Tuy nhiên, những năm gần đây, đảo quốc sư tử đang phải đối mặt với số lượng người vô gia cư ngày càng tăng.
Ngủ bụi từ 1-5 năm
Khi nghe đến cụm từ “người vô gia cư”, đa số mọi người đều nghĩ nhanh đến hình ảnh về những người lười biếng và thất nghiệp, nguyên nhân chính khiến họ phải ngủ lang thang trên đường phố.
Ngược lại với định kiến đó, một cuộc khảo sát của Tổ chức phúc lợi Montfore Care cùng các tình nguyện viên năm 2017 cho thấy 2/3 trong số 180 người ngủ trên đường được phỏng vấn đều có công việc. 1/4 trong số họ đã kết hôn.
Theo một nghiên cứu về người vô gia cư được tiến sĩ Ng Kok Hoe - trợ lý giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, công bố gần đây, mỗi đêm có từ 921-1.050 người ngủ bụi tại khu vực công cộng ở Singapore.
Hầu hết những người này là đàn ông lớn tuổi, không có tiền mua nhà, muốn ở gần nơi làm việc hoặc có xung đột với gia đình.
Nghiên cứu này được phát triển dựa trên những báo cáo sẵn có về người vô gia cư năm 2017 của Montfore Care, với sự giúp đỡ của gần 500 tình nguyện viên được chính phủ huy động.
Trong số những người tiếp nhận phỏng vấn, chỉ có dưới 4 trên 10 người có nhà ở được đăng ký tên, một số khác cho biết họ có thể ở cùng gia đình, bạn bè hoặc tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, họ vẫn chọn ngủ bên ngoài vì những lý do ít người nghĩ đến như mâu thuẫn gia đình, không muốn làm phiền bạn bè hay gặp xung đột với người cùng thuê nhà hoặc đơn giản là chỉ muốn ở gần nơi làm việc.
Chia sẻ với tờ Straits Time, Au - người dọn dẹp bán thời gian cho một chung cư với mức lương 1.200 đôla Sing/tháng - cho biết anh có căn hộ riêng nhưng lại quá xa nơi làm việc nên anh chọn ngủ bụi.
“Tôi không muốn sống ở đó, nó xa quá và tôi cần phải đi làm vào sáng sớm mà tàu điện ngầm lại không chạy trước khi bình minh” - Au nói.
Khoảng một nửa số người được phỏng vấn cho biết họ đã ngủ bụi từ 1-5 năm, 1/3 số người đã quen với việc này được 6 năm và số còn lại chỉ mới vài tháng. Hơn một nửa cho biết họ cũng hay bị lấy cắp đồ đạc hoặc bị đuổi đi nơi khác. Họ chỉ ăn hai bữa trong ngày và đôi khi chỉ ăn cơm trắng.
Rủi ro sống lang thang
Harry Tan - nhà xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore, người từng làm luận án về tình trạng vô gia cư ở Singapore - cho biết nhiều người chọn ngủ ngoài đường vì thường phải đối mặt với việc mất tự do và kiểm soát khi ở nhà phúc lợi.
“Khi một người được nhận vào ở, rất khó để họ ra khỏi nhà trừ khi vì mục đích công việc. Với những người không làm việc, họ phải xin phép để được ra khỏi nhà vào ban ngày” - Tan nói.
Tuy nhiên, Tan cũng cảnh báo về những nguy hiểm khi ngủ bụi. “Mới hôm kia, một trong số những người vô gia cư chỉ cho tôi vết khoét to bên dưới túi xách của anh ta và nói rằng đồ đạc của anh ta bị mất cắp. Ngoài ra, một phụ nữ đã thức dậy với cảm giác nóng rát trên ngực khi ai đó cố đốt áo của cô. Cô cho rằng mình đang bị quấy rối bởi người nào đó” - Harry Tan cho biết.
Tiến sĩ Ng Kok Hoe đề nghị nới lỏng các quy tắc chương trình cho thuê nhà công cộng ở Singapore, nhằm giúp người vô gia cư có thể đủ điều kiện tìm nhà ở và đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản về quyền riêng tư của người dân nghèo.
Năm ngoái, các căn hộ cho thuê ở Singapore chiếm chưa tới 6% số căn hộ công cộng của nước này, mặc dù đảo quốc sư tử sở hữu hơn 1 triệu căn hộ công cộng. Ngoài ra, các tiêu chí để đủ điều kiện nhận trợ cấp mua nhà rất nghiêm ngặt. Ứng viên kê khai giấy tờ cùng gia đình hoặc một người nào đó để đảm bảo được hỗ trợ mua căn hộ.
Nhiều người độc thân cho thấy việc chia sẻ căn hộ với người lạ là rất phiền phức và hay nảy sinh cãi vã, khiến nhiều người phải ngủ ở nơi công cộng. Theo SCMP, vấn đề này đã được chính phủ thừa nhận. Tiền lương thấp và công việc không an toàn cũng cần được giải quyết cho người dân.
Brian Monteiro, tình nguyện viên và quản lý chương trình tại Công ty Dịch vụ phúc lợi Công giáo Singapore, đã mở một văn phòng để những người vô gia cư có nơi tắm rửa và sử dụng máy tính. “Tôi hi vọng tất cả người vô gia cư đều xứng đáng có được sự tôn trọng như bao dân khác” - Monteiro nói.
Vấn đề phức tạp
Một người phát ngôn của Bộ Phát triển xã hội và gia đình Singapore cho biết vô gia cư là một vấn đề phức tạp thường có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn.
Trong hai năm qua, bộ đã hợp tác với các nhóm hoạt động xã hội và cơ quan chính phủ để tiếp cận với người vô gia cư. Từ đó, giới thiệu họ đến các trung tâm tạm trú hay trung tâm dịch vụ xã hội và gia đình để giải quyết vấn đề của họ.