Sinh ra trong một gia đình lao động tại một thị trấn nhỏ, sớm xác định mục tiêu trở thành nhà khoa học, đặt niềm tin mãnh liệt vào mRNA khi tất cả mọi người đều nghi ngờ, trở thành người mở đường cho vaccine Pfizer - BioNTech và Moderna, cứu cả thế giới khỏi bóng đen Covid-19, nhưng mức lương tính theo giờ làm việc có lẽ chỉ khoảng 1 đô la mỗi giờ, nhà khoa học -Tiến sĩ Kati Karikó đã cống hiến cuộc đời cho khoa học và thực sự đang sống trọn vẹn mỗi ngày.
Hai trong số những loại vaccine Covid-19 phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay là Pfizer và Moderna. Hai loại vaccine này sử dụng công nghệ mRNA với khả năng dạy các tế bào cách tạo protein giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể.
Là đột phá khoa học và cũng là chiếc “phao cứu sinh” trong đại dịch, nhưng công nghệ mRNA cùng người tạo ra nó, bà Kati Karikó đã phải trải qua hàng chục năm bị nghi ngờ, bị chê cười, bị đánh giá thấp.
“Tôi từng nghĩ mình không đủ thông minh”
Khi gặp một ý tưởng quá khác biệt với kiến thức thông thường, phản ứng thường thấy của số đông sẽ là không chấp nhận và phản đối. Đồng thời đây cũng là đặc tính của khoa học. Mọi ý tưởng có vẻ lạ lẫm đều phải bị nghi ngờ, phải trải qua hàng nghìn thí nghiệm trước khi được chấp nhận. Vì vậy con đường của bà Kati Karikó (tên thường gọi là Kati) chắc chắn không thể dễ dàng.
Quay lại năm 1978, khi Kati mới 23 tuổi, vừa bắt đầu sự nghiệp khoa học và quyết định dành cả cuộc đời để nghiên cứu công nghệ mRNA, tất cả mọi người đều nghi ngờ bà. Mỗi khi nói về ý tưởng của mRNA, bà thường bị đồng nghiệp cười chê.
Sinh ra và lớn lên tại một thành phố nhỏ ở Hungary, Kati có một thời gian nghiên cứu tại trường đại học trong nước. Nhưng khi quỹ đầu tư cho các chương trình nghiên cứu không còn nữa, Kati buộc phải tìm kiếm một cơ hội mới. Và như vậy bà nhanh chóng cùng chồng và con gái chuyển tới Mỹ để công tác tại Đại học Temple ở Philadelphia.
Tuy nhiên, vị trí tại Đại học Temple của Kati chỉ là Trợ lý nghiên cứu. Chức danh này quá thấp nên bà cũng không có phòng thí nghiệm và phải nhận mức lương khá khiêm tốn. Như vậy nếu như muốn tiếp tục nghiên cứu về mRNA, Kati sẽ phải dựa hoàn toàn vào tiền tài trợ. Nhưng ý tưởng mRNA luôn bị mọi người chê cười và coi là viển vông, nên Kati cũng không nhận được một đồng tài trợ nào, dù là từ phía chính phủ hay doanh nghiệp tư nhân.
Việc duy nhất Kati có thể làm là hợp tác với các giáo sư khác để có thể sử dụng phòng thí nghiệm. Ban đầu bà hợp tác với Tiến sĩ chuyên ngành Tim mạch Elliot Barnathan. Cả ông Barnathan và bà Kati đều có chung ý tưởng về mRNA. Đáng tiếc là sau vài năm, Barnathan rút khỏi dự án để nhận công việc tại một tập đoàn.
Lúc này tất cả mọi người đều nghĩ Kati sẽ từ bỏ. Bà cố gắng tìm kiếm cộng sự mới, nhưng chỉ được một thời gian thì người đó cũng lại bỏ cuộc. Vậy là Kati vừa phải vất vả để giữ vị trí của mình ở trường đại học, vừa phải xoay sở tìm cách hợp tác với các giáo sư để được sử dụng phòng thí nghiệm. Cuộc sống và sự nghiệp của Kati luôn ở thế chênh vênh, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào.
Thử thách dành cho bà Kati dường như đến đỉnh điểm vào năm 1995, khi bà bị trường Đại học Temple loại khỏi danh sách được trở thành giáo sư chính thức. Lần đầu tiên trong đời, bà đã nghĩ rằng: “Có lẽ tôi không đủ giỏi hoặc đủ thông minh”. Bà thậm chí đã nghĩ đến chuyện bỏ việc, kết thúc nghiên cứu, và tìm một công việc khác.
Mọi việc thay đổi vào năm 1998, bà gặp giáo sư Drew Weissman và hai người nhanh chóng trở thành cộng sự của nhau. Đây là người cộng sự quan trọng nhất của Kati. Cùng với nhau, cả hai đã dần đạt được nhiều kết quả tích cực khi nghiên cứu mRNA.
Sự kiên trì giúp thay đổi thế giới và niềm hạnh phúc khi được cống hiến
Tất nhiên Kati và Weissman vẫn phải trải qua khá nhiều thử thách. Hai người vẫn không nhận được chút tiền tài trợ nào, tiếp tục vấp phải rất nhiều rào cản khác, các thí nghiệm cũng liên tục thất bại, các tạp chí khoa học từ chối xuất bản công trình nghiên cứu.
Tréo ngoe hơn, khi hai nhà nghiên cứu tạo ra bước đột phá và được thông tin trên các tạp chí khoa học, vẫn không có mấy ai chú ý đến nghiên cứu này. Nhưng dường như đã quá quen với các lời từ chối và việc bị nghi ngờ, Kati và Weissman cứ tiếp tục công việc của mình.
Một cộng sự của Kati cho rằng, những nhà khoa học giỏi nhất là những người có thể tự chứng minh bản thân đã sai. Sự thông thái của Kati nằm ở chỗ bà chấp nhận thất bại nhưng không bỏ cuộc.
Các đồng nghiệp khi nói về Kati đều nhận định rằng, Kati làm việc không phải vì tiền bạc hay danh vọng. Bà làm việc vì tình yêu thuần khiết với khoa học và mong ước có thể giúp đỡ nhiều người bằng khoa học. Chồng của Kati, ông Bela Francia thì cho rằng vợ mình yêu công việc đến mức “bà ấy chẳng bao giờ đi làm, bà ấy đang tận hưởng niềm vui”.
Ông Bela Francia cho biết, Kati vẫn miệt mài làm việc ở phòng thí nghiệm kể cả là cuối tuần và ngày nghỉ lễ. Thực tế, bà không nghỉ dù chỉ một ngày. Ông Bela tính rằng, nếu chia theo giờ làm việc, Kati chỉ nhận được 1 đô la cho mỗi giờ đầu tư sức lực và chất xám trong phòng thí nghiệm. Trên thực tế, trước khi được tận hưởng hào quang sau thành công của vaccine mRNA, thu nhập của Kati chưa bao giờ quá 60.000 USD mỗi năm, xấp xỉ mức lương cơ bản ở Mỹ.
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra và các nhà khoa học đau đầu tìm kiếm một loại vắc xin hiệu quả, Kati đã chứng minh được vaccine mRNA có thể là một giải pháp. Và thành quả tuyệt vời từ sự kiên trì của bà Kati đã tới khi hàng tỷ người trên thế giới đã và đang cùng thụ hưởng trái ngọt do bà cùng các cộng sự gieo trồng trong suốt nhiều năm bị từ chối và nghi ngờ. Thành quả của nghiên cứu công nghệ này không chỉ bảo vệ sức khỏe con người mà còn giúp ngăn nền kinh tế của hàng loạt quốc gia nhờ đó không chìm sâu trong khủng hoảng do Covid-19.
Ít ai biết khi lần thử nghiệm đầu tiên của vaccine Covid-19 mRNA thành công, món quà đầu tiên Kati tự thưởng cho mình chỉ là một hộp chocolate hạnh nhân.
Vừa qua, bà Katalin Kariko cùng các đồng nghiệp là các nhà khoa học Drew Weissman và Pieter Rutter Cullis với công nghệ vaccine mRNA cứu sống hàng triệu người đã nhận giải thưởng lớn nhất của VinFuture, trị giá 3 triệu USD. Chia sẻ với báo giới về suy nghĩ khi được gọi là "người hùng phát triển vaccine Covid-19", Katalin nói: "Tôi không nghĩ làm vaccine để trở thành người hùng".
Hiện bà Kati là Giáo sư trợ giảng của khoa Phẫu thuật thần kinh tại Trường Y thuộc Đại học Pennsylvania và là Phó Chủ tịch cấp cao của BioNTech.
Nhưng bỏ qua mọi chức danh và danh vọng, điều có ý nghĩa nhất với bà Kati sau hơn 40 năm bị nghi ngờ có lẽ là được cống hiến mỗi ngày cho khoa học, được hoàn thành giấc mơ tạo ra thứ gì đó trong phòng thí nghiệm có ích cho mọi người, được góp phần thúc đẩy y học phát triển.