Hình xăm là đặc quyền của các chiến binh bộ tộc săn đầu người sau khi họ trở về từ những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ hoặc quyền lực.
Tập tục săn đầu người của bộ lạc Konyak, ở bang Nagaland, Ấn Độ, đã diễn ra hàng thế kỷ trước nhưng bị cấm vào những năm 1970. Theo đó, những người này từng nổi tiếng là những chiến binh dũng mãnh và tàn bạo, họ là những chiến binh săn đầu người đáng sợ, chuyên chặt đầu kẻ thù làm kỷ niệm và có tục xăm hình để kỷ niệm những sự kiện quan trọng trong đời. Tuy nhiên, trong bộ tộc này chỉ còn lại vài người cao tuổi với những hình xăm phai mờ.
Hình xăm là đặc quyền của các chiến binh, người trở về từ những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ hoặc quyền lực. Dù từng nổi danh là kẻ tàn bạo, đáng sợ nhưng trong những bức ảnh chân dung của nhiếp ảnh gia Peter Bos, những người cao tuổi này lại có vẻ nhẹ nhàng và tử tế.
Nhiếp ảnh gia Peter Bos chia sẻ: “Tôi không hề cảm thấy sợ hay bị đe dọa, họ là những người rất ấm áp. Chúng ta thường nghĩ tục săn đầu người là man rợ và tàn nhẫn nhưng đối với họ, đó chỉ là một tập tục. Chúng tôi đã đến nhà họ, dành thời gian nghe họ kể về những câu chuyện trong quá khứ, những bài thơ, câu hát về một thời oanh liệt. Nhưng những người chiến binh già nua này rất yếu đuối và ẩn sâu trong đôi mắt họ là nỗi buồn không thấu“.
Nghệ thuật cơ thể của bộ lạc Konyak đang dần dần biến mất, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Và khi những chiến binh săn đầu người cuối cùng này qua đời, phong tục đó sẽ trở thành huyền thoại chỉ còn tồn tại trong sử sách.
Cô Phejin Konyak, 38 tuổi, chắt của một chiến binh săn đầu người, cho biết: “Mỗi hình xăm đều tượng trưng cho địa vị hoặc cuộc đời của các chiến binh và không có họa tiết nào là hoàn toàn giống nhau. Những gì tôi đã làm là vẽ lại các mẫu hiện có để chúng không bị biến mất theo thời gian“.
Phejin cũng cho biết, cô còn ghi lại những câu chuyện, bài hát, bài thơ từ những chiến binh săn đầu người này, để lưu giữ phong tục đang dần mai một.
Cô Phejin đã rời khỏi bộ tộc gồm khoảng 700 người từ năm cô lên 4 tuổi cùng với gia đình để đến thành phố Dimapur, cách quê hương 300 km. Phejin chia sẻ: “Sự du nhập của đạo Cơ đốc giúp tôi có điều kiện học hành, nhưng ở Nagaland, sự chuyển đổi từ phong tục truyền thống sang hiện đại diễn ra quá nhanh. Nó xảy ra quá đột ngột. Chúng tôi đi từ tục săn đầu người đến việc sử dụng iPad chỉ diễn ra trong vài thập kỷ“.
Những hình xăm truyền thống được thực hiện bằng tay, nhờ kỹ thuật dùng gỗ mây nhọn bơm mực làm từ nhựa cây vào da. Phejin cho rằng sẽ “không có cơ hội” để những phong tục truyền thống của bộ tộc của cô được hồi sinh, mặc dù những điều cô ghi chép lại sinh động không khác gì một “thư viện sống”.
Phejin chia sẻ: “Ngay cả những bài hát cũ giờ đây cũng chẳng còn chút giá trị gì. Phải chi chúng ta có thể dung hòa giữa những giá trị tốt đẹp của truyền thống và hiện đại. Tôi nghĩ rằng cần phải có một sự cân bằng. Chúng ta không thể bị cô lập với thế giới, chúng ta phải thích nghi với sự thay đổi của thời gian. Nhưng nếu chúng ta đánh mất bản sắc dân tộc thì mục đích của việc tồn tại liệu có còn ý nghĩa?“.
Ngoài tạo ra một cuốn sách minh họa dành cho trẻ em, Phejin cũng đang tiến hành dịch những cuốn sách về bảo tồn của mình sang tiếng địa phương, dù dân tộc của Phejin không có chữ viết riêng.
“Việc bảo tồn nền văn hóa phải đến từ nội bộ, từ bên trong người dân địa phương. Trừ khi có một sự thay đổi trong chính bộ tộc nếu không, tôi cho rằng phong tục truyền thống của chúng tôi khó có thể tồn tại“, Phejin chia sẻ.
Bên cạnh những chiến binh cao tuổi mặc trang phục truyền thống, thậm chí có chèn gạc hươu, ngà voi vào tai thì vài nhân vật trong bức ảnh của nhiếp ảnh gia Bos lại trông có vẻ hiện đại với áo thun thể thao, áo cài khuy dài tay và đồng hồ.
Những bức chân dung phần lớn được chụp tại những ngôi nhà dài truyền thống làm bằng thân tre, lá cọ và gỗ dừa. “Những căn nhà dài của họ rất đẹp. Bên trong những ngôi nhà này khá tối với các bức tường treo đầy chiến lợi phẩm đầu thú“, Bos nói.
Ông Chen-o Khuzuthrupa, 98 tuổi, một chiến binh săn đầu người của bộ tộc.
Không chỉ trò chuyện, Bos còn cùng sinh hoạt với những người trong bộ tộc suốt 6 tuần. Tuy nhiên, những bức ảnh chân dung mà anh chụp, bao gồm cả người dì và người chú của Phejin, dường như đã thể hiện được linh hồn của cuốn sách mang tựa đề: “Bộ tộc Konyaks: Những chiến binh săn đầu người cuối cùng“.
Một chiến binh mặc bộ đồ thể thao như người hiện đại.
Khi nói về những chiến binh săn đầu người cuối cùng, Bos chia sẻ: “Họ vẫn còn sống, nhưng thời gian của họ dường như sắp cạn kiệt. Họ không còn thuộc về cuộc sống hiện đại này nữa“.