Cách đây không lâu, trang Humans of New York đã đăng tải một thông điệp ngắn dí dỏm như sau: “I got a message from God the other day about how to solve the world’s problems. We’ve got to send all the world leaders to play on one of Trump’s golf courses. Then while they’re gone, we replace them with grandmas. Because nobody ever got invaded by a grandma”.
(Tạm dịch: “Ngày hôm kia, tôi vừa nhận được lời nhắn từ Đức Chúa Trời về cách giải quyết những vấn đề hiện nay của thế giới. Chúng ta phải cử tất cả các nguyên thủ quốc gia trên thế giới tham dự giải thi đấu gôn của Trump (tỷ phú Donald J. Trump - PV). Và trong lúc họ đang đi vắng, chúng ta sẽ thay thế các bà ngoại vào vị trí của họ. Bởi vì một bà ngoại sẽ không bao giờ làm tổn hại đến bất kỳ ai.”)
So với những câu chuyện khác mà Humans of New York từng chia sẻ trước đây thì câu chuyện lần này không thực sự đặc biệt hay cảm động bằng. Tuy nhiên, tính châm biếm thời sự đã giúp đề tài này ngay lập tức thu hút sự quan tâm và tranh luận sôi nổi từ đông đảo cư dân mạng trên toàn thế giới. Hiện nay, bài chia sẻ của Humans of New York đã đón nhận gần 700.000 lượt thích, 120.000 lượt chia sẻ và 14.000 bình luận.
Hầu hết các bình luận trong số đó đều bày tỏ ý kiến đồng tình với quan điểm để các bà ngoại lên nắm quyền thống trị thế giới. Bởi người bà trong nếp nghĩ của chúng ta bấy lâu nay luôn là một hình mẫu của sự yêu thương, bao dung, che chở và chăm sóc. Và vì thế, khi những người bà lên nắm quyền thế giới, họ sẽ xem dân như con cháu trong nhà, không bao giờ để dân phải sống trong chiến tranh, loạn lạc, hận thù, đói nghèo…
Một Facebooker tên Dian Yustisiana còn thể hiện sự đồng tình một cách hóm hỉnh khi kể lại kỷ niệm khó quên giữa cô với bà ngoại của mình: “Bà ngoại tôi thực sự là một người phụ nữ tuyệt vời. Bà đã cứu sống tôi. Lúc lên 5 tuổi, tôi từng mắc kẹt một đồng xu lớn ở cổ họng khi đang chơi với nó. Trong tích tắc, bà đã lao ngay về phía tôi và với phản xạ không thua kém gì một võ sư karate nhà nghề, bà dùng tay chặt liên tục vào gáy tôi. Cuối cùng đồng xu cũng văng ra ngoài và tôi có thể thở lại được. Cho nên tất nhiên tôi sẽ bầu cho các bà ngoại”.
Trong gần 14.000 bình luận vừa kể trên, không ít người đã không quên nhắc đến một “bà ngoại quyền lực” bằng xương bằng thịt. Đó chính là bà Hillary Clinton, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ dưới thời tổng thống Bill Clinton, cựu ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thổng Barack Obama và ứng viên tổng thống Mỹ năm 2016.
Không có gì ngạc nhiên khi cái tên Hillary Clinton được nhắc đến trong “diễn đàn tranh luận” đặc biệt nêu trên của cộng đồng mạng thế giới. Bởi hơn ai hết, bà Clinton là người hội đủ điều kiện và nhiều khả năng sẽ trở thành một hình mẫu “bà ngoại thống trị thế giới” lý tưởng trên thực tế ở thời điểm hiện tại.
Trong một hội nghị quốc gia dành riêng cho các nữ doanh nhân tổ chức tại bang South Florida vào năm ngoái, bà Clinton cho biết sự ra đời của cháu gái Charlotte đã giúp bà có thêm nhiệt huyết trong các hoạt động đấu tranh vì quyền lợi phụ nữ và bình đẳng giới trên toàn cầu.
Bà Clinton cũng là người đã đứng lên tiếng đề nghị chính phủ Mỹ loại bỏ cái gọi là “hình phạt với bổn phận làm mẹ” để cho phép các bà mẹ mới sinh con được nghỉ mà vẫn hưởng lương bình thường. Cựu ngoại trưởng Mỹ cũng thường xuyên nhắc đi nhắc lại đề tài nữ quyền và bình đẳng giới trong các chuyến vận động tranh cử cho các đại diện của đảng Dân chủ thời gian qua.
Vào tháng 4 vừa qua, bà Clinton đã chính thức tuyên bố quyết định tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 của mình. Thay vì tổ chức họp báo hoành tráng như các ứng viên, bà chỉ khiêm tốn thông báo qua một đoạn video ngắn hơn 2 phút với tựa đề Getting started (Khởi đầu) nhằm tạo cảm giác gần gũi, ấm áp nhất có thể với người dân.
Trong đoạn video này, bà Clinton chỉ xuất hiện ở 30 giây cuối để truyền tải thông điệp chính - mong muốn giúp đỡ người dân Mỹ, đặc biệt là tầng lớp trung lưu và bình dân đồng thời rút ngắn khoảng cách thu nhập trong xã hội. Thời lượng còn lại là dành cho những người dân bình thường chia sẻ về kế hoạch tương lai của họ. Trong số này có một cặp đồng tính đang chuẩn bị làm đám cưới, hai người chuẩn bị làm cha mẹ, một phụ nữ sắp nghỉ hưu và hai anh em nói tiếng Tây Ban Nha muốn thành lập công ty.
Gần đây nhất, vào tháng 6, bà Clinton đã có bài diễn văn tranh cử đầu tiên tại New York. Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ đã tiếp tục cam kết với cử tri sẽ nỗ lực vì một xã hội công bằng hơn dành cho người dân, đấu tranh vì bất công giàu nghèo, nữ quyền và hôn nhân đồng tính… nếu trúng cử tổng thống trong năm sau.
Sự thể hiện của bà Clinton trong cuộc sống đời thường và trên chính trường trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trên đường đua tranh cử cho vị trí tổng thống Mỹ 2016 đã thuyết phục không chỉ người dân Mỹ mà còn người dân trên toàn thế giới tin tưởng rằng bà hoàn toàn xứng đáng để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, đất nước hùng mạnh nhất hành tinh. Và nếu điều đó trở thành hiện thực thì bà Hillary Clinton chính xác là hình mẫu “bà ngoại cầm quyền thế giới” mà mọi người đang mong đợi.
Nếu bà Hillary Clinton thất bại trong cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống Mỹ vào năm sau thì người dân thế giới vẫn còn một “bà ngoại quyền lực” khác để gửi gắm kỳ vọng. Trong danh sách 100 Phụ nữ quyền lực nhất thế giới 2015 do tạp chí Forbes bình chọn, nếu bà Hillary Clinton chỉ xếp ở vị trí thứ 2 thì vị trí dẫn đầu thuộc về thủ tướng Đức Angela Merkel. Đây là lần thứ 5 liên tiếp bà Merkel đứng đầu danh sách này.
Nhận xét về người phụ nữ quyền lực nhất thế giới 5 năm qua, ông Moira Forbes - phó giám đốc điều hành Forbes Media cho biết: “Số phận của khu vực đồng tiền chung châu Âu được đặt lên vai bà Merkel. Những gì bà đang làm ở châu Âu có ảnh hưởng đến tất cả chúng ta”.
Với sự lèo lái của bà Merkel, nước Đức đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới và lớn nhất châu Âu. Không chỉ có sức ảnh hưởng và quyết định đối với nền kinh tế châu Âu và thế giới, bà Merkel bằng các chính sách điều hành đất nước mềm mỏng, linh hoạt và nhân văn trong suốt thời gian cầm quyền đã góp phần xóa bỏ ấn tượng của thế giới về một nước Đức độc tài, bảo thủ và ít rộng lượng trước đây.
Đặc biệt là sau khi thủ tướng Đức đã đi tiên phong trong chính sách mở cửa chào đón làn sóng người nhập cư sang châu Âu tị nạn. Tính đến nay, nước Đức đã chào đón khoảng 450.000 người nhập cư từ Syria, Iraq và các khu vực khác sang tị nạn. Con số này ước tính sẽ tiếp tục lên đến 800.000 người trong năm nay, gấp 4 lần so với năm 2014 và nhiều hơn tất các các nước châu Âu khác cộng lại.
Người tị nạn đến Đức được chính phủ bố trí ở trong những ngôi trường cũ, các tòa nhà văn phòng và thậm chí cả trong các trại lính và được cung cấp đầy đủ lương thực, quần áo, thuốc men… Ước tính chính phủ Đức sẽ chi thêm 6 tỷ EUR (6,7 tỷ USD) để hỗ trợ dòng người tị nạn kỷ lục trong năm nay và 10 tỷ EUR (11 tỷ USD) vào năm tới.
Chính sách của bà Merkel được đánh giá là đúng với ý nguyện của đại đa số người dân trong nước. Theo một thăm dò gần đây, 91% người dân Đức đều cảm thấy hài lòng với chất lượng cuộc sống của họ. Do đó, không khó để lý giải vì sao người dân đất nước này rất sẵn lòng san sẻ môi trường sống của họ với những người tị nạn đáng thương.
Không chỉ hợp lòng dân, chính sách nhân văn của bà Merkel cũng đón nhận không ít lời khen ngợi của truyền thông thế giới. Tờ Le Figaro của Pháp đã ca ngợi thủ tướng Đức là “niềm tự hào của châu Âu” và dự đoán bà sẽ đoạt giải Nobel hòa bình. Có thể thấy chính sách cởi mở với người nhập cư đã giúp bà Merkel nâng cao vị thế và niềm tin của người dân Đức nói riêng và cả thế giới nói chung.
Khi bà Merkel đến thăm một trung tâm dành cho người tị nạn ở Berlin vào ngày 10/9, đám đông người Syria đã không ngừng reo hò chào đón bà. Họ vây quanh và tranh nhau chụp ảnh selfie cùng bà. Trong mắt những người tị nạn, bà Merkel giống như một người bà, người mẹ đã tái sinh họ và cho họ một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên cũng có ý kiến lề trái cho rằng lý do chính khiến bà Merkel hân hoan chào đón dân nhập cư là vì dân số nước Đức đang có xu hướng già đi, kéo theo hệ lụy thiếu nhân công trong các lĩnh vực sản xuất. Lực lượng người tị nạn kỷ lục sẽ bổ sung cho sự thiếu hụt nhân công của nước Đức. Bản thân bà Merkel cũng từng phát biểu rằng bà tin tưởng dòng người tị nạn cao kỷ lục tràn vào nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ góp phần chung tay phát triển đất nước này. Nhưng suy cho cùng, dù việc mở cửa đón người tị nạn là một sự toan tính của bà Merkel thì quyết định ấy vẫn vừa hợp tình vừa hợp lý và có lợi cho cả người tị nạn lẫn người dân đất nước bà.
Trước khi có chính sách đón người tị nạn gây tiếng vang, “bà ngoại quyền lực” của châu Âu - Angela Merkel còn được người dân thế giới dành nhiều tình cảm yêu mến với hình ảnh gần gũi, bình dị. Điển hình nhất là việc bà Merkel đã nhiều lần xuất hiện trên khán đài để cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Đức trong các giải thi đấu lớn.
Qua những gì mà “bà ngoại quyền lực” số một và số hai thế giới đã và đang làm được cho đất nước của họ cũng như tác động đến toàn thế giới, cộng thêm một chút liên tưởng từ hình mẫu thực tế của các bà ngoại trong gia đình, chúng ta hoàn toàn có thể lý giải vì sao cư dân mạng lại nồng nhiệt hưởng ứng kế hoạch để các bà ngoại thống trị thế giới mà Humans of New York đã gợi mở.
Bà Angela Merkel vẫn đang tại vị và rất được lòng người dân Đức. Còn bà Hillary Clinton được đánh giá là ứng viên nặng ký nhất cho chiếc ghế tổng thống Mỹ 2016. Hy vọng sắp tới thế giới sẽ được chứng kiến thêm nhiều “bà ngoại quyền lực” khác lên cầm quyền tại các quốc gia. Và tại sao chúng ta lại không mơ mộng về việc một ngày nào đó tỷ phú Donald J. Trump sẽ tổ chức giải thi đấu gôn cho tất cả các nguyên thủ quốc gia trên thế giới?