Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

'Chúng tôi làm việc như điên': Cơn ác mộng sau cái chết của nhà báo gây rúng động Nhật Bản

Cái chết của nữ phóng viên Miwa Sao do làm việc quá sức dường như không phải thông tin quá bất ngờ đối với giới truyền thông Nhật Bản, nơi mà làm việc quá sức từ lâu đã trở thành "văn hoá".

Những cái chết vì làm việc quá sức đang là vấn đề gây đau đầu ở Nhật Bản.

“Chuyện này sớm hay muộn cũng xảy ra thôi, vì chúng tôi làm việc như điên, thậm chí là như nô lệ vậy”, một phóng viên của Nhật nói với AFP.

“Tôi thực sự nghĩ rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ”, nữ phóng viên thở dài, nhớ lại những ngày tháng bám đuổi theo thủ tướng hay các nghị sĩ ở Tokyo, khi cô thường làm việc tới 1h sáng và rồi chỉ được nghỉ ngơi khoảng 4 tiếng.

Phóng viên vốn là công việc khắc nghiệt về mặt thời gian, nhưng ở Nhật Bản, tình trạng này còn tội tệ hơn rất nhiều. Có không ít người phải túc trực 24/7.

Nữ phóng viên giấu tên là một trong số phóng viên “cứng” của Nhật Bản, với nhiệm vụ cắm chốt bên ngoài nơi ở của các chính trị gia bất kể đêm ngày, dù có ra tin hay không. Hình thức theo đuôi nhân vật nổi tiếng này còn gọi là “Yomawari”, hay “tuần đêm”.

Có những đêm tuyết rơi lạnh buốt, cô cũng phải chờ đợi hàng giờ bên ngoài nhà của chính trị gia mà mình đang bám đuổi.

“Tôi luôn mang theo túi sưởi bên mình, nhưng lúc nào cũng thấy lạnh cóng. Vì phải săn đuổi, tôi thâm chí còn không có thời gian đi vệ sinh. Những điều đó không tốt cho sức khoẻ chút nào”, nữ phóng viên tiết lộ.

Không dừng ở đó, làm báo đồng nghĩa với việc không có ngày nghỉ cuối tuần. Cô đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp bị ảnh hưởng cả thể chất và tinh thần khi theo đuổi công việc khắc nghiệt này.

Những xác sống 

Một cựu phóng viên của Tokyo TV chỉ ra rằng vấn đề nằm ở “tinh thần chiến đấu” và “không bỏ cuộc” vốn đã ăn sâu vào tư tưởng của người dân đất nước mặt trời mọc. Nữ phóng viên 32 tuổi cũng xa lạ gì những ngày công việc thâu đêm suốt sáng hay những lần bị ốm nhưng quyết tâm không nghỉ.

“Tôi thậm chí không có thời gian để đo thân nhiệt. Sau đó mới phát hiện mình sốt 39 độ. Sếp sẽ luôn nhắc nhở 'đừng lười biếng', nhưng họ sẽ không bao giờ nói 'hãy nghỉ ngơi đi, đừng làm việc quá sức'. Theo thời gian, bạn dần trở thành xác sống. Đó là lúc tôi nghĩ mình cần dừng lại”.

Nữ phóng viên NHK qua đời sau khi làm thêm 159 tiếng.

Truyền thông Nhật đưa tin Miwa Sado đột ngột qua đời vì một cơn đau tim hồi tháng 7/2013. Nguyên nhân cái chết được cho là cô làm việc quá sức, với số lượng làm thêm giờ trong tháng lên đến 159 giờ. Thông tin xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông thế giới, nhưng không phải trường hợp cá biệt ở Nhật.

Cái chết của Sado được gọi là “karoshi”, hay làm việc đến chết, một cụm từ để nói đến những trường hợp qua đời vì làm việc quá sức. Mỗi năm, làm việc quá sức là nguyên nhân của hàng loạt trường hợp chết vì đau tim, đột quỵ hay tự tử. Tính đến hết tháng 3/2017, 191 trường hợp karoshi đã được ghi nhận.

Theo khảo sát giai đoạn 12/2015-1/2016, 22,7% công ty nói rằng nhân viên của họ làm thêm hơn 80 giờ mỗi tháng. Đây là mức đáng báo động vì có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

Theo kết quả nghiên cứu, lao động Nhật Bản làm việc nhiều hơn so với lao động các nước như Mỹ, Anh và một số quốc gia phát triển. Trung bình, người Nhật chỉ dùng 8,8 ngày nghỉ mỗi năm, chưa đến một nửa số ngày nghỉ phép, theo số liệu Bộ Y tế năm 2015. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Hong Kong và Singapore là 100% và 78%.

Sao qua đời chỉ ba ngày sau cuộc bầu cử Thượng viện. Điều đáng nói là NHK chỉ công bố sự việc gần 4 năm sau khi cô qua đời, chủ yếu do áp lực từ phía gia đình. Đây được coi là nỗi hổ thẹn với kênh truyền hình này.

“Tôi thật sự sốc khi nghe tin ai đó làm việc ở NHK, vốn có chiến dịch 'tuyên chiến' với văn hoá làm việc quá sức, lại chết vì chính lý do này”, giáo sư Shigeru Wakita, chuyên gia về luật lao động, cho hay. “Truyền thông đại chúng lẽ ra có thể thay đổi thói quen này của nhân viên công sở, nhưng họ đã không làm vậy”.

Nhật Bản là nước có môi trường làm việc áp lực nhất nhì thế giới.

Giám đốc NHK Ryoichi Ueda đã tới nhà Sado để xin lỗi trực tiếp và cam kết cải cách chính sách làm việc cho nhân viên. Theo đó, NHK cam kết giảm số giờ làm, áp dụng các tiêu chuẩn về sức khoẻ và tổ chức các buổi hội thảo về karoshi.

Sự việc khiến Bộ trường Lao động Katsunobu Kato lên tiếng yêu cầu các công ty truyền thông giảm giờ làm để tránh những trường hợp tương tự xảy ra. Bên cạnh đó, chính phủ còn liệt tên hơn 300 công ty vào danh sách đen về điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Trước đó vào tháng 4, một uỷ ban của chính phủ đề xuất kế hoạch giới hạn thời gian làm thêm, với mức cho phép là 100 giờ/tháng, nhằm đối phó với vấn nạn tự tử vì làm việc quá sức. Tuy nhiên, dự luật “bước đầu nhằm loại bỏ karoshi” đã vấp phải ý kiến phản đối của người dân và cả các chuyên gia, nhà hoạt động xã hội.

Thủ tướng Shinzo Abe đồng thời tuyên bố chương trình “Ngày thứ 6 nghỉ ngơi”, khuyến khích người lao động rời công ty sớm vào các ngày thứ 6 cuối cùng của tháng. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích chương trình không mang tính cưỡng chế, nhiều công ty đã lờ đi.

Theo giáo sư Wakita, các đề xuất hay giải pháp của chính phủ chưa thực sự nghiêm túc và có tính hiệu quả để giải quyết thực trạng này.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Anh Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất
iPhone 18 có thể sử dụng chip A20 do Intel sản xuất