 171 triệu mũi tiêm đã được sử dụng. Song song với việc tìm kiếm dự trữ vaccine, Indonesia cũng lập tức phân phối vaccine về các vùng để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đồng đều trên cả nước. Indonesia là quốc gia hiện có tỷ lệ tiêm chủng đứng thứ 6 trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về chỉ số phục hồi sau đại dịch nhờ tiêm chủng.

Trung Quốc đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho trẻ em theo từng nhóm tuổi

Hiện nhiều nước đang chỉ dùng vaccine của Pfizer/BioNTech tiêm cho trẻ em, trong khi Nhóm Chuyên gia cố vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác nhận vaccine của Pfizer là phù hợp để sử dụng cho trẻ từ 12 tuổi. Còn tại một số quốc gia như Cuba hay Trung Quốc, chính phủ các nước này đã sử dụng vaccine nội địa để triển khai chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em.

Kinh nghiệm tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em ở các nước Ảnh 3
Tiêm vaccine Covid-19 cho nữ sinh Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.

Từ hồi tháng 6 năm nay, Trung Quốc đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 cho đối tượng từ 3-17 tuổi. Ngay sau đó, từ khoảng giữa tháng 7, thời điểm các trường học ở Trung Quốc nghỉ hè, công tác tiêm chủng cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi chính thức được triển khai.

Đặc biệt, khi sang đầu tháng 8, một đợt dịch cộng đồng mới do biến thể Delta gây ra đã nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh, thành ở nước này và được đánh giá là nghiêm trọng chỉ sau Vũ Hán, khiến Trung Quốc buộc phải đẩy nhanh công tác tiêm chủng cho thanh thiếu niên trước khi bước vào năm học mới.

Tính đến ngày 6/9, Trung Quốc đã tiêm được hơn 160 triệu liều vaccine cho đối tượng từ 12-17 tuổi. Nhóm 15-17 tuổi được tiêm trước, sau đó đến nhóm từ 12-14 tuổi.

Một số địa phương ở nước này đã hoàn thành tiêm mũi vaccine đầu tiên cho nhóm đối tượng từ 15-17 tuổi trong tháng 7 và nhóm từ 12-14 tuổi trong tháng 8, đồng thời hoàn thành tiêm mũi thứ hai cho nhóm đối tượng từ 15-17 tuổi. Họ cũng đặt mục tiêu sẽ hoàn thành toàn bộ các mũi tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi vào cuối tháng 10.

Với những trẻ đang đi học, việc triển khai tiêm chủng sẽ được tính theo đơn vị trường. Nhóm 16-17 tuổi đã có việc làm sẽ do ngành chủ quản và các quận, huyện phối hợp tổ chức. Nếu không thuộc hai nhóm đối tượng này (bao gồm cả trẻ đi du học), sẽ do xã, phường và khu dân cư tổ chức.

Hiện vaccine dùng cho trẻ em ở Trung Quốc là vaccine bất hoạt của Sinopharm và Sinovac. Trong quá trình tiêm, cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ đồng hành cùng trẻ và mang theo các giấy tờ hợp lệ, như CMND hoặc hộ khẩu. Trẻ được khuyến cáo mặc quần áo rộng, tránh nhịn ăn trước khi tiêm, không vận động mạnh trước và sau khi tiêm, uống nhiều nước sau khi tiêm và chú ý nghỉ ngơi hợp lý.

Về việc tiêm chủng cho đối tượng trẻ từ 3-11 tuổi, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, họ sẽ kết hợp tình hình dịch bệnh, nhu cầu phòng chống và kiểm soát dịch, cũng như đặc điểm dân cư để sắp xếp việc tiêm chủng tập trung thống nhất trong cả nước cho nhóm trẻ này.

Hiện nay, theo thông tin và dữ liệu công khai, cả nước Trung Quốc mới có duy nhất 1 huyện ở tỉnh Quý Châu, miền Tây Nam nước này đăng thông báo về việc tiêm vaccine Covid-19 cho các đối tượng từ 3 tuổi trở lên. Việc Trung Quốc chưa ra thông báo tiêm chủng rộng rãi cho trẻ từ 3-11 tuổi, một phần xuất phát từ tâm lý thận trọng. Mặt khác, Trung Quốc cho rằng vào thời điểm này việc tiêm mũi tăng cường cho những đối tượng có nguy cơ cao là cần thiết, quan trọng và cấp bách hơn.

Mỹ: Thiếu cơ sở khi lo ngại tiêm vaccine Covid-19 gây rủi ro cho trẻ em

Mặc dù mỗi nước đều có những cân nhắc cụ thể với từng điều kiện về dân cư, độ tuổi, nguồn vaccine... để có các lộ trình tiêm vaccine cho trẻ em nước mình một cách phù hợp nhất. Tất nhiên, cũng giống như với người lớn, việc tiêm vaccine cho trẻ em cũng có những tỷ lệ rủi ro nhất định. Ngay như vaccine được nhiều nước sử dụng tiêm cho trẻ em là Pfizer cũng vướng phải những lo ngại gây ra biến chứng viêm cơ tim.

Kinh nghiệm tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em ở các nước Ảnh 4
Tiêm chủng Covid-19 cho học sinh Mỹ. Ảnh: Getty.

Ở Mỹ có một bộ phận người dân không ủng hộ việc tiêm vaccine nói chung cho trẻ nhỏ vì lo ngại điều này có thể dẫn tới các biến chứng, các phản ứng phụ có thể gây ra rối loạn trong cơ thể chính vì vậy mà khi vaccine của Pfizer được khuyến khích sử dụng cho trẻ em thì cũng bắt đầu có những lo ngại về ảnh hưởng lâu dài sau này. Vaccine nào trên thực tế cũng có phản ứng phụ và các phản ứng phụ của vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer đúng là có bao gồm viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim, tuy nhiên rủi ro xảy ra điều này là rất thấp.

Một số bậc phụ huynh ở Mỹ cũng lo ngại rằng vaccine mRNA có thể tác động vào gen hoặc ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của trẻ sau này, tuy nhiên điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học và chưa có bất cứ chứng cứ nào được đưa ra. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cũng như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, hai cơ quan phê duyệt và đưa ra các khuyến nghị về y tế chính ở Mỹ đều đã khẳng định rằng mRNA từ vaccine Covid-19 không bao giờ đi vào nhân tế bào - nơi giữ ADN, điều này có nghĩa là mRNA không thể ảnh hưởng đến ADN con người. Một khi mRNA đã hoàn thành việc dạy tế bào, các men enzyme sẽ phá hủy mRNA.

Các lo ngại không có cơ sở về tác động của vaccine ngừa Covid-19 một phần cũng là do thông tin giả được lan truyền trên mạng xã hội bởi chính những người phản đối tiêm vaccine ở Mỹ, chính vì vậy rất nhiều chiến dịch truyền thông đã được tổ chức để giải thích cơ chế hoạt động của vaccine và lợi ích của việc tiêm phòng trong việc bảo vệ bản thân và cộng đồng và hướng tới sớm kiểm soát dịch bệnh.

Khuyến cáo chuyên gia y tế Mỹ với các gia đình khi cho trẻ tiêm vaccine Covid-19

Giới chuyên gia y tế Mỹ hiện đang tiếp tục kêu gọi các gia đình tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em, đặc biệt là trong bối cảnh các trường học đã mở cửa trở lại bình thường và khi đó khả năng lây nhiễm cao hơn mặc dù trẻ em không gặp nhiều rủi ro nhiễm virus như người lớn nhưng không phải là không có. Trên thực tế đã có gần 5 triệu trẻ em ở Mỹ mắc Covid-19 và tỷ lệ lây nhiễm cũng như nhập viện đã tăng trong năm 2021, nhất là trong số trẻ em chưa tiêm phòng. Hơn 300 trẻ em đã tử vong do Covid-19 ở Mỹ và hơn 3.700 trường hợp đã mắc triệu chứng lạ có tên gọi là Rối loạn đa hệ thống do biến chứng của Covid-19.

Chính vì những rủi ro này và vì mục đích lớn hơn đó là sớm kiểm soát được dịch bệnh nên lời khuyên đầu tiên của giới chuyên gia y tế Mỹ đối với trẻ nhỏ là đi tiêm phòng Covid-19, tất nhiên cũng có những khuyến cáo cụ thể như khi tiêm các loại vaccine khác, đó là để ý tới các phản ứng phụ như dị ứng, viêm cơ tim, hay mệt mỏi. Trên thực tế, các tác dụng phụ của vaccine ngừa Covid-19 vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng nhưng các lợi ích của việc tiêm phòng đã nhìn thấy trước mắt và riêng ở Mỹ, việc phát triển thuốc kháng virus và tiêm phòng ở trẻ nhỏ đang được kỳ vọng sẽ giúp nước Mỹ tìm thấy ánh sáng ở cuối đường hầm trong cuộc chiến chống Covid-19.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết VOV

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố