Những vụ học sinh tử vong do bị bỏ quên trên xe
Mới đây, một bé trai 6 tuổi học trường quốc tế Gateway, cơ sở tại quận Cầu Giấy, tử vong nghi bị bỏ quên trên ô tô đưa đón học sinh suốt 9 tiếng. Dư luận không khỏi xót xa trước cái chết thương tâm của cháu bé và phẫn nộ trước sự tắc trách của nhân viên đưa đón học sinh cũng như giáo viên của trường.
Không chỉ Việt Nam mà tại nhiều nước ở Châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia… đã từng xảy ra những vụ các bé tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường. Chẳng hạn như vào hôm 30/5/2019, một bé trai 4 tuổi thuộc trường mầm non Daomao Golden Cradle ở Vạn Ninh, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã bị bỏ rơi trên xe đưa đón do em ngủ thiếp đi trong xe.
Xe buýt đến trường vào lúc 8h30 sáng và mãi cho tới 13h30 em mới được tìm thấy đã bất tỉnh trong xe. Vào thời điểm đó, nhiệt độ trong thành phố tăng lên đến 33 độ C. Sau 3 ngày nhập viện, bé trai đã qua đời vì sốc nhiệt.
Hay vào hồi tháng 6/2019, một bé trai 6 tuổi người Ấn Độ đã tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe buýt trong vài giờ ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Theo đó, nạn nhân là bé Mohamed Farhan Faisal đến từ bang Kerala, miền nam Ấn Độ và là học sinh tại một trung tâm Hồi giáo ở Al Quoz. Người thân của cậu bé cho biết, Mohamed đã ngủ gật khi lên xe buýt ở Karrama và em bị bỏ quên sau khi tất cả các bạn học khác rời xe lúc 8h sáng.
Sự việc tương tự cũng xảy ra vào tháng 6/2018 tại tỉnh Khon Kaen, Thái Lan. Vào hôm xảy ra vụ việc, bé gái Kabinta Kehphuang (5 tuổi) được một giáo viên tới nhà đón đi học do xe buýt đưa đón của trường bị hỏng. Tuy nhiên, khi tới trường, cô giáo lại quên mất Kabinta đang ở trong xe và khóa xe. Mãi tới tận khi lớp học kết thúc vào lúc 16h30 cùng ngày, cô giáo mới nhớ ra học trò vẫn còn ở trong xe, nhưng bé gái xấu số đã chết vì ngạt thở.
Chuyện gì xảy ra với cơ thể khi bạn bị bỏ lại trong xe hơi nóng?
Tạp chí dịch vụ y tế khẩn cấp (JEMS) cho biết, chỉ trong vòng 10 phút, nhiệt độ trong xe có thể tăng thêm 8 độ C nếu đỗ dưới ánh nắng mặt trời, kể cả khi bật điều hòa trước khi rời xe. Trẻ em thậm chí còn có nguy cơ tử vong cao hơn người lớn do cơ thể của trẻ hấp thụ nhiệt nhanh hơn và gặp khó khăn để làm mát cơ thể. Ngoài ra, khả năng làm mát bằng cách đổ mồ hôi của trẻ cũng không tốt như người lớn, theo Bệnh viện nhi Arkansas, Mỹ.
Nhiều thí nghiệm chỉ ra rằng ngay cả vào một ngày hè mát mẻ, nhiệt độ bên trong xe hơi kín có thể nhanh chóng lên đến 60 độ C. Ngay cả khi bị bỏ lại trong xe hơi kín trong một khoảng thời gian ngắn, đứa trẻ đó cũng có thể bị say nắng do nhiệt độ lúc đó có thể lên tới 40 độ C. Tuy nhiên, các trường hợp tử vong thường là do trẻ bị bỏ rơi trong xe hơi một khoảng thời gian dài.
Theo JEMS, hiện tượng say nắng xảy ra khi cơ thể của bạn đang phải vật lộn với nhiệt độ cực kỳ cao và điều này gây ra rối loạn chức năng thần kinh, buồn nôn, mất phương hướng, mê sảng, co giật. Nhịp tim sẽ tăng lên khi cơ thể tìm cách để hạ nhiệt. Khi tiếp xúc lâu dài với nhiệt độ cao, cơ thể người sẽ từ bỏ việc tản nhiệt và không thể duy trì nhiệt độ cơ thể như bình thường.
Ông Ray Raynald Marchand, thuộc Hội đồng An toàn Canada chia sẻ với tờ Global News: “Tiếp xúc với những điều kiện này có thể khiến một đứa trẻ cảm thấy quá nóng, bị sốc nhiệt và các cơ quan nội tạng sẽ bị thương nghiêm trọng do không thể chống đỡ được nhiệt độ cao trong thời gian dài. Trong khoảng không gian chật hẹp của một chiếc xe ô tô, nhiệt độ có thể tăng nhanh đến mức lấn át khả năng điều chỉnh nhiệt độ bên trong cơ thể của trẻ. Con người, đặc biệt là trẻ em có thể bị sốc nhiệt nhanh chóng và việc lưu thông tới các cơ quan quan trọng có thể không thực hiện được“.
Ngoài ra, hiện tượng mất nước, điện giải bất thường sẽ gây ra các vấn đề về tim và hô hấp như rối loạn nhịp tim và hơi thở gấp gáp nếu ở trong điều kiện nhiệt độ cao kéo dài.
Sự biến đổi của cơ thể trẻ khi bị bỏ trong xe hơi trong từng điều kiện nhiệt độ
Để minh họa mức độ trẻ em dễ bị tổn thương như thế nào khi bị bỏ rơi trong xe hơi kín, Omni Calculator đã phân tích từng trường hợp cụ thể như sau:
Khi trẻ ở trong xe và nhiệt độ ngoài trời là 19°C:
- Trong vòng 60 phút, nhiệt độ cơ thể trẻ sẽ lên tới 38°C. Trẻ bị đổ mồ hôi và khát nước.
- Sau 90 phút, nhiệt độ cơ thể ở mức 39°C. Trẻ ra nhiều mồ hôi, mặt đỏ bừng và tăng nhịp tim, thậm chí trẻ có thể bị động kinh và bắt đầu co giật.
- Sau 150 phút, nhiệt độ cơ thể ở mức 40°C. Lúc này, trẻ sẽ bị ngất xỉu, mất nước, suy nhược, nôn mửa, khó thở đều và điều này sẽ đe dọa tính mạng của trẻ.
Khi trẻ ở trong xe với nhiệt độ ngoài trời là 24°C:
- Trong vòng 40 phút, trẻ sẽ đổ mồ hôi, khát nước và có nguy cơ bị hạ thân nhiệt.
- Sau 60 phút, trẻ đổ mồ hôi nhiều hơn, mặt đỏ bừng, nhịp tim tăng nhanh. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị động kinh, co giật.
- Sau 90 phút, tính mạng của trẻ bị đe dọa khi gặp các triệu chứng như ngất xỉu, mất nước, suy nhược, nôn mửa và khó thở.
- Sau 160 phút, trẻ bị đau đầu dữ dội, chóng mặt, mất phương hướng, gặp ảo giác và mê sảng.