Sự vươn lên của Lý Gia Thành từ một người nhập cư không một xu dính túi vào năm 1940 trở thành nhà tài phiệt tỷ phú là câu chuyện thành công mỹ mãn.
Lý Gia Thành được ví là tỷ phú "siêu nhân" ở Hong Kong vì đạo đức làm việc và thành công trong kinh doanh. Nhà sáng lập Tập đoàn Trường Giang Thực Nghiệp (Cheung Kong Holdings) và người thân của mình trở thành gia tộc giàu nhất thế giới về bất động sản với trị giá 205 tỷ HKD (khoảng 26,28 tỷ USD).
Ngày 16/3/2018, ông Lý tuyên bố nghỉ hưu ở tuổi 89, nhưng vẫn dõi theo một trong những đế chế kinh doanh lớn nhất châu Á, trải dài hơn 50 quốc gia với 323.000 nhân viên.
Lý Gia Thành sinh ra ở Triều Châu, Trung Quốc, vào năm 1928. Đến năm 1940, ông và gia đình phải sang Hong Kong trong giai đoạn chiến tranh Trung-Nhật diễn ra ác liệt.
Năm 14 tuổi, cha của Lý Gia Thành qua đời vì bệnh lao. Để kiếm tiền trang trải cho gia đình, chàng trai họ Lý buộc phải bỏ học và đi làm ở một nhà máy nhựa. Nhà nghèo quá, Lý phải bán quần áo của người cha đã khuất để lấy tiền mua thức ăn. Trong khi bạn bè đồng lứa đều đi học hoặc mải mê vui chơi, Lý Gia Thành khi 13 tuổi đã làm việc 16 tiếng một ngày trong xưởng sản xuất dây đeo đồng hồ bằng nhựa.
Tên tuổi của Lý Gia Thành gắn với sự thành công bất ngờ nhờ sự chăm chỉ. Bản thân tỷ phú này cũng thường xuyên nhấn mạnh đến sự chăm chỉ cũng như động lực tự giáo dục bản thân sau khi trở thành người học việc trong xưởng sản xuất dây đeo đồng hồ.
Đến năm 19 tuổi, ông trở thành giám đốc của nhà máy, giám sát hơn 300 công nhân và nhân viên văn phòng, và ở tuổi 21, ông thành lập Cheung Kong plastics - nền tảng của "đế chế" giàu có sau này.
"Gánh nặng nghèo đói và mùi vị cay đắng của sự bất lực và cô lập đã hằn lên trái tim tôi mãi mãi. Những câu hỏi vẫn luôn thôi thúc tôi: Liệu có thể định hình lại số phận của một người không? Có thể giảm thách thức thông qua việc giảm bớt sự phức tạp không? Và liệu cơ hội thành công có tăng lên nếu thông qua quá trình lập kế hoạch tỉ mỉ", ông Lý từng chia sẻ.
Năm 1950, ông Lý gây dựng cơ nghiệp bằng số tiền tiết kiệm và đi vay được 8.700 USD để thành lập xưởng nhựa Trường Giang của riêng mình. Ông đọc trên một tạp chí thương mại rằng hoa nhựa bấy giờ rất phổ biến ở Italy nên đã trang bị lại nhà máy của mình để sản xuất chúng. Lý Gia Thành đã nhận được các hợp đồng và trở thành nhà sản xuất hoa nhựa lớn nhất châu Á.
Cuối năm 1957, xưởng nhựa Trường Giang đã huy động được vốn đầu tư và thành lập doanh nghiệp cổ phần, đổi tên xưởng nhựa thành Công ty Trường Giang Thực Nghiệp.
Tháng 6/1971, Lý Gia Thành thành lập Công ty bất động sản Trường Giang. Trong vòng 1 năm, đất đai dự trù đã tăng hơn 20 lần và bắt đầu tích lũy của cải một cách chóng mặt.
Đến năm 1979, Công ty Trường Giang Thực Nghiệp của Lý Gia Thành mua cổ phần kiểm soát tại Hutchison Whampoa, được thành lập vào năm 1977 từ sự hợp nhất của công ty thương mại Hutchison International với Hong Kong và Whampoa Dock, cả hai đều được thành lập vào thế kỷ 19 của thương gia người Anh, John Hutchison.
Ông Lý đã biến Hutchison Whampoa thành một công ty cổ phần đầu tư. Khi đó ông nói nếu các khoản đầu tư thua lỗ, Lý Gia Thành sẽ tự mình giải quyết việc này. Nếu chúng thành công, ông sẽ chuyển cổ phần cho quỹ từ thiện mà vị tỷ phú mô tả là "con trai thứ ba" của mình.
Cũng không giống như các đối thủ của mình, bao gồm cả những người đồng nghiệp Swire Pacific và Jardine Matheson, Lý Gia Thành tỏ ra thành thạo trong một lĩnh vực khác là bán tài sản.
Jonathan Galligan, trưởng bộ phận nghiên cứu các tập đoàn và trò chơi châu Á tại tập đoàn CLSA, nhận xét: “Mức độ thiên tài thực sự của Lý Gia Thành không nhất thiết nằm ở tài sản mà ông ấy có, mà là khả năng bán chúng vào đúng thời điểm. Hãy nhìn vào bất cứ thứ gì ông ấy bán được và cộng hoặc trừ một năm, thật khó để nói rằng ông ấy đã không chọn ngay từ đầu - đó là một kỹ năng tuyệt vời".
Một trong những thương vụ nổi tiếng nhất của tỷ phú Lý là lần bán đơn vị viễn thông ở Anh, Orange, vào năm 1999 cho Mannesmann của Đức vào thời kỳ bùng nổ thị trường.
Sau khi Vodafone mua lại Mannesmann, việc buộc phải nhượng lại Orange cho France Telecom sau đó đã tạo ra một cơn gió lớn thứ hai cho đế chế Lý Gia Thành, giúp ông thu về 21 tỷ USD lợi nhuận từ hai thương vụ.
Thông qua công ty đầu tư Horizon, ông Lý trở thành một nhà đầu tư lớn vào công nghệ cao. Ông hâm mộ "công nghệ đột phá". Vị tỷ phú này là nhà đầu tư ban đầu vào Facebook và Skype. “Việc kinh doanh từ những khoản đầu tư này chỉ là thứ yếu", ông nói với tạp chí Forbes. "Điều quan trọng hơn là chúng tôi đang học hỏi được rất nhiều".
Chia sẻ về bí quyết quản lý các loại hình kinh doanh, tỷ phú Lý Gia Thành nói: "Tôi biết một hoặc hai điều về sự khác biệt giữa các doanh nghiệp nhỏ và lớn và cách xử lý chúng. Trong một doanh nghiệp nhỏ - bạn phải làm mọi thứ một cách cá nhân. Nhưng khi công ty lớn, bạn cần tạo cho nhân viên cảm giác thân thuộc và khiến họ cảm thấy thoải mái. Đó là điều quan trọng. Bí quyết quản lý chỉ đơn giản là xác định và tận dụng nhân tài. Nhưng về nguyên tắc, bạn phải làm cho họ cảm thấy họ thuộc về và thích bạn trước đã".
Với những đóng góp của mình trong hoạt động kinh doanh, tỷ phú Lý Gia Thành từng được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ vào năm 2000. Năm 2001, ông được tạp chí Asiaweek bầu chọn là nhân vật quyền lực nhất châu Á. Năm 2006 tại Singapore, tạp chí Forbes trao tặng ông giải thưởng “Thành tựu trọn đời” - giải thưởng tôn vinh những doanh nhân xuất sắc và có cống hiến cả đời cho ngành kinh doanh.
Năm 1980, tỷ phú Lý Gia Thành sáng lập quỹ từ thiện mang tên ông. Năm 2006, tỷ phú Lý Gia Thành cam kết dành 1/3 tài sản của mình cho công tác từ thiện, đặc biệt về lĩnh vực giáo dục.
Trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, ông Lý nói về những hoạt động từ thiện mà ông tích cực tham gia sau cái chết của cha: "Tôi nhận ra khi kém may mắn, bạn cần được hỗ trợ nhiều như thế nào. Vì vậy, khi tôi bắt đầu kinh doanh vào năm 1950, tôi đã cố gắng dành tiền để giúp đỡ người nghèo. Bản thân tôi cũng đã từng nếm trải sự nghèo khó. Vì vậy, tôi đã trả lại chongười khác bằng cách hỗ trợ các tổ chức giáo dục khác nhau".
Và tỷ phú Lý làm điều này không đơn thuần vì cảm thấy có nghĩa vụ mà đó là lựa chọn. "Tôi sẽ tiếp tục làm như vậy và hơn thế nữa, không phải vì nghĩa vụ của mình mà vì đó là châm ngôn mà tôi chọn để sống cuộc đời mình", ông nói.
Lý Gia Thành được coi là nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng lớn nhất châu Á. Sau thời gian lãnh đạo gần 70 năm của mình tại CK Hutchison Holdings và CK Asset Holdings, ông Lý tuyên bố nghỉ hưu năm 2018 và quyết định chuyển giao đế chế 100 tỷ USD của mình cho con trai cả, Victor Lý. Dẫu vậy, ở tuổi 90, ông vẫn tham gia trong tập đoàn với tư cách là cố vấn cấp cao.
Tỷ phú Lý Gia Thành nói ông không coi mình là một người may mắn: "Không, tôi không hề may mắn. May mắn không phải là một phần quan trọng trong thành công của tôi, dù tôi thừa nhận rằng thời điểm có thể là một yếu tố ảnh hưởng. Tôi đã làm việc chăm chỉ để đạt được những mục tiêu mà chính tôi đã đặt ra cho bản thân mình".
Và rõ ràng, bằng cả một cuộc đời - một hành trình đi từ bàn tay trắng tới việc nắm giữ khối tài sản lớn của Lý Gia Thành - đã chứng minh được điều đó.