Deryl Fida Febrianto, 22 tuổi, gửi bức ảnh selfie cho vợ vào lúc 6h trước khi chuyến bay định mệnh chở 189 người rời sân bay ở Jakarta và lao xuống biển Java.
Febrianto đeo khẩu trang màu xanh và tự chụp hình trước khi máy bay cất cánh để tới Pangkal Pinang, một hòn đảo ở phía bắc thủ đô Jakarta.
Febrianto và vợ Lutfinani Eka Putri, 23 tuổi, mới kết hôn chỉ hai tuần trước và anh đang trên đường đến Pangkal Pinang để làm việc trên tàu du lịch.
Lutfinani cho biết, chồng cô đã nhắn tin cho cô khi ở trên máy bay lúc 6h12 nhưng lúc 6h15 cô không còn nhận được tin trả lời của anh nữa.
Cặp đôi lớn lên bên nhau từ nhỏ, nay mới về chung một nhà. Lutfinani nói với các phóng viên, và đưa tấm ảnh hai người cười hạnh phúc trong đám cưới.
“Khi tôi xem bản tin, tôi đối chiếu số hiệu chuyến bay với ảnh chụp tấm vé mà Deryl đã gửi cho tôi. Tôi òa khóc”, Lutfinani nức nở nói.
189 người trên chuyến bay JT610 khởi hành từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Jakarta tới Pangkalpinang, tỉnh Bangka Belitung sáng nay và biến mất khỏi màn hình radar chỉ 13 phút sau khi cất cánh. Máy bay sau đó lao xuống biển Java, phía bắc hòn đảo cùng tên với đông dân cư nhất của Indonesia.
Máy bay gặp nạn là một chiếc Boeing 737 MAX 8 mới được chuyển giao cho Lion Air hồi tháng 8 vừa qua. Đêm trước khi sự cố xảy ra, phi cơ gặp vấn đề kỹ thuật tuy nhiên theo đại diện của hãng hàng không lỗi này đã được khắc phục trước khi chiếc máy bay cất cánh và gặp nạn sáng 29/10.
Một ngư dân tên Gauk kể lại thời điểm chiếc máy bay rơi khỏi bầu trời, lao xuống biển, ông có thể “cảm nhận thấy tiếng nổ từ làn sóng trên mặt nước”.
Yusuf Latief, người phát ngôn cơ quan tìm kiếm cứu nạn cho biết, khó ai có thể sống sót sau vụ rơi máy bay. Đội cứu hộ đang tiến hành trục vớt xác các nạn nhân và đã đưa 21 thi thể tới bệnh viện ở Jakarta để xác định danh tính. Theo quan chức Indonesia, họ đã xác định vị trí của hai hộp đen máy bay.
Hoạt động tìm kiếm và cứu hộ dự kiến kéo dài 7 ngày, trừ phi toàn bộ thi thể được trục vớt trước thời gian đó.