Bức ảnh được chia sẻ trên Fubar News hôm 11/2, vài giờ sau khi cơn bão Ciara đổ bộ nước Anh với sức gió 145 km/h.
Bài viết với chú thích: “Hôm nay tình cờ thấy sinh vật kỳ lạ này gần Aberdeen. Bạn có biết nó có thể là con gì không?”.
Một số người đùa rằng, xác chết mục ruỗng này có thể là phần còn lại của quái vật hồ Loch Ness nổi tiếng Scotland.
Thế nhưng ngay lập tức ý kiến trên bị phản bác. “Quái vật hồ Loch Ness không thể thích nghi với nước mặn”, tài khoản Emma -Louise Bolland viết.
Một số người khác rất ngạc nhiên trước hình ảnh bộ xương của sinh vật lớn này. “Đây thật là điều rất hiếm ở biển sâu Haggis”, tài khoản Dex Stewart viết đùa.
Một người tên Matthew Cook cho rằng, ban đầu anh nghĩ xác chết sinh vật này là brontosaurus (một chi khủng long) nhưng nhìn vào các đốt sống trong cấu trúc xương của nó, tôi lại nghĩ nó là diplodocus/triceratops (chi khác của khủng long).
Cũng có người đoán nó là xương của cá voi hoặc cá heo.
Đây không phải là lần đầu tiên mọi người đồn đại về sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness.
Dù đã có rất nhiều video nghi là quái vật hồ Loch Ness trong nhiều năm qua, nhưng vẫn không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy con quái vật này là có thật.
Quái vật hồ Loch Ness lần đầu tiên được “phát hiện” trở lại vào năm 565 trong tiểu sử của nhà sư Ailen Saint Columbiaa có đề cập đến “quái thú dưới nước” khổng lồ kéo một người đàn ông đến chết ở sông Ness của Scotland.
Tuy nhiên, người ta chỉ tiếp tục quan tâm hơn về con quái vật này vào năm 1933 sau khi một con đường được xây dựng dọc theo hồ. Chỉ trong vài tháng, một số người tuyên bố họ đã thấy một con thú khổng lồ ẩn nấp gần mặt nước.
Sau đó một năm, xuất hiện bức ảnh nổi tiếng nhất về sinh vật được cho là con quái vật này.
Năm 1975, một bức ảnh chụp nổi tiếng đã vạch trần quái vật hồ Loch Ness chỉ là một trò lừa bịp khi thực sự nó chỉ là một tàu ngầm đồ chơi có gắn đầu con quái vật điêu khắc.
Đại đa số các nhà khoa học đồng ý rằng không có quái vật biển khổng lồ sống trong hồ.