Trong Diên Hi Công Lược và Hậu cung Như Ý truyện, Phú Sát Hoàng hậu, hai bộ phim cung đấu đều nói về thời kỳ của Càn Long Đế, Cao Quý Phi đều là nhân vật phản diện, chuyên làm việc ác khiến ai ai cũng chán ghét. Bên cạnh đó, dù chung sống cùng Càn Long Đế hơn 10 năm, Cao Quý Phi cũng không có lấy một mụn con và chết trong sự cô độc. Điều này khiến không ít người cảm thấy hả hê vì cho rằng bà phải chịu quả báo do chính nghiệp của bà gây ra. Tuy nhiên, trong lịch sử liệu những điều này là có thật?
Tính cách thật của Cao Quý Phi trong lịch sử
Cao Quý phi hay Tuệ Hiền Hoàng quý phi, Cao Giai thị (không rõ năm sinh, mất năm 1745), nguyên chỉ là họ Cao thị, xuất thân từ tầng lớp Bao y, thuộc Tương Hoàng kỳ Bao y. Dòng dõi Bao y là tầng lớp những người chuyên phục vụ cho các thành viên hoàng thất Mãn Châu, có thể nói cách khác là người hầu của nhà vua.
Vào thời Ung Chính, vị vua này Cao Giai thị nhập phủ hầu hạ Bảo Thân vương Hoằng Lịch (tức Càn Long sau này) với tước vị Sử nữ. Tới năm Ung Chính thứ 12 (năm 1734), do cha của Cao Giai thị là Cao Bân được trọng dụng trong triều nên Cao thị được Ung Chính Đế ra chỉ tấn thăng làm Trắc Phúc tấn của Bảo Thân Vương, địa vị chỉ dưới duy nhất Đích Phúc tấn Phú Sát thị. Chính vì vậy, ngay sau khi Càn Long Đế lên ngôi, Cao Giai thị đã được sắc phong làm Cao Quý Phi.
Bấy giờ trong cung, Cao thị là người duy nhất mang phong hiệu Quý phi, chỉ dưới Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu. Đại lễ sắc phong của Cao Quý phi rất lớn, bà được hưởng quy lễ nhận bái kiến của Công chúa, Thân vương Phúc tấn và Cáo mệnh phu nhân Tam phẩm trở lên. Lễ sắc phong của Nhàn Quý phi, Thuần Quý phi và Gia Quý phi về sau đều không được lễ này. Giải thích về sự khác biệt này, Càn Long Đế nói địa vị từ Trắc Phúc tấn phong ngay thành Quý Phi sẽ khác với các phi tần cấp dưới được tấn phong, cho nên Cao thị mới nhận được lễ này.
Khác với nhân vật Cao Ninh Hinh trong Diên Hi công lược và Cao Hi Nguyệt trong Hậu cung Như Ý truyện, Cao Quý Phi trong lịch sử lại là một người hòa nhã, ôn nhu, thông minh, thấu tình đạt lý, cầm kỳ thi họa món nào cũng đều thông thạo. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Cao Quý phi và Phú Sát hoàng hậu rất tốt đẹp, không hề căng thẳng như trong Diên Hi công lược hay tình ý giả dối như trong Hậu cung Như Ý truyện.
Năm Càn Long thứ 10 (1745), Cao Quý Phi trong lúc bệnh nặng đã được Càn Long Đế tấn phong làm Hoàng Quý Phi, nhưng chỉ 2 ngày sau đó, Cao Quý phi đã qua đời. Sinh thời, Cao thị không có phong hiệu, chỉ khi mất đi bà mới được Càn Long ban thụy hiệu. Với đức tính ôn nhu, hòa nhã, bà được Càn Long ban cho thụy hiệu là Tuệ Hiền, trong đó, chữ Tuệ có nghĩa là “nhanh nhạy” và chữ Hiền là “Có đức”.
Tiếc thương sự qua đời của vị hiền phi, Càn Long thường làm thơ điếu tặng bà. Thậm chí, sau khi Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu qua đời, Càn Long Đế còn treo bức họa của Tuệ Hiền bên cạnh tranh của Hoàng hậu trong Trường Xuân cung. Tuệ Hiền Hoàng quý phi về sau là một trong 5 vị hậu phi được an táng cùng Càn Long hoàng đế ngay trong huyệt địa của Dụ lăng.
Tại sao Cao Quý Phi không có con?
Từ lúc nhập phủ đến lúc qua đời, Cao Quý phi bầu bạn cùng Càn Long đế được hơn 10 năm. Tuy nhiên, trong quãng thời gian này, Cao Quý Phi tuyệt nhiên không có lấy một mụn con. Trong bộ phim Hậu cung Như Ý truyện, Cao Quý phi không có con là do Phú Sát Hoàng hậu hãm hại ngay từ ngày đầu bước chân vào phủ Bảo Thân vương.
Trong ngày nhập phủ cùng Như Ý (Nhàn Phi), Phú Sát Lang Hoa đã tặng cho Như Ý và Cao Hi Nguyệt (Cao Quý phi) mỗi người một chiếc vòng tay để biểu hiện sự hòa thuận giữa các phi tần. Kể từ thời điểm đó, Như Ý và Cao Hi Nguyệt đều mang trên tay chiếc vòng vàng có đính hạt lấp lánh do Lang Hoa tặng.
Tuy nhiên, 8 năm sau đó, khi Càn Long lên ngôi, Như Ý bị hãm hại, đẩy vào lãnh cung. Trong một lần sơ ý, chiếc vòng của Như Ý bị vỡ và bên trong có nhiều viên thuốc rơi ra. Sau khi nhờ thái y kiểm tra, Như Ý mới biết đó là xạ hương, một loại thuốc khiến phụ nữ không thể sinh nở nếu tiếp xúc trong thời gian dài. Thế là chẳng cần tốn sức, Phú Sát Lang Hoa đã triệt đường sinh nở của hai phi tần có vị trí cao nhất hậu cung ngay sau mình, khiến hai nàng chịu cảnh 8 năm dài không thể sinh con, bị các phi tần khác mắng là “cây độc không trái, gái độc không con”.
Bên cạnh đó, thể chất của Cao Quý phi từ nhỏ đã suy nhược, cộng thêm việc mang xạ hương bên mình mỗi ngày khiến nàng càng khó có con. Hơn nữa, một phi tần khác trong cung còn ngấm ngầm thông đồng với thái y khiến bệnh tình của Cao Quý phi ngày càng trầm trọng và đây cũng là lý do khiến Cao Quý phi chết sớm.
Thế nhưng, trên thực tế, việc Cao Quý phi không có con là do chính bản thân bà chứ không hề liên quan tới bất kỳ ai. Sử sách ghi lại, ngay từ khi sinh ra, Cao Gia thị đã rất yếu ớt, từ nhỏ đã phải uống thuốc triền miên, khiến thể trạng của cô không phù hợp để mang thai. Sau 10 năm hầu hạ Càn Long Đế, bệnh cũ của Cao Quý phi tái phát, không có thuốc nào chữa khỏi nên không lâu sau đã qua đời.