Hiện siêu bão Milton được ghi nhận là cơn bão thứ hai mạnh nhất trong lịch sử Vịnh Mexico với gió giật có lúc lên tới 320 km/giờ, sức gió duy trì liên tục ở mức 290 km/giờ. Tính đến ngày 9/10, bão đã suy yếu đi một chút nhưng vẫn ở mức rất nguy hiểm.
Noah Bergren - nhà khí tượng học tại Florida cho biết, siêu bão Milton là "một hiện tượng khí tượng ngoài sức tưởng tượng". Ông không thể tìm ra lời nào để diễn tả. Nó đã gần như chạm ngưỡng giới hạn về sức mạnh của bão trên Trái đất.
Theo Noah Bergren, Milton phát triển từ một cơn bão nhiệt đới với sức gió 96 km/giờ vào sáng Chủ nhật vừa qua. Chỉ sau 36 giờ, nó đã mạnh lên thành một siêu bão cấp 5 với sức gió lên đến 290 km/giờ. Đây là một quá trình tăng cường nhanh chóng và nếu đạt mức gió 310 km/h, nó sẽ vượt qua ngưỡng mà chỉ có 5 cơn bão trong lịch sử đạt tới kể từ năm 1980 .
Michael Wehner - nhà khoa học khí hậu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley và Jim Kossin, cố vấn tại Tổ chức First Street Foundation cảnh báo: "Nhiều cơn bão gần đây đã đạt tới cường độ của bão Cấp 6. Số lượng các cơn bão như vậy sẽ gia tăng khi khí hậu tiếp tục nóng lên" .
Trong siêu bão Milton, các cơn gió giật với tốc độ lên tới 320 km/h sẽ là nguyên nhân chính gây ra những thiệt hại nặng nề cho các khu vực ven biển.
Ngoài gió giật, gió duy trì liên tục trong thời gian dài cũng là mối nguy hiểm lớn. Những cơn gió duy trì trong siêu bão này có thể gây ra hậu quả lâu dài và hủy hoại diện rộng .
Hiện tại người dân dân Florida đang phải đối mặt với nguy cơ thảm họa khi siêu bão Milton tiến tới. Hơn một triệu người đã được yêu cầu sơ tán khẩn cấp trước khi bão đổ bộ.
Ngoài ra, một số khu vực sẽ phải đối mặt với thiệt hại nặng nề không chỉ từ gió mạnh mà còn từ lũ lụt. Các chuyên gia cho biết rằng việc tái thiết sau cơn bão có thể mất nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.