Mật vụ Mỹ: Công việc khó khăn nhất thế giới
Ông Dan Emmett từng là nhân viên mật vụ bảo vệ cho 3 đời tổng thống Mỹ là George H. W. Bush, Bill Clinton và George W. Bush. Dù hiện tại không không còn đứng trong đội ngũ áo đen, những kỷ niệm về công việc bảo vệ yếu nhân khiến ông khó lòng quên được.
“Bạn phải quên đi cảm giác buồn ngủ suốt 24 giờ, bỏ cả bữa trưa và bữa tối, đứng bên ngoài lúc trời mưa lúc 3 giờ sáng và đứng liên tục ở đó trong suốt nhiều giờ đồng hồ. Sau đó, đón một chiếc taxi chạy thẳng đến sân bay và lên máy bay bay đến một thành phố lớn chỉ 4 giờ sau đó”, Emmett chia sẻ.
“Lịch trình làm việc này sẽ được lặp đi lặp lại trong nhiều ngày liên tiếp. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải gạt bỏ ý định dự tiệc sinh nhật hay lễ tốt nghiệp của con cái, thậm chí bỏ qua cả ngày lễ và kỷ niệm ngày cưới“.
Mật vụ Mỹ phải làm việc liên tục kết hợp với việc phải di chuyển nhiều nơi.
Thông thường, các nhân viên mật vụ được chia theo ca làm việc, trong đó có 2 tuần làm buổi sáng, 2 tuần làm buổi chiều và 2 tuần làm buổi tối. Sau khi kết thúc chu kỳ 6 tuần, họ tiếp tục trải qua một khóa huấn luyện bổ sung kéo dài 2 tuần rồi lại bắt đầu một chu kỳ làm việc mới.
Thay đổi ca làm việc liên tục, lại di chuyển nhiều và liên tiếp giữa các quốc gia cùng chênh lệch múi giờ liên tục là điều không hề dễ dàng với bất cứ ai.
Mật vụ Mỹ đứng canh gác ở sân bay khi tổng thống Trump và phu nhân lên máy bay.
Ngoài những nhiệm vụ thường ngày, nhân viên mật vụ Mỹ cũng phải thường xuyên đối phó với những tình huống bất ngờ. Dù trong bất cứ nhiệm vụ nào, họ luôn phải bám sát tổng thống, bởi bảo vệ ông chủ Nhà Trắng là ưu tiên hàng đầu của Cơ quan Mật vụ.
Đội mật vụ Mỹ được đào tạo như thế nào?
Ngoài Mật vụ thông thường (PPD), hay còn gọi là đội ngũ cận vệ thuộc Đơn vị Bảo vệ Tổng thống, Cơ quan Mật vụ Mỹ còn có đội “siêu mật vụ”, được trang bị các loại vũ khí khủng và sẵn sàng đánh bại bất cứ mối đe doạ nào. Họ được gọi là Đội Chống Tấn công (CAT), đóng vai trò quan trọng trong đội hình bảo vệ tổng thống.
Trong khi mật vụ thông thường chỉ mặc vest và mang súng ngắn, CAT thường mặc trang phục tác chiến màu đen, mang theo trang bị hầm hố như súng trường cỡ lớn hoặc ba lô quân dụng. Trong đoàn xe hộ tống, CAT đi theo sau chiếc “Quái thú” chở tổng thống.
Đội siêu mật vụ CAT.
Điều kiện cần để trở thành mật vụ Mỹ là công dân trong độ tuổi 21-37, thị lực tối thiểu đạt 3/10, có bằng chuyên môn hoặc 3 năm kinh nghiệm hành pháp. Sau quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt, các ứng viên đủ điều kiện sẽ trải qua một tuần chuẩn bị và 6 tuần huấn luyện gắt gao. Nhiều người không thể chịu nổi và bỏ cuộc dù đã có kinh nghiệm trước đó.
Các mật vụ Mỹ phải thường xuyên đối phó với những tình huống bất ngờ.
Qua các vòng thử thách, yêu cầu đặt ra với ứng viên là “nhanh”, như chạy 2,4 km trong vòng 9 phút và “khỏe”, như chống đẩy với bộ áo giáp nặng hơn 20 kg trên người. Bên cạnh yếu tố thể lực, các đặc vụ CAT còn phải là người có thần kinh thép và có kỹ năng sử dụng các loại vũ khí hạng nặng thuần thục.
Họ sẽ trải qua những bài kiểm tra về sự căng thẳng để thử thách ý chí. Chẳng hạn, các ứng viên phải chạy hết tốc lực trong 400m rồi nhặt một khẩu súng và bắn trúng mục tiêu, hoặc xoay quả tạ nặng hơn 22kg vài chục lần rồi mới cầm súng ngắm bắn.
Sau thời gian thử thách khắc nghiệt, chỉ có khoảng 10% trong số ứng cử viên vượt qua.
Mức lương khủng của mật vụ Mỹ
Trong đội mật vụ Mỹ chỉ có 10% là nữ giới và tỷ lệ nữ giới lọt vào đội CAT là rất hiếm hoi. Với câ việc đầy gian khó, vất vả và nguy hiểm, mức lương dành cho mật vụ Mỹ khá hậu hĩnh. Tùy theo kinh nghiệm, trình độ và nhiều yếu tố khác, mức lương khởi điểm của mỗi mật vụ khoảng 43.000 USD tới 73.000 USD mỗi năm (tính từ năm 2010).
Tuy nhiên, rất ít ai làm công việc này vì tiền.
Một buổi diễn tập của đội mật vụ Mỹ.