Cụ bà Sherry Ellis năm nay đã bước sang tuổi 73, sinh sống tại Magnolia, Texas, Mỹ. Khi thanh toán tiền thuốc tại chuỗi cửa hàng dược phẩm Walgreens, bà phát hiện thẻ ngân hàng của mình bị từ chối và đã khóa từ 3 tháng trước đó. Quá ngạc nhiên trước tình huống kỳ lạ này, bà gọi điện hỏi thăm và tìm đến tận ngân hàng thì mới “ngã ngửa” vì hay tin Cơ quan An sinh Xã hội (SSA) tuyên bố mình đã qua đời. “Đi tới đâu thẻ ngân hàng cũng bị từ chối, bây giờ tôi không thể mua xăng, mua đồ ăn thức uống hay làm bất cứ chuyện gì”, bà nói. “Tôi còn chẳng biết mình đã 'chết' được bao lâu nữa kìa”.
Bà Sherry Ellis trong cuộc phỏng vấn với giới truyền thông.
Theo số liệu từ Văn phòng Tổng Thanh tra (OIG), chỉ tính riêng năm 2016, mỗi tháng SSA ghi nhận gần 1000 trường hợp bị tuyên bố là đã chết trong khi khổ chủ vẫn đang sống khỏe mạnh. Cơ quan này cũng nhấn mạnh việc nhầm lẫn tai hại trên có thể xâm phạm đến cuộc sống của người bị ảnh hưởng và khiến họ lao đao vì mất nhiều quyền lợi chính đáng. Bà Ellis cho biết các tài khoản bảo hiểm của mình, bao gồm cả Medicare, đều bị khóa sau khi SSA xác định bà đã qua đời. Cụ bà 73 tuổi phải dùng đến 10 loại thuốc khác nhau nhằm kiểm soát và điều trị bệnh huyết áp, dạ dày và tim mạch. Nếu không có bảo hiểm Medicare, bà sẽ phải chi trả tận 1400 USD (xấp xỉ 32,5 triệu VND) phí thuốc men.
“Medicare nói rằng họ không thể giúp được gì nếu SSA không chịu 'hồi sinh' tôi”, bà nói. Ngay khi nghe được tin sét đánh ngang tai, bà lập tức lên đường đến văn phòng SSA gần nhất để yêu cầu khắc phục sự cố, song quá trình giải quyết của cơ quan này lại quá chậm chạp. “Văn phòng Medicare cho biết quy trình xử lý có thể mất đến 45 ngày”, Ellis chia sẻ. Một tuần sau khi khiếu nại, bà được SSA gửi thư xác nhận vẫn còn sống, nhưng bác sĩ và dược sĩ điều trị cho bà vẫn chưa hay biết gì về sự thật đó, bởi tên của Ellis chưa thể quay trở lại hệ thống phúc lợi. “Cả thế giới đều nghĩ rằng bạn đã chết, trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại. Cảm giác này thật khốn khổ”, cụ bà nói.
Brian, chồng của người phụ nữ xui xẻo, cho biết ông bà chỉ kiếm đủ tiền lo bữa ăn trong suốt 10 năm nay, vốn chẳng tiết kiệm được gì. Do vậy, tình huống mà vợ ông gặp phải sẽ đặt bà vào thế khó: “Chúng tôi không có nhiều tiền, lương dùng cho chi tiêu trong nhà nhoáng cái là hết”. Dưới sức ép của truyền thông địa phương, thẻ ngân hàng và chương trình bảo hiểm y tế của bà đã được khôi phục. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, bà vẫn bị xem là đã chết. “Tôi không hiểu sao SSA chỉ mất vài giây để phán định ai đó đã qua đời, đến khi phát hiện nhầm lẫn thì cứ lần lữa mãi không chịu khắc phục. Họ không thể sửa sai trong vòng 30 phút sao?”, bà bức xúc.
SSA nhấn mạnh nếu bất cứ công dân nào phát hiện mình “chết” do sai lầm của cơ quan nhà nước, họ nên đến văn phòng giải quyết càng sớm càng tốt và phải đem theo giấy tờ tùy thân để chứng minh, có thể là hộ chiếu, bằng lái xe hoặc thẻ bảo hiểm y tế.