Nắng nóng toàn cầu khiến đường xá, mái nhà ở nhiều nơi trên thế giới bị chảy nhựa và thậm chí hàng chục người cũng bỏ mạng vì thời tiết cực đoan này.
Không chỉ riêng nước ta, nhiều nơi trên thế giới cũng đang phải oằn mình chống chọi với cái nắng như thiêu như đốt, nóng đến mức khiến nhiều thứ tan chảy theo đúng nghĩa đen. Vòm nhiệt khổng lồ và dai dẳng bao trùm các khu vực phía Đông Bắc Mỹ với nhiệt độ và độ ẩm cực đoan lập nên nhiều kỷ lục về nhiệt độ từ trước tới nay.
Cụ thể, nhiệt độ tại Colorado ngày 28/6 là 40,5 độ C và 36,6 độ C ngày 2/7 tại Canada, đặc biệt nhiệt độ lúc nửa đêm tại Canada cũng cao ở ngưỡng kỷ lục. Khi nhiệt độ ở Canada lên tới 40 độ C vào ngày 4/7, 18 người tại thành phố Montreal đã tử vong.
Tại châu Âu, nắng nóng bao trùm trên nhiều khu vực ở quần đảo Anh, khiến đường xá và mái nhà bị biến dạng. Bên cạnh đó, theo MSN, nhiệt độ ở Anh lên đến 49 độ C khiến ngành đường sắt và du lịch chịu thiệt hại lớn.
Một số tuyến đường sắt bị biến dạng và bóp cong, khiến nhiều chuyến tàu phải dừng lại giữa chừng trên đoạn đường gần ga Carlisle. Tuyến đường sắt từ London Waterloo đến New Malden, tốc độ các chuyến tàu bị hạn chế khiến nhiều dịch vụ đi kèm bị chậm trễ.
Tại Ealing, Tây London vào ngày 30/6, nhiệt độ cao 32 độ C khiến trứng cũng bị chiên chín ngay trên lòng đường. Anh chàng Mark Kehoe chế biến “bữa sáng” là món trứng ốp la ngay trên mặt đường trong những ngày nắng nóng ở Anh.
Không chỉ vậy, ảnh chụp từ trên cao cho thấy những bãi cỏ cháy sém tại các vùng nông thôn như South Woodham Ferrers ở Chelmsford, hạt Essex, cũng khiến nhiều người kinh hãi về nhiệt độ ở Anh trong những ngày qua.
Nắng nóng khiến nhựa đường tại làng Tirril, Cumbria, Anh bị tan chảy.
Đường Glengesh ở quận County Donegal, Ireland bị chảy nhựa vì nắng nóng chạm ngưỡng kỷ lục.
Tại Úc, nhiệt độ cũng không khá hơn. Nắng nóng khiến nhựa đường tan chảy, gây ùn tắc giao thông và thiệt hại lớn cho ngành đường bộ.
Bộ Giao thông vận tải và Đường chính (TMR) buộc phải đóng cửa đoạn đường Malanda Millaa Millaa, phía bắc Queensland, Úc vào ngày 4/7 và thực hiện sửa chữa khẩn cấp sau khi nhận được một số khiếu nại rằng đoạn đường này đang bị chảy nhựa.
Nhựa đường bám chặt vào bánh xe và có tới 50 người được đền bù sau thiệt hại này. “Tôi hoàn toàn không thể tin nổi vào mắt mình khi nhìn thấy cả lớp nhựa đường dày tới gần 8 cm bám xung quanh 4 bánh xe“, một người mắc kẹt tại đường Malanda Millaa Millaa cho biết.
Scotland cũng phải trải qua một đợt nóng dữ dội vào cuối tháng 6. Ngày 28/6, nhiệt độ ở Motherwell lên tới 33,2 độ C, phá kỷ lục năm 2003. Tại Glasgow, lớp phủ chống mưa nắng trên mái một trung tâm khoa học đã bị nóng chảy.
Tại Mỹ, nhiệt độ ở thành phố New York và New Jersey cũng lên tới mức 41 độ C. Vào tuần trước, có ít nhất 2 người thiệt mạng do nắng nóng ở Mỹ. Đó là một phụ nữ ở Pennsylvania, chết khi đang làm việc và một ông lão ở thành phố Kansas.
Tại Nga, nhiệt độ cũng cao hơn mức bình thường từ đầu tháng 7. Pakistan cũng trở thành quốc gia nóng nhất thế giới khi nhiệt độ cao nhất ghi nhận được là 50,2 độ C.
Bên cạnh đó, khu vực Trung Đông cũng đang hứng chịu thời tiết nóng kỷ lục. Vào tuần trước, ở Quriyat, bờ biển Oman, nhiệt độ đã lên tới mức kỷ lục mới của thế giới. Theo Weather Netwwork, nhiệt kế tại Quriyat ở mức 42,6 độ C trong suốt 51 giờ, mức nhiệt trong đêm cao nhất từng được chứng kiến trên bề mặt trái đất cũng được xác lập tại đây.
Trước hiện tượng thời tiết cực đoan này, các nhà khoa học cho rằng hiện tượng nắng nóng bất thường lan rộng trên toàn cầu trong tuần qua là do tình trạng ấm lên toàn cầu. “Các mùa hè đang trở nên nóng bức hơn. Nếu chúng ta không làm gì để giảm sự thải khí nhà kính thì nhiệt độ cực đoan này sẽ là 'chuyện thường ngày ở huyện' trong thời gian dài”, nhà khoa học Friederike Otto của Đại học Oxford chuyên nghiên cứu về nắng nóng ở châu Âu cho biết.
Được đánh giá là một trong những trang phục linh hoạt và thoải mái nhất, lại không kén người mặc, hoodie chính là một item không thể thiếu trong tủ quần áo của mọi chàng trai, cô gái.