Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, đang phải vật lộn để làm chậm quá trình lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 ngay cả sau khi đã áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển khắt khe nhất. Indonesia bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 từ tháng 1 nhưng tới nay mới chỉ 5,8% trong tổng số 270 triệu người dân nước này được tiêm cả hai mũi.
54.000 ca mắc trong ngày 14/7 là mức tăng cao nhất trong thời gian qua và gấp 10 lần số ca nhiễm ghi nhận đầu tháng 6.
Số ca nhiễm ngày 14/7 cũng vượt qua số ca mắc ở Ấn Độ, quốc gia đang ghi nhận số ca giảm mạnh sau khi đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất thế giới vào đầu năm nay.
Trong một cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng cấp cao Luhut Pandjaitan cho biết số ca mắc Covid-19 hàng ngày vẫn có thể tăng cao vì Delta, biến thể lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ, có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 3 tuần.
"Chúng ta đang ở trong tình huống xấu nhất. Nếu có 60.000 ca một ngày hoặc nhiều hơn thế một chút, chúng ta vẫn đối diện được. Chúng ta hy vọng con số đó không phải là 100.000. Nhưng chúng ta cũng đang chuẩn bị cho trường hợp đó", ông Luhut nói.
Chính phủ Indonesia đã chuyển đổi một số tòa nhà thành cơ sở cách ly, triển khai các bác sĩ và y tá mới tốt nghiệp để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 và nhập khẩu thuốc điều trị và oxy. Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) đã cho phép sử dụng thuốc chống ký sinh trùng ivermectin trong trường hợp khẩn cấp, một quan chức Bộ Y tế nói với hãng tin Reuters. Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới, cũng như các cơ quan quản lý của châu Âu và Mỹ, khuyến cáo thuốc ivermectin không nên được sử dụng cho bệnh nhân Covid-19, thuốc này vẫn đang được sử dụng để điều trị bệnh hô hấp ở một số quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ.
Các bệnh viện ở đảo Java đông dân nhất của Indonesia bị đóng cửa trong những tuần gần đây, khi nhiều người phải vật lộn để được điều trị và hàng trăm người tử vong trong khi tự cách ly.
Các ca bệnh và tỷ lệ người nằm viện đã tăng lên ở nhiều vùng của bang Sumatra và Kalimantan và các vùng xa xôi hơn như Tây Papua, nơi các cơ sở y tế còn nghèo nàn khi đối phó với ổ dịch bùng phát.
Theo ông Luhut, hiệu quả của vaccine kém hơn trước biến chủng Delta là nguyên nhân của hầu hết các ca nhiễm trên đảo Java. Tuy nhiên, ông vẫn kêu gọi người dân tiêm chủng giúp ngăn bệnh nặng và tử vong.
Chính phủ Indonesia cũng đang phân tích tình hình và sẽ quyết định có kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp giãn cách khẩn cấp vốn sẽ hết thời hạn vào ngày 20/7 tới hay không.