Đến nay, quá trình cứu đội bóng Thái Lan mắc kẹt trong hang Tham Luang, miền bắc Thái Lan, đang diễn ra. Tuy nhiên, có một mối lo khác cần được quan tâm là sức khỏe thể chất cũng như tâm lý của 12 thiếu niên và huấn luyện viên đội bóng sau chuỗi ngày dài sống trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn.
Thiếu ánh sáng
Một trong những khó khăn lớn nhất mà đội bóng gặp phải chính là thiếu ánh sáng. Theo giáo sư Russell Foster, người đứng đầu Khoa Thần kinh học tại Đại học Oxford, sự mắc kẹt trong hang động tối om không chút ánh sáng, không phân biệt được ngày đêm đã khiến cho nhịp đồng hồ sinh học cơ thể của mọi thành viên “đi chệch quỹ đạo”.
Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ mà còn đến tâm trạng, sức khỏe và các chức năng khác trong cơ thể.
Theo nghiên cứu của bệnh viện Maharaj Nakorn Chiang Mai, khi bị mắc kẹt trong hang động 10 ngày, mọi cơ quan trên cơ thể con người đều sẽ gặp vấn đề như: Mắt (tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sau nhiều ngày trong bóng tối có thể gây ra tổn thương giác mạc vĩnh viễn), Phổi (thiếu không khí thở, dẫn đến nhiều bệnh), Hệ tiêu hóa (sụt cân, suy dinh dưỡng, ăn quá nhanh dẫn đến đau tim), Da (sạm, dễ bị nhiễm trùng).
Tuy nhiên, Giáo sư Foster tin rằng, đội cứu hộ đã cố gắng lắp đặt đèn trong hang động, mô phỏng ánh sáng ngày đêm để cải thiện tình hình (như những gì mà các thợ mỏ Chile làm). Điều này cũng sẽ giúp đội bóng dễ thích nghi hơn khi được cứu lên mặt đất, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Những sang chấn tâm lý lâu dài
Giáo sư Sandro Galea và Rber A Knox đến từ Đại học Y tế Công cộng Boston cho hay, những đứa trẻ gặp phải biến cố lớn như vậy ở độ tuổi này thường sẽ có nguy cơ cao “mắc chứng rối loạn tâm lý trong một khoảng thời gian dài” với một số biểu hiện như trầm cảm, lo âu, căng thẳng.
Giáo Sư Gaela cũng cho rằng, khoảng 1/3 đội bóng sẽ gặp những chấn thương về tâm lý và cần đến sự giúp đỡ của các phương pháp điều trị hợp lý như Liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive Behavioural Therapy CBT) và thuốc men. Nhưng điều quan trọng nhất giúp đội bóng phục hồi sau những sang chấn tâm lý chính là sự giao tiếp, là mối quan hệ giữa các thành viên với nhau và với mọi người người xung quanh.
Giáo sư Stephen Regel, giám đốc Trung tâm Chấn thương Nottinghamshire cũng có cùng quan điểm: “Những tác động và hỗ trợ từ xã hội là yếu tố then chốt giúp phục hồi sau chấn thương tâm lý”.
“Ít nhất thì chúng cũng đã không cô đơn, tuy bị mắc kẹt nhưng cô họ là một đội bóng thân thiết, và có thêm người HLV giúp chấn an tinh thần cả đội. Điều này sẽ giảm thiểu những vấn đề về tâm lý sau này”.
Ông Regel nói thêm: “Xuất thân từ một xã hội có nền Phật giáo phát triển, những đứa trẻ này đã được rèn luyện cách đối phó với nghịch cảnh. Tuy vậy, nếu bị kẹt trong hang càng lâu, thì khi được cứu ra ngoài, các em sẽ càng khó hòa nhập lại với cuộc sống”.
Chính quyền Thái Lan sáng nay cử 18 thợ lặn tinh nhuệ nhất, bao gồm 13 người nước ngoài và 5 đặc nhiệm SEAL Thái Lan, vào hang Tham Luang bắt đầu quá trình giải thoát từng người một.
Người phụ trách chiến dịch cứu hộ cho biết, hai thợ lặn sẽ kèm một thiếu niên khi các bé dần dần được đưa ra. Chiến dịch bắt đầu lúc 10h và dự kiến 21h hôm nay, bé trai đầu tiên sẽ được đưa ra khỏi hang. Nhóm y tế đã túc trực ngoài cửa hang để sẵn sàng chữa trị cho đội bóng sau khi các em ra ngoài. Nỗ lực cứu hộ dự kiến kéo dài từ 2 tới 4 ngày mới hoàn tất, tùy thuộc điều kiện thời tiết.