Một nguồn tin cho biết Công tước xứ Cambridge muốn trở lại làm việc với tư cách nhân viên trong lĩnh vực cứu thương hàng không, chung tay cùng quốc gia chống lại COVID-19. William từng đảm nhiệm vị trí phi công trong 2 năm, trước khi từ chức vào năm 2017 để thực hiện nghĩa vụ hoàng gia toàn thời gian. Giờ đây, chứng kiến quê hương lâm vào cuộc chiến quyết liệt với virus, vị hoàng tử 37 tuổi đã bày tỏ mong muốn được ra sức nơi tiền tuyến.
Thế nhưng, thân phận hoàng gia có thể ngăn cản William thực hiện nguyện vọng ấy, bởi anh là một trong số ít các thành viên hoàng tộc vẫn đang làm nhiệm vụ trong lúc cả nước phong tỏa chống COVID-19. “William đã nghiêm túc cân nhắc đến việc làm phi công cứu thương để hỗ trợ mọi người”, nguồn tin cho biết. “Hoàng tử biết cả nước đang nỗ lực chống đỡ trước đại dịch, anh ấy muốn góp sức. Nhưng đó không phải là vấn đề đơn giản, vì trước kia William từng phải từ bỏ công việc phi công để tiếp nhận nhiệm vụ của thành viên hoàng gia cấp cao”.
Sau khi Thái tử Charles cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, trọng trách mà Hoàng tử William gánh trên vai còn nặng nề hơn khi trước. Lúc này, cả Thái tử Charles, bà Camilla, Nữ hoàng và Hoàng tế Philip đều tự cách ly xã hội, còn Meghan và Hoàng tử Harry lại bắt đầu cuộc sống mới ở Canada sau khi từ bỏ nhiệm vụ hoàng gia.
Trong chuyến thăm một trung tâm nhận cuộc gọi cấp cứu 111 của Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) hồi đầu tháng, Công tước xứ Cambridge đã bày tỏ nguyện vọng quay lại tuyến đầu. Cũng trong thời gian đó, anh trở thành người bảo trợ của Tổ chức từ thiện cứu thương hàng không London. Garrett Emmerson, Giám đốc điều hành của Lực lượng cứu hộ London, chia sẻ: “Như Hoàng tử William đã biết, chúng tôi có đội ngũ cứu thương hàng không tại London. Chúng tôi luôn sẵn sàng chào đón anh ấy bất cứ lúc nào”.
Áp lực đè nặng trên vai NHS ngày càng gia tăng khi chính phủ Anh cảnh báo thời điểm cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến đang đến gần. Khoảng 20.000 cựu nhân viên của Dịch vụ y tế quốc gia đã quay lại cương vị công tác để đáp ứng nhu cầu về nhân lực trong đại dịch. Ngoài ra, có khoảng 250.000 tình nguyện viên cũng ra sức vì cộng đồng.
Dưới bàn tay của các nhân viên NHS cùng quân đội Anh, ExCel London, một trung tâm triển lãm và hội nghị khổng lồ ở phía đông thủ đô, cũng chuyển thành bệnh viện dã chiến. Trước mắt, đã có 500 giường bệnh được trang bị máy thở, chuyên điều trị cho các ca bệnh nghiêm trọng. Trên trang web của lực lượng quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cho biết các kỹ sư trong quân đội đã cùng chung tay với nhân viên NHS để dựng nên bệnh viện tạm thời này. “Lực lượng vũ trang đã tiến hành phân phối thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) nhằm đáp ứng nhu cầu đang ngày càng gia tăng. Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi sẵn sàng dốc toàn lực hỗ trợ”, ông nói.
Tính đến ngày 31/3, Anh đã ghi nhận 22.141 ca nhiễm bệnh và 1.408 trường hợp tử vong vì COVID-19.