Bức ảnh "The Falling Man" được ghi lại vào 9h41 sáng ngày 11/9, khi chiếc máy bay đầu tiên bị phiến quân al Qaeda khống chế đâm sầm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York. Khi đó, nhiếp ảnh gia Richard Drew, tác giả của bức ảnh, đang chụp hình cho một show trình diễn thời trang gần đó.
Trên đường lao đến hiện trường thảm án, Drew nhận ra tàu điện ngầm vắng tanh, không một bóng người. Trong lúc ông rời đi, chiếc máy bay thứ hai đã lao thẳng vào Tháp Nam, song Drew không hề hay biết gì vì bị bao phủ bởi khói bụi mịt mù, mảnh vỡ tung tóe và tiếng ồn đinh tai nhức óc. Mãi đến khi được các sĩ quan cảnh báo, ông mới biết tin vừa có thêm một tòa tháp cao biến thành phế tích dưới đòn thù của bọn khủng bố.
Ellen Borakove, một thành viên của văn phòng giám định y khoa Thành phố New York, chia sẻ: "Mọi người buộc phải lao xuống đất vì ngạt khói mù và bị lửa thiêu đốt, hoặc bị nổ văng ra khỏi tòa nhà". Đó cũng là lúc ống kính của nhiếp ảnh gia thuộc tòa soạn Associated Press bắt được khoảnh khắc người đàn ông tuyệt vọng nhảy xuống từ Tháp Bắc, đằng sau là cửa kính và khung sắt thép lạnh lùng của tòa nhà cao chọc trời.
Gương mặt của người đàn ông trong ảnh rất đỗi mơ hồ, nhưng chính vì thế mà càng khiến người ta xót đau khi nghĩ đến có hơn 200 nạn nhân trong thảm kịch ngày hôm ấy cũng bị dồn đến bước đường cùng, khiến họ đành gieo mình xuống từ tòa tháp cao trong nỗi tuyệt vọng đỉnh điểm.
Ngày hôm sau, bức ảnh xé lòng được đăng tải trên tờ New York Times. Thế nhưng ngay sau đó, tòa soạn này đã nhận về hàng loạt lời chỉ trích vì lợi dụng sự kiện thương tâm để tăng doanh thu báo. Mãi đến 2 năm sau đó, "The Falling Man" mới xuất hiện lại trên các ấn phẩm truyền thông.
Suốt nhiều năm về sau, dư luận không ngừng đồn đoán về thân phận của người đàn ông xấu số trong ảnh, nhưng đến nay vẫn chưa có suy luận nào được chứng thực. Trong ảnh, có thể thấy người này có râu, mặc quần đen và áo dài màu trắng, trông giống trang phục của nhân viên nhà hàng, nhiều khả năng là người gốc La-tinh.
Mọi người tin rằng ông là một trong hơn 100 nhân viên của nhà hàng tại Tháp Bắc thiệt mạng trong vụ tấn công. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng người đàn ông này là Norberto Hernandez, một đầu bếp chuyên làm bánh ngọt tại nhà hàng Windows of the World trên tầng 106 của tòa tháp.
Anh chị em của Hernandez nhận định người đó đúng là ông, nhưng đã bị các thành viên còn lại phản bác. Một số thân nhân tin chắc Hernandez sẽ không bao giờ nhảy lầu để kết thúc mạng sống vì tín ngưỡng không cho phép ông làm vậy. Hơn nữa, người đàn ông trong ảnh mặc áo màu cam bên dưới áo khoác trắng. Theo vợ của Hernandez, ông không bao giờ chọn áo màu này.
Đến đây, sự chú ý của công chúng lại đổ dồn vào Jonathan Briley, một kỹ thuật viên âm thanh cũng làm việc tại Windows of the World. Theo lời anh trai Timothy, Jonathan có một chiếc áo sơ mi màu cam và thường xuyên diện nó đến nỗi bị anh trêu không biết bao nhiêu lần. Gwendolyn, chị của Jonathan, cũng cho biết ông bị hen suyễn và sẽ ngạt thở khi ở trong môi trường nóng bức, nhiều khói.
Mặc cho những tranh cãi, tác giả của tấm ảnh thừa nhận ông muốn nghĩ về người đàn ông như "một chiến sĩ vô danh". "Hãy để anh ấy đại diện cho tất cả những con người vắn số trong ngày hôm đó", ông nói với Telegraph. "Tôi hy vọng khi nhìn vào bức ảnh, mọi người có thể chấp nhận sự thật rằng đây là những gì đã xảy ra trong cái ngày đau thương ấy".