Nanjikana Livae Nanjikana và Junior Qoloni đang đi du lịch giữa các hòn đảo ở Biển Solomon nổi tiếng thì chiếc thuyền dài 7 mét của họ gặp phải thời tiết khắc nghiệt vào ngày 3/9.
"Chúng tôi đã mất dấu đất liền trong mưa lớn, mây đen dày đặc và gió mạnh", AFP dẫn lời Nanjikana kể lại.
Định vị GPS của họ bị hỏng và màn đêm sắp buông xuống. Hai người đã tắt chiếc thuyền máy để tiết kiệm nhiên liệu.
Nanjikana và Junior đã trải qua đêm đầu tiên bị gió và mưa vùi dập khiến con thuyền trôi dạt xa hơn. Trong 9 ngày đầu tiên, họ sống nhờ những quả cam đã chuẩn bị cho chuyến đi.
Khi thực phẩm cạn kiệt, họ sống sót nhờ nước mưa, dừa "và niềm tin vào Chúa vì chúng tôi cầu nguyện cả ngày lẫn đêm".
Gom nước mưa vào một chiếc túi vải, hai người đàn ông nổ máy thuyền bất cứ khi nào họ bắt gặp một quả dừa nổi và đua nhau nhặt nó.
Sau nhiều ngày, họ nghĩ ra cách tạo một dụng cụ giống như cột buồm bằng cách sử dụng mái chèo và vải bạt và ra khơi theo hướng gió.
Cánh buồm đưa họ đến hòn đảo New Britain ở Papua New Guinea, nơi họ nhìn thấy một ngư dân ở đằng xa. Khởi động động cơ để tới chỗ ngư dân kia thì chiếc thuyền hết nhiên liệu.
"Chúng tôi hét lên và liên tục vẫy tay với người đánh cá để anh ta nhìn thấy chúng tôi và chèo thuyền về phía chúng tôi", Nanjikana nói. Khi anh ta gần chỗ hai người, họ mới biết mình đã trôi 400 km, tới bờ biển New Britain, Papua New Guinea.
Dù lênh đênh gần một tháng nhưng Nanjikana vẫn cho rằng chuyến đi lạc này có nhiều điểm tích cực, trong đó khiến anh không còn bận tâm về tình hình dịch Covid-19.
"Tôi không biết điều gì đã diễn ra khi trôi trên biển. Tôi không nghe được tin tức gì về Covid-19 hay những thứ khác. Tôi cũng muốn về nhà nhưng tôi nghĩ đây là một khoảng thời gian nghỉ ngơi khá tuyệt sau mọi thứ", Guardian dẫn lời Nanjikana giải thích.
Hiện đại diện chính quyền Solomon đang làm việc để hỗ trợ 2 người đàn ông có thể hồi hương.