Video căn nhà ngập rác của bà cụ
Khi dọn đến sống cùng một người họ hàng lớn tuổi ở Maidstone, hạt Kent (Anh), bà cụ về hưu chẳng ngờ mình sẽ phải quanh quẩn ở nơi ngập ngụa rác như thế.
Cả căn nhà là một mớ hỗn độn hết sức khủng khiếp, rác rưởi chất đống nhiều đến nỗi họ phải nằm co ro trên chiếc ghế xếp ngoài hành lang để dỗ giấc ngủ. Sau mấy ngày liền làm việc không ngơi tay, các nhân viên vệ sinh mới có thể tống hết số rác khổng lồ trong căn nhà gỗ ra ngoài.
Từ khi chủ nhà qua đời, cụ già đã cam chịu hoàn cảnh sống bẩn thỉu cùng cực, mãi cho đến khi công ty vệ sinh Klutter King có trụ sở ở Kent tình cờ nghe được câu chuyện và cam kết giúp bà dọn nhà miễn phí. Các nhân viên đã mất tròn một tuần lễ để dọn dẹp nhà cửa từ trên xuống dưới, loại bỏ tận 12 tấn rác.
Người sáng lập công ty, Kevin Porter, vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc bà cụ mừng rơi nước mắt khi chứng kiến căn nhà đã trở lại với dáng vẻ sạch bóng như 30 năm trước. Ông chia sẻ: “Khoảng đầu thập niên 90, vì nghèo khó nên bà đã chuyển đến sống cùng một người họ hàng ở căn nhà này. Từ khi mất đi bạn đời, chứng nghiện tích trữ đồ đạc của người đó càng lúc càng nghiêm trọng. Chúng tôi tìm được cả đống quần áo, giày dép, sách vở, ô dù và đủ loại hộp đựng thức ăn đã hỏng từ lâu trong căn nhà ấy. Do đã quá lâu nên những chiếc hộp này chẳng còn tí dấu vết nào của thực phẩm nữa, dù là thối rữa. Chúng chỉ vỡ vụn thành từng mảnh khi có người chạm vào”.
Đến khi người họ hàng qua đời vào năm 2017, bà cụ đã quá già yếu và không đủ sức dọn dẹp căn nhà nữa. Porter cho biết: “Từ khi thành lập công ty đến nay, tôi đã từng chứng kiến nhiều ngôi nhà được dọn sạch rồi, đa số đều là những căn hoang phế vì chủ nhân qua đời hoặc chuyển đến viện dưỡng lão. Nhưng trường hợp của bà cụ này khiến tôi đặc biệt xót xa. Bà thậm chí còn không có giường để ngả lưng, đến mùa hè, hai người phải lặn lội ra nhà để xe mà ngủ vì trời quá nóng. Hoàn cảnh sống của bà lão thật quá thê thảm, nhưng người họ hàng vẫn không rủ lòng thương xót, thà mang căn nhà quyên góp từ thiện chứ không để lại cho bà”.
Công ty phải cử đến 6 nam nhân viên khỏe mạnh và làm việc liên tục trong 7 ngày để giải quyết bãi rác ngập đầu trong nhà bà cụ. “Thật nhẹ nhõm khi việc dọn dẹp đã hoàn thành, có cảm giác đống rác ấy cứ lù lù ngay trước mắt”, ông nói. “Khi quá trình dọn dẹp đã tiến hành được một nửa, tôi chợt nghĩ 'Ôi mình đang làm cái gì thế này?', bởi khối lượng công việc thực sự nhiều đến choáng ngợp”.
Cụ bà còn nhờ nhóm công nhân vệ sinh tìm giúp món trang sức trị giá 2000 £ (gần 57 triệu VND) mà bà lỡ tay đánh rơi trong mớ hỗn độn. Cứ ngỡ tìm lại món đồ bé xíu lẫn trong đống rác to bằng cả căn nhà là chuyện hầu như vô vọng, bà lão về hưu vui như mở hội khi thấy các nhân viên cầm trên tay thứ mình đã mong nhớ bấy lâu. Porter chia sẻ: “Hầu hết các công ty vệ sinh kiếm lời bằng cách bán những món đồ giá trị mà gia chủ quên lấy hoặc bỏ lại trong lúc dọn nhà. Ở đây, chúng tôi không làm thế. Bà cụ gần như không tin vào mắt mình khi nhận lại món trang sức từ chỗ chúng tôi”.
Sau khi quẳng hết rác thải ra ngoài, họ bắt đầu lau sạch sàn và vách tường bị che lấp suốt 30 năm. Nhóm nhân viên cũng sửa chữa lại vài chỗ hỏng hóc trong ngôi nhà gỗ và xử lý đám mốc đen lan rộng do môi trường dơ bẩn. Cảm thông cho hoàn cảnh của bà cụ, Porter đã tặng bà một bộ bàn ghế và chiếc giường chắc chắn. Sau 30 năm ròng rã, đây là lần đầu cụ được tận hưởng giấc ngủ ngon, không phải cuộn mình trên chiếc ghế xếp tạm bợ nữa.
Ông nhớ lại: “Lần đầu tiên trò chuyện với chúng tôi, bà cụ xấu hổ đến mức không dám hé răng về tình trạng căn nhà mình đang ở. Nhưng rồi khi thấy ngôi nhà một lần nữa trở về với vẻ sạch sẽ ban đầu, bà ấy xúc động đến nỗi lã chã rơi lệ”.
Vốn chỉ lập ra Klutter King để kiếm kế sinh nhai, giờ đây Porter đã có cái nhìn hoàn toàn khác về vai trò của công việc dọn dẹp vệ sinh và ảnh hưởng của nó đến cuộc sống con người. Chia sẻ về quyết định dọn nhà cho bà lão về hưu, ông nói: “Chúng tôi tự nguyện giúp bà cụ mà không đòi hỏi bất kỳ chi phí nào. Trông thấy hoàn cảnh đáng thương của cụ, tôi thiết nghĩ nên để cho bà được vui vẻ hưởng thụ cuộc sống trong những năm tháng xế chiều. Tôi cũng từng chật vật khốn khó nên thấu hiểu cảm giác đắng cay ấy. Bây giờ, khi tài chính khấm khá hơn, tôi quyết định sống thật ý nghĩa để tri ân những người từng dang tay bảo bọc mình trong lúc tuyệt vọng khôn cùng”.