Trong một báo cáo ngày 2/4, CDC Hoa Kỳ đã nghiên cứu gần 4.000 nhân viên y tế và những nhân viên tuyến đầu khác được tiêm chủng trong vòng13 tuần. Kết quả cho thấy 2 loại vaccine trên có thể ngăn ngừa 80% trường hợp mắc bệnh sau liều đầu tiên và 90% sau liều thứ hai.
"Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy khả năng lây truyền virus sau khi tiêm vaccine là rất thấp", trích lời Tiến sĩ Susan Bailey, nhà dị ứng học và miễn dịch học, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, nói với Healthline.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho vaccine Pfizer chứng minh rằng khả năng miễn dịch mạnh vẫn tồn tại trong ít nhất 6 tháng đối với những người được tiêm chủng. Đồng thời, vaccine này cũng có hiệu quả 100% đối với một trong những biến thể Covid-19 phổ biến nhất, tức B.1.351 ở Nam Phi.
Một nghiên cứu trên 12.000 người được tiêm chủng cũng cho thấy "không có mối lo ngại nghiêm trọng về mặt an toàn". "Trong vòng 6 tháng, khả năng miễn dịch vẫn rất mạnh. Chúng tôi dự đoán rằng nó sẽ tiếp tục duy trì", Bailey nói. "Nhưng chắc chắn hiệu quả sẽ kéo dài lâu hơn thế".
Một số loại vaccine như sởi, quai bị và rubella thường có hiệu quả miễn dịch suốt đời, nhưng vaccine cúm lại cần phải tiêm một mũi mới hàng năm. "Chúng tôi không biết vaccine Covid-19 thuộc nhóm nào", bà nói. "Nhưng tôi đoán rằng chúng ta cần phải tiếp tục tiêm vaccine trong tương lai, không phải vì hiệu quả của mũi cũ đã hết, mà là vì có biến chủng mới xuất hiện".
Song, vaccine không giúp loại bỏ hoàn toàn nguy cơ nhiễm bệnh. Gần đây, bang Washington đã ghi nhận 100 trường hợp mắc Covid-19 sau khi tiêm chủng. Tuy số ca bệnh chiếm tỷ lệ rất ít, nhưng không thể phủ nhận rằng ý thức tự bảo vệ bản thân vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn Covid-19.