Vào năm 1979, tại một công trường khai thác mỏ ở thị trấn Thiên Sơn, thành phố Cao Bưu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, nhóm công nhân đã vô tình phát hiện ra một "hang động" bí ẩn trong khi đang sử dụng mìn để khai thác đá trên núi Thần Cư, cách Dương Châu khoảng 45 km.
Sau vụ nổ, họ ngỡ ngàng nhận thấy một công trình kỳ lạ nằm sâu dưới lòng đất, và ngay lập tức thông báo sự việc cho cấp trên.
Công trường ngay lập tức được phong tỏa, và các chuyên gia khảo cổ từ Bảo tàng Nam Kinh và Bảo tàng Dương Châu đã nhanh chóng đến hiện trường để điều tra.
Kết quả ban đầu xác nhận rằng "hang động" này thực chất là một lăng mộ cổ, được xây dựng từ thời Tây Hán, hơn 2.000 năm trước. Do tác động của vụ nổ, phần lăng mộ đã bị hư hại, nhưng các chuyên gia vẫn có thể xác định chủ nhân của lăng là Quảng Lăng Lệ vương Lưu Tư, con trai thứ năm của Hán Vũ Đế.
Lăng mộ này có diện tích khá rộng, khoảng 230m², với chiều dài 16,65m và chiều rộng 14,28m. Đây được xem là một trong những lăng mộ cổ lớn và được bảo tồn tốt nhất tại Trung Quốc. Trong quá trình khai quật, các chuyên gia đã phát hiện một loạt cổ vật quý hiếm, bao gồm giáp ngọc bích và nhiều hiện vật bằng vàng, đồng, gốm sứ và gỗ. Phần lớn các di vật đều được bảo quản tốt, mang giá trị nghệ thuật và văn hóa vô cùng lớn.
Đặc biệt, lăng mộ còn chứa tới 856 miếng gỗ Kim tơ nam mộc vàng – một loại gỗ cực kỳ quý hiếm và có giá trị cao. Vào thời xa xưa, loại gỗ này được dùng trong cung điện hoàng gia và làm quan tài cho vua chúa. Theo các chuyên gia, giá trị của số gỗ này ước tính lên tới 171,2 tỷ NDT, tương đương khoảng 600.000 tỷ đồng, một con số khiến ai cũng phải sửng sốt.
Sau khi phát hiện, vào năm 1992, toàn bộ lăng mộ đã được chuyển về thành phố Dương Châu để bảo quản và phục dựng. Bảo tàng lăng mộ Quảng Lăng vương cũng đã được thành lập, mở cửa cho người dân tham quan, giúp bảo tồn và giới thiệu di sản văn hóa vô giá này cho thế hệ mai sau.
Việc phát hiện kho báu nghìn tỷ này đã làm chấn động giới khảo cổ và thu hút sự quan tâm lớn từ công chúng, tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử Trung Hoa.