Khi vaccine Covid-19 được phân phối ở Trung Quốc vào đầu năm nay, nhiều người hy vọng rằng đó sẽ là lối thoát cho đại dịch.
Một khi số người được tiêm chủng đạt được đến ngưỡng nhất định, đủ để xây dựng hàng rào chống virus, đại dịch sẽ bị khống chế và quốc gia sẽ tự do mở cửa trở lại một cách an toàn. Đó là những gì được hy vọng.
Thế nhưng, cho đến nay, mặc dù đã có tới 76% dân số Trung Quốc được tiêm chủng đầy đủ, khả năng miễn dịch cộng đồng cùng với hy vọng nới lỏng các biện pháp chống dịch và mở cửa biên giới vẫn nằm ngoài tầm với.
Sau khi virus SARS-CoV-2 đột biến tạo ra biến chủng dễ lây lan, Trung Quốc đã mở rộng tiêm vaccine cho nhóm tuổi trẻ hơn, đồng thời cung cấp mũi tiêm thứ ba sau 6 tháng để củng cố hệ miễn dịch dần suy yếu.
Các biện pháp y tế công cộng như cách ly nghiêm ngặt, xét nghiệm và truy vết nhanh chóng vẫn đang được thực hiện ngay khi có dấu hiệu về đợt bùng phát dịch mới tại địa phương, theo South China Morning Post.
Khó đạt được miễn dịch cộng đồng khi chưa tiêm cho trẻ em
Trung Quốc chưa chính thức đưa ra mục tiêu tiêm chủng để xây dựng khả năng miễn dịch cộng đồng, mặc dù một số chuyên gia chính phủ nói rằng 80-85% dân số cần được tiêm chủng đầy đủ để đạt được điều này.
Dù vậy, theo tiến sĩ Jeff Kwong, nhà dịch tễ học tại Đại học Toronto, với tính chất dễ lây lan của biến chủng Delta, khó có thể đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng với các loại vaccine hiện có. “Những người đã tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm và mục tiêu hầu hết hiện nay là chỉ bị mắc bệnh nhẹ, tránh trở thành gánh nặng cho dịch vụ y tế”.
Khả năng miễn dịch cộng đồng trước bệnh truyền nhiễm có thể đạt được khi có đủ số lượng người đã phát triển khả năng miễn dịch thông qua tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh trước đó. Và ngưỡng đó đối với chủng virus SARS-COV-2 ban đầu được ước tính là khoảng 70%.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các biến chủng như Delta đã làm thay đổi công thức này.
Biến chủng Delta có thể lây nhiễm cho nhiều người hơn so với chủng ban đầu. Trong khi một người bị nhiễm chủng ban đầu có thể lây lan cho ba người khác, đối với Delta, con số này lên đến ít nhất 6. Điều này có nghĩa là nhiều người hơn cần phải được chủng ngừa, nâng cao ngưỡng miễn dịch cộng đồng.
Ashley St John, Phó giáo sư tại Trường Y Duke-NUS, cho biết chương trình tiêm chủng có thể làm chậm sự lây lan của dịch bệnh, hạn chế các ca mắc mới. Nhưng trên thực tế, khó có thể đạt được tỷ lệ tiêm phòng đủ cao để tạo miễn dịch cộng đồng.
“Có vẻ như tỷ lệ tiêm chủng trên 85-90% mới giúp đến gần hơn với kỳ vọng giảm đáng kể sự lây nhiễm. Điều này khó đạt được ở một số nơi khi vẫn có những trở ngại như không tin vào vaccine", ông cho biết.
Việc đạt được miễn dịch cộng đồng sẽ phụ thuộc vào toàn bộ đối tượng có nguy cơ được tiêm chủng hay không. Trong số đó bao gồm trẻ em, nhóm có thể mắc bệnh ít nghiêm trọng hơn, nhưng vẫn lây nhiễm.
Dù vậy, tại nhiều nơi, trẻ em vẫn chưa nằm trong danh sách đủ điều kiện để tiêm vaccine.
“Trẻ em dưới 12 tuổi chưa được đưa vào chương trình vaccine ở hầu hết quốc gia và việc tiêm chủng ở thanh thiếu niên còn nhiều thay đổi. Vì vậy, chưa có quốc gia nào đạt được ngưỡng miễn dịch có thể làm giảm sự lây lan của virus trong cộng đồng, ngay cả đối với chủng ban đầu, chứ chưa nói đến các chủng dễ truyền nhiễm khác như Delta”, Penelope Ward, Giáo sư thỉnh giảng về y dược tại Đại học King London, cho biết.
Theo bà, ở những nước mà trẻ em dưới 12 tuổi chiếm 15% dân số trở lên, khả năng miễn dịch cộng đồng không thể đạt được cho đến khi nhóm đó được tiêm vaccine hoặc có kháng thể sau khi mắc bệnh.
Tại Trung Quốc, cuộc điều tra quốc gia năm 2020 cho thấy trẻ em dưới 15 tuổi chiếm khoảng 18% dân số. Hiện ít nhất 91% thanh thiếu niên 12-17 tuổi đã được tiêm chủng. Trẻ em 3-11 tuổi cũng đủ điều kiện và đang được tiêm vaccine ở hơn chục tỉnh thành.
Thêm thách thức
Tuy nhiên, sự kết hợp giữa một biến chủng dễ lây lan hơn và khả năng miễn dịch suy giảm đang làm cho mọi thứ trở nên khó khăn.
Kế hoạch tiêm chủng ở Trung Quốc chủ yếu dựa vào hai loại vaccine bất hoạt do Sinopharm và Sinovac phát triển.
Các nghiên cứu thực về tính hiệu quả cho thấy chúng có thể ngăn ngừa bệnh trở nặng và tử vong, nhưng hiệu quả bảo vệ người già bị hạn chế khi lượng kháng thể giảm nhanh chóng.
Vào tháng 9, một hội đồng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo những người trên 60 tuổi được tiêm vaccine Sinovac hoặc Sinopharm nên tiêm mũi thứ ba. Một số quốc gia như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Brazil đã sử dụng vaccine vector hoặc mRNA cho mũi tiêm nhắc lại.
Trung Quốc cũng đã triển khai tiêm mũi thứ 3 cho người già và những người làm việc có nguy cơ cao mắc hoặc lây lan Covid-19.
Tuy nhiên, Wang Huaqing, chuyên gia tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết nước này sẽ cần triển khai các loại vaccine tốt hơn để tránh các chu kỳ tiêm chủng lặp lại.
“Liên tục tiêm để tăng cường miễn dịch không phải là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi”, ông Wang cho biết.
Chiến lược câu giờ
Ngay cả khi không đạt được miễn dịch cộng đồng, Trung Quốc cũng không dự định thay đổi chiến lược trong thời gian tới.
Một số quốc gia từng áp dụng chiến lược “Zero Covid-19” như Trung Quốc đã chọn một hướng đi khác và đặt ra kế hoạch mở cửa biên giới. Vào tháng 10, New Zealand đặt mục tiêu nới lỏng các hạn chế khi 90% dân số trên 12 tuổi đủ điều kiện được tiêm chủng đầy đủ. Australia cũng dần mở lại biên giới của mình sau khi 80% dân số tiêm vaccine.
Nhưng đối với Trung Quốc, không có kế hoạch nào như vậy được đưa ra. Thay vào đó, các quan chức cấp cao như Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chiến lược “ngăn chặn dịch bùng phát từ các ca bệnh nhập cảnh” phải được tuân thủ nghiêm ngặt và biện pháp phòng ngừa không được nới lỏng.
Vào tháng 10, Zheng Zhongwei, quan chức cấp cao tại Ủy ban Y tế Quốc gia, nói rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ chính sách “không khoan nhượng với Covid-19” cho đến khi họ tự tin rằng vaccine có thể ngăn ngừa dịch bùng phát. Đồng thời, nước này sẽ tài trợ cho các nghiên cứu ở nước ngoài để tìm hiểu chính xác mức độ hoạt động của vaccine.
Giáo sư Leo Poon Lit-man tại Trường Y tế Công cộng của Đại học Hong Kong nhận định chính sách không khoan nhượng sẽ không được áp dụng mãi mãi. Tuy nhiên, nó có thể giúp "câu giờ" trong khi Trung Quốc tìm ra cách để chuyển sang giai đoạn tiếp theo của đại dịch.
Một số chuyên gia tin rằng việc xem Covid-19 như bệnh đặc hiệu - có nghĩa là căn bệnh vẫn xuất hiện trong cộng đồng nhưng không gây ảnh hưởng quá mức - vẫn là một thách thức.
“Nếu bạn không kiểm soát virus, nó sẽ lây lan và rất nhiều người sẽ phải nhập viện. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ y tế cho những người này. Vì vậy, có một sự đánh đổi”, ông Poon nói.
“Nó (chiến lược không khoan nhượng) có thể giúp chúng tôi có thêm thời gian để tiêm vaccine cho nhiều người nhất có thể, hoặc tìm ra chiến lược tốt hơn để kiểm soát Covid-19”, ông nói thêm. “Chúng tôi có thể nghĩ ra cách hiệu quả, nhưng sẽ mất một thời gian”.