Suốt 10 năm qua, Amar Samad ở Konaroa, thành phố Simdega, bang Jharkhand sống khép mình, không dám gặp gỡ hay giao tiếp với người mọi xung quanh vì mắc phải bệnh di truyền hiếm gặp từ năm 2008. Khối u ban đầu mọc ở hàm trên của Amar và sau đó phát triển nhanh thành dị vật có khối lượng 4,8 kg và đường kính lên tới 20 cm. Khối u dần phình ra khỏi mặt chàng trai 19 và che khuất nửa mặt trái. Khối u to tới mức một mắt của Amar không còn nằm đúng vị trí.
Không chỉ đối diện với những lời chế giễu từ người xung quanh, Amar còn trải qua những đau đớn về thể xác. Cậu gặp khó khăn khi nuốt và nói.
May mắn thay, Amar giờ đây đã có thể tự tin hơn với gương mặt mới sau khi các bác sĩ phẫu thuật tại Viện Khoa học Y khoa Amrita ở Kochi đã loại bỏ thành công khối u khổng lồ trên gương mặt chàng trai sau 14 tiếng.
Ca phẫu thuật và tái tạo khuôn mặt sử dụng xương từ đùi để dựng lại hàm được thực hiện miễn phí dành cho Amar bởi gia gia cảnh của em rất khó khăn.
“Vì khuôn mặt biến dạng, tôi chẳng bao giờ có thể hòa nhập với các bạn đồng trang lứa”, Amar nói. “Tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm vì đã loại bỏ được khối u khỏi khuôn mặt. Điều này như thể tôi được sinh ra lần thứ hai. Giờ đây, tôi háo hức được trở về nhà, kết bạn và làm ruộng. Tôi thật tâm cảm ơn các bác sĩ của Bệnh viện Amrita vì đã giúp tôi có một cuộc sống bình thường”.
Amar có cuộc sống vất vả sau khi cha qua đời vì sốt rét. Khi đó, cậu vẫn còn nhỏ. Mẹ Amar sau đó bỏ rơi anh và hai em trai lại với chú.
Amar làm việc ngoài cánh đồng, nhưng khi khối u phát triển, cậu hiếm khi ra khỏi nhà.
Tiến sĩ Subramania Iyer, người đứng đầu Khoa phẫu thuật thẩm mỹ và tái tạo của Viện Khoa học Y khoa Amrita là một trong những bác sĩ phẫu thuật cho Amar.
Theo ông Iyer, khối u của bệnh nhân trẻ hình thành do hội chứng khối u vùng cận giáp hiếm gặp khi có những đột biến về di truyền. Thông thường, những đột biến như vậy chỉ tạo ra các khối u nhỏ trên hàm và trường hợp của Amar là khối u hàm trên lớn nhất từ trước tới nay.
“Sự phát triển quá nhanh của khối u đang dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng. Nếu tình trạng này tiếp tục tồn tại, Amar sẽ không thể ăn được và thậm chí sẽ gặp khó khăn khi thở”, ông Iyer nói.
Quá trình loại bỏ khối u diễn ra phức tạp bởi kích thước khổng lồ của nó và do khối u đã xâm chiếm toàn bộ hàm trên và mắt trái của bệnh nhân.
“Chúng tôi lo ca phẫu thuật dẫn tới việc mất nhiều máu nhưng điều này đã được kiểm soát bằng cách tạm thời chặn các mạch máu ở phần phía trên gương mặt bệnh nhân”, ông Iyer nói.
Tiến sĩ Iyer cho biết việc tái tạo lại khuôn mặt cho Amar đã được lên kế hoạch tỉ mỉ bằng cách sử dụng công nghệ in 3D để xây dựng một mô hình khuôn mặt và khối u của Amar. Các bác sĩ đã thực hiện một cuộc phẫu thuật giả định trước khi tiến hành thực sự trên khuôn mặt bệnh nhân.
Hiện tại, vị trí của mắt trái của Amar vẫn cần được điều chỉnh về vị trí ban đầu, dù thị lực của chàng trai bị hạn chế. Amar cũng cần được cấy ghép hàm trên để có thể nhai được bình thường. Các ca phẫu thuật mắt và nha khoa sẽ được thực hiện 6 tháng sau khi cắt bỏ khối u.