Bà Kim Phúc là người nổi tiếng trong bức ảnh chụp một bé gái Việt Nam với gương mặt hoảng loạn đang bỏ chạy trong tình trạng hoàn toàn trần truồng, sau khi máy bay của quân đội Việt Nam Cộng hòa thả bom Napalm xuống Trảng Bàng, Tây Ninh trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam. Bà vừa nhận giải thưởng Dresden Hòa bình của Đức trị giá 10.000 euro (hơn 11.000 USD) vì những cống hiến cho các hoạt động vì hòa bình, theo Guardian.
Những người tổ chức của giải Dresden vinh danh bà Kim Phúc, 55 tuổi, vì những cống hiến cho tổ chức UNESCO, giúp đỡ trẻ em bị thương trong chiến tranh và đấu tranh chống lại bạo lực và thù ghét.
Dresden Hòa bình là giải thưởng được tổ chức hàng năm từ năm 2010 đến nay. Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev từng nhận giải này.
“Em bé Napalm” là bức ảnh do phóng viên ảnh Nick Út chụp vào ngày 8/6/1972 khi ông đang làm việc cho hãng thông tấn AP của Mỹ. Cô bé Phan Thị Kim Phúc, lúc đó 9 tuổi, bị bỏng nặng và cháy hết quần áo, cùng một số trẻ em Việt Nam vừa khóc vừa chạy trên đường. Bức ảnh được trao giải báo chí Pulitzer danh giá vào năm 1973.
Phóng viên Nick Út, khi đó 21 tuổi, đưa cô bé Kim Phúc đến bệnh viện. “Tôi khóc khi nhìn thấy cô bé chạy trên đường”, ông Út nói năm 2012. “Nếu tôi không giúp cô bé và nếu có chuyện gì xảy ra và cô bé chết, tôi nghĩ tôi sẽ tự sát sau đó”.
“Tôi không biết mình đang ở đâu và chuyện gì đã xảy ra”, bà Kim Phúc, hiện đang sống ở Canada, nhớ lại. “Tôi tỉnh dậy trong bệnh viện và cảm thấy vô cùng đau đớn. Ý tá đứng xung quanh tôi. Tôi thức dậy với nỗi sợ hãi tột cùng”.
Cô bé Kim Phúc bị bỏng độ 30% cơ thể ở mức độ ba, và đến năm 2015, mới bắt đầu chữa trị các vết sẹo do bỏng để lại.